Nhiều người vẫn sập bẫy vì chiêu lừa giả mạo ngân hàng mời chào cho vay
Các đối tượng lừa đảo đã lập nên một kịch bản khá chuyên nghiệp nên không ít khách hàng dù cẩn trọng nhưng vẫn bị lừa.
Giả mạo đủ tổ chức tín dụng
Chị N.P.T. ngụ tại huyện Hóc Môn cho biết, vừa qua chị có nhu cầu vay tín chấp tại một công ty tài chính nhưng hồ sơ vay không đạt. Sau đó không lâu, chị nhận cuộc gọi từ đầu số 077816... tự xưng là nhân viên công ty tài chính MB Shinsei mời chào chị vay.
“Em cũng làm bên ngân hàng nên biết chị vừa rớt hồ sơ vay. Nay bên em sẽ hỗ trợ chị vay 100 triệu đồng với lãi suất chỉ 0,7%/tháng, trả góp trong 36 tháng, mỗi tháng chỉ thanh toán khoản 3,1 triệu đồng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng. Nếu chị đồng ý thì em sẽ làm hồ sơ vay với điều kiện chị phải tạm ứng thanh toán tiền bảo hiểm khoản vay là 1,9 triệu đồng, đến kỳ hạn thanh toán nợ đầu tiên chị chỉ đóng số tiền 1,2 triệu đồng, đến các tháng tiếp theo chị thanh toán số nợ bình thường là 3,1 triệu đồng. Hồ sơ được phê duyệt sẽ gửi về theo đường bưu điện trong vòng 3-7 ngày” – chị T. trình bày với chúng tôi.
Trong thời gian này, chị T. tiếp tục nhận được cuộc gọi khác từ số 08620... tự nhận là nhân viên “Tập đoàn ngân hàng Tiên Phong (TPBank)” mời cho chị vay. “Tôi nói mình không đủ điều kiện vay thì nhân viên này khẳng định sẽ hỗ trợ tôi vay và hồ sơ chắc chắn được phê duyệt. Nhưng do đang hẹn làm hồ sơ phía bên MB Shinsei nên tôi từ chối” – chị T. kể.Ba ngày sau, nhân viên bên MB Shinsei gọi lại cho chị T. thông báo phía bên bộ phận thẩm định đã liên hệ với chị T. nhưng do không liên lạc được nên việc làm hồ sơ bị gián đoạn. Sau đó chị nhận được cuộc gọi từ đầu số 07942... thông báo khoản vay của ch ịđược phê duyệt, hồ sơ sẽ đến tay chị T. trong 3 ngày. “Sẽ có bộ phận hỗ trợ giải ngân cho chị dưới ba hình thức: Thẻ tín dụng, giải ngân bằng tiền mặt ở ngân hàng, chuyển trực tiếp về tài khoản” - Sau đó nhân viên này xác nhận lại họ tên, số CMND, địa chỉ chị T. đang sinh sống, toàn bộ quy trình đều giống hệt lúc chị vay tại các ngân hàng trước đó. Khi chị kiểm tra số hotline này thì vẫn có nhân viên bắt máy và trả lời rất rành mạch, rõ ràng nên chị T. yên tâm.
Chị T. đem câu chuyện này kể với một người bạn thì người này cho rằng chị T. bị lừa, đồng thời tìm số hotline thật của công ty tài chính MB Shinsei để kiểm tra thì được thông báo là không có hồ sơ vay nào mang tên chị T.
Ba ngày sau, có số máy gọi cho chị T. tự xưng là nhân viên bưu điện hỏi xác nhận chị có đồng ý nhận hồ sơ và đóng 1,9 triệu đồng hay không. Chị T. từ chối thì sau đó chị được cuộc gọi từ đầu số 070285... – tiếp tục tự xưng là nhân viên MB Shinsei hỏi chị lý do không nhận hồ sơ. Nhân viên này hù doạ việc từ chối nhận hồ sơ là sẽ bị nợ xấu trên hệ thống CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng) rồi cúp máy.
Nhiều nạn nhân sập bẫy
Chúng tôi thử kiểm tra các đầu số đã từng gọi cho chị T. thì thấy số 070285... xuất hiện lên mục tìm kiếm khá nhiều, không ít nạn nhân phản ánh đã từng bị lừa đảo bởi số điện thoại này. “Số điện thoại này tự nhận là ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho vay vốn và yêu cầu khách trả trước bảo hiểm khoản vay rồi mới giải ngân. Sau khi chuyển gần 2 triệu đồng, tôi gọi điện thoại thì nhân viên vẫn bắt máy rồi cúp máy” – một nạn nhân cho hay. Nạn nhân khác thì nói rằng: “Tôi đã bị lừa bởi số điện thoại này, họ nói là nhân viên SHB có hợp đồng gửi qua bưu điện nhưng không giải quyết cho vay mà thu phí 1,8 triệu đồng, họ giả mạo luôn hợp đồng và con dấu từ SHB”.
Chiêu lừa giả mạo tổ chức ngân hàng mời chào cho vay đã xuất hiện khoảng hai năm trở lại đây và các ngân hàng liên tục cảnh báo đến khách hàng thông qua nhiều hình thức tin nhắn, email, trên giao diện các ứng dụng của từng ngân hàng.
Đại diện MB Shinsei (Mcredit) cho biết, gần đây Trung tâm dịch vụ khách hàng của Mcredit nhận được phản ánh của một số khách hàng nhận được thư thông báo nộp phí qua đường bưu điện để nhận khoản vay tại Mcredit. Mcredit đã ngay lập tức rà soát và phát hiện đây là hành vi mạo danh để lừa đảo nhằm chiếm dụng trái phép phí dịch vụ khách hàng. Hiện Mcredit không tiến hành thu phí dịch vụ khoản vay đối với tất cả các sản phẩm vay trả góp và tiền mặt. “Khách hàng phải hết sức cảnh giác với các cuộc gọi thông báo qua điện thoại, email, thư gửi qua bưu điện mạo danh Mcredit để thu phí dịch vụ khoản vay. Khách không truy cập và thực hiện giao dịch thanh toán, mua bán, nhận tiền, vay tiền trên các đường link, website lạ nhận được qua tin nhắn, email” – đại diện Mcredit khuyến cáo.
Theo đại diện ngân hàng SHB, các đối tượng còn sử dụng hình ảnh lãnh đạo cấp cao của SHB hoặc tự giới thiệu nhân viên của công ty tài chính mời chào vay vốn với nhiều ưu đãi để thu hút khách hàng (cam kết hỗ trợ nợ xấu, thủ tục đơn giản không qua thẩm định, giải ngân trong 1 giờ, hạn mức cho vay lớn đến 200 triệu đồng, lãi suất thấp…). Để tạo niềm tin cho khách, các đối tượng yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng cho vay online để đăng ký hồ sơ khoản vay, nhận được thông báo phê duyệt khoản vay và cần đăng nhập ứng dụng để giải ngân, thậm chí sử dụng con dấu giả trên các thông báo. Tuy nhiên tên tổ chức cấp tín dụng trên thông báo cho vay không tồn tại hoặc sai khác với tên trên con dấu, con dấu trên thông báo cho vay khác biệt với con dấu thật ngân hàng. “Chúng tôi không triển khai nhận hồ sơ vay qua website/internet banking/mobile banking không chính thống của SHB. Không bao giờ yêu cầu khách nộp phí xử lý khoản vay và luôn thực hiện cấp tín dụng đầy đủ theo quy trình và tuân thủ pháp luật” – đại diện SHB nhận định.
Theo đại diện các tổ chức tín dụng, hiện nay các đối tượng giả mạo tổ chức tín dụng dưới nhiều hình thức. Khi khách có nhu cầu vay nên liên hệ trực tiếp đến số tổng đài các tổ chức tín dụng, phòng giao dịch gần nhất. Xác minh thông tin gọi đến bằng cách gọi đến số tổng đài của các tổ chức tín dụng…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận