Nhiều giải pháp tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đến thời điểm này, Đông Nam Bộ đang có mức giải ngân thấp hơn bình quân cả nước do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Nhằm phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất có thể, các tỉnh, thành trong vùng đã có kế hoạch, tập trung huy động tối đa các nguồn lực thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình.
Giải ngân đầu tư công gặp nhiều khó khăn
Đông Nam Bộ bao gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao gần 129 nghìn tỷ đồng trong năm 2024. Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 9/2024, tổng số vốn ước giải ngân của 6 tỉnh, thành là gần 46 nghìn tỷ đồng, đạt 35,46% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân cả nước là 47,29%.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, giá trị giải ngân đầu tư công năm 2024 đến giữa tháng 10 vừa qua của tỉnh Bình Dương là trên 6.767 tỷ đồng, đạt 44,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân tốt, trên 60%. Giá trị giải ngân các công trình trọng điểm đến nay là hơn 4.441 tỷ đồng, đạt 26,5% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân của tỉnh.
Theo đó, tỷ lệ giải ngân là chưa đạt được như kỳ vọng, lượng vốn còn chưa giải ngân khá lớn, tập trung ở các công trình, dự án trọng điểm, dẫn đến áp lực giải ngân trong những tháng còn lại là rất lớn để hoàn thành được mục tiêu đề ra từ đầu năm. Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp là do vướng mắc về luật; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; công tác lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất thực tế,…
Là đầu tàu kinh tế phía Nam, tính đến thời điểm tháng 10, TP Hồ Chí Minh mới chỉ giải ngân 16.871 tỷ đồng, chiếm 21,29% trong tổng vốn 79.263 tỷ đồng Chính phủ giao. Tỷ lệ này rất thấp so với kế hoạch của thành phố và mức trung bình chung của cả nước.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, do đặc thù của thành phố là vốn lớn và chậm bố trí nguồn vốn trong trung hạn nên công tác chuẩn bị đầu tư chậm; công tác giải phóng mặt bằng, có một số trường hợp chậm là do phải chờ các luật sửa đổi như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân chủ quan như điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố trong việc đề xuất bổ sung vào trung hạn vốn, vào kế hoạch vốn hằng năm cũng bị chậm. Trách nhiệm, sự phối hợp của các sở, ngành trong giải quyết các thủ tục về chuẩn bị dự án và triển khai dự án, mất nhiều thời gian. Công tác quy hoạch, công tác đất đai, các thủ tục khác khi đi vào chi tiết như giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh quy hoạch 1/500, 1/2000 mất đến hàng tháng.
Tại tỉnh Tây Ninh, mặc dù đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đôn đốc nhưng công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm của tỉnh còn chậm, chỉ được giao bổ sung kế hoạch vốn năm 2024 trong quý II/2024. Mặt khác, năm 2024 có nhiều dự án lớn khởi công mới, đang thực hiện công tác thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, dự kiến đến quý III mới tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công các gói thầu xây dựng, dẫn đến việc giải ngân của các dự án trọng điểm dồn vào cuối năm, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo định hướng của tỉnh.
Một số dự án chuyển tiếp có số vốn lớn nhưng giải ngân chậm do phải thực hiện công tác điều chỉnh, phát sinh hạng mục cho phù hợp tình hình triển khai thực tế của dự án. Một số dự án chậm triển khai do vướng mặt bằng xây dựng hoặc các thủ tục về đất đai; nguồn vật liệu sỏi, đá cấp phối,… của tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu của các dự án giao thông lớn đang triển khai.
Tập trung nhiều nguồn lực
Nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian còn lại của năm 2024, tỉnh Bình Dương tập trung cao độ và huy động tối đa các nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương cần phải nghiêm túc thực hiện, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục tiêu, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn… Đồng thời, các đơn vị, địa phương phải nhìn thẳng vào nguyên nhân chủ quan để tháo gỡ những điểm nghẽn, chủ động đề xuất phương án giải quyết trên tinh thần làm việc vì lợi ích chung. Phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất có thể và hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu đã ký kết.
UBND tỉnh Bình Dương đã phát động phong trào thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Tỉnh phấn đấu đến ngày 31/12/2024, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công toàn tỉnh đạt tối thiểu 85% theo Nghị quyết của HĐND tỉnh giao (tương ứng 122% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong đó, tỷ lệ giải ngân các công trình trọng điểm không có vướng mắc phải đạt trên 80%.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa chỉ đạo mở đợt cao điểm về giải ngân vốn đầu tư công, kéo dài từ ngày 15/10 đến hết niên độ kế hoạch năm 2024. Lãnh đạo Thành phố đề nghị người đứng đầu từng đơn vị kiểm tra tiến độ hàng ngày, chỉ đạo xử lý, giải quyết các nhiệm vụ, kiến nghị liên quan đến các dự án đầu tư công. Các trường hợp vượt thẩm quyền cần được báo cáo, đề xuất, kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh để chỉ đạo, giải quyết ngay.
Thủ trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc TP Hồ Chí Minh, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân vốn của đơn vị mình và tỷ lệ giải ngân đánh giá trên cơ sở số liệu được các đơn vị xác định và đồng thuận cam kết thực hiện từ đầu năm 2024. Các ban quản lý có tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm thấp hơn tỷ lệ chung của thành phố (20,2%) cần khẩn trương triển khai các giải pháp để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc điều chuyển kế hoạch vốn các dự án giải ngân thấp sang các dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý các vướng mắc và đề xuất giải pháp thực hiện nhằm bảo đảm hoàn thành mục tiêu “đến cuối năm giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công được HĐND tỉnh giao”.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư liên quan đến quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường… Chủ động hỗ trợ, hướng dẫn các Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận