Nhiều nền tảng số Việt đang lấn lướt “hàng ngoại”
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ thí điểm đánh giá, công bố các nền tảng số Việt Nam, triển khai và phổ biến để người dân sử dụng phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày…
Nền tảng số Việt Nam phục vụ liên lạc đã vươn lên nhóm dẫn đầu thị trường, đạt quy mô người sử dụng tương đương và hơn các nền tảng số phổ biến của nước ngoài.
NỀN TẢNG SỐ LIÊN LẠC VIỆT VƯỢT XA “HÀNG NGOẠI”
Cụ thể, Zalo có trung bình khoảng 74,7 triệu người sử dụng hằng tháng và Mocha có trung bình khoảng 4,6 triệu người sử dụng hằng tháng.
Theo thống kê, thời gian mỗi người sử dụng Zalo trung bình hằng ngày tương đối cao (khoảng 28 phút) so với Messenger (20 phút), Facebook (30 phút). Zalo hướng tới siêu ứng dụng phục vụ toàn dân, đẩy mạnh tham gia dịch vụ công trực tuyến. Mocha chủ yếu chỉ nhắm tới khách hàng giới trẻ, vừa dùng liên lạc vừa giải trí.
Với dân số khoảng 100 triệu người và số người sử dụng Internet trên 75 triệu người, Việt Nam là nước nằm trong nhóm 15 quốc gia “lớn nhất” trên không gian mạng. Hằng ngày, người dùng Việt Nam tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ.
Trong Top 5 app liên lạc, tổng lượng dữ liệu trung bình mỗi người dùng Việt Nam tạo ra, trao đổi hằng tháng với nhau trên Zalo và Mocha xấp xỉ 591 MB (chiếm 58,84% toàn thị trường), nhiều hơn 1,43 lần so với tổng lượng dữ liệu trao đổi trên 3 nền tảng nước ngoài phổ biến ở Việt Nam (tổng Messenger, Viber và Telegram là 413,3 MB, chiếm 41,16%).
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, điểm sáng được người dân Việt Nam sử dụng nhiều trong lĩnh vực liên lạc. Đây là tín hiệu đáng mừng về khả năng thu hút dữ liệu người dùng lưu trữ trên nền tảng số.
NỀN TẢNG SỐ ĐI LẠI, MUA SẮM, GIAO HÀNG
Ứng dụng gọi xe cá nhân Be có trung bình khoảng 3,65 triệu người sử dụng hằng tháng, ổn định vị trí thứ 2 trên thị trường ứng dụng gọi xe ở Việt Nam, chỉ xếp sau Grab.
Đến hết quý 1/2022, tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản trên Postmart, Vỏ Sò là gần 5,4 triệu hộ, trong đó số tài khoản đủ điều kiện tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 1,2 triệu tài khoản (chiếm 21,5%), đã đưa lên 2 sàn hơn 80 nghìn sản phẩm nông nghiệp. Tổng số giao dịch trên 2 sàn trong quý 1/2022 đạt 109.670 giao dịch, tổng giá trị ước đạt 7 tỷ đồng.
Trong các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam, sàn Vỏ Sò hiện có số lượt truy cập website trung bình là 109.000 lượt/tháng, xếp hạng thứ 43. Postmart đạt xấp xỉ 50.000 lượt truy cập website/tháng, xếp hạng 274. Đây là khoảng cách chênh lệch lớn so với số lượng truy cập của các sàn thương mại điện tử dẫn đầu thị trường. Nguyên nhân một phần vì Vỏ Sò, Postmart tham gia thị trường thương mại điện tử muộn hơn các sàn khác (năm 2019) và tập trung chủ yếu vào thị trường thương mại điện tử nông sản.
Về ứng dụng phục vụ giao hàng, hiện Viettel Post chuyển phát nhanh đứng vững vị trí số 1 trên thị trường. Viettel Post có trung bình khoảng 3,5 triệu người sử dụng hằng tháng, đứng đầu thị trường ứng dụng phục vụ giao hàng tại Việt Nam. Ứng dụng My Vietnam Post có trung bình khoảng 2,6 triệu người sử dụng hằng tháng.
Trong khi đó, ứng dụng gọi xe khách An vui và Vé xe rẻ có lượng người sử dụng suy giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19. Số lượng người sử dụng sụt giảm khoảng 80% so với cùng kỳ Quý 1/2021. Tuy nhiên, thị trường ứng dụng vé xe khách hiện vẫn là thị trường dành riêng cho các nền tảng số Việt Nam, chưa có sự hiện diện của nền tảng số nước ngoài.
Các ứng dụng tài chính số của 5 ngân hàng Vietcombank, MB, BIDV, Vietinbank và AgriBank có sự phát triển mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và tương đối đồng đều nhau. Cụ thể, số lượng người sử dụng hằng tháng của Vietcombank là 12,2 triệu; MB là 7,82 triệu; BIDV là 7,62 triệu; Vietinbank là 5,46 triệu và AgriBank là 4,86 triệu.
Ngoài ra cuối tháng 11/2021, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, MobiFone) đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. Đây là mảnh ghép quan trọng để phổ cập nền tảng thanh toán số, đặc biệt cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo (nơi chưa có dịch vụ ngân hàng).
Sau 3 tháng triển khai thí điểm dịch vụ, Mobile Money đã đạt được một số kết quả nhất định và bước đầu đã đạt được mục tiêu đề ra về thí điểm dịch vụ tài chính an toàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Bên cạnh các nền tảng số tin tức, ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” mới được đưa vào sử dụng từ giữa năm 2021 đang phát triển mạnh do nhu cầu chống đại dịch Covid-19 và đang tích hợp nhiều tính năng mới để thành siêu ứng dụng. Sổ sức khỏe điện tử có khoảng 19,9 triệu người sử dụng hằng tháng.
Bà nền tảng số phục vụ các cơ sở giáo dục là VNEdu của VNPT, K12Online của Viettel và MobiEdu của MobiFone đều có số lượng người sử dụng hằng tháng nhỏ hơn 1 triệu.
Ba nền tảng số Việt Nam phục vụ các em học sinh có thể trực tiếp lên học trực tuyến các môn học hoặc làm bài tập lần lượt là Azota có số lượng truy cập hằng tháng vào khoảng 25,6 triệu lượt, Học mãi khoảng 2,9 triệu lượt và Ôn luyện khoảng 470 nghìn lượt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận