24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Duyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhiều dự án công viên ở Hà Nội chậm tiến độ

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, chín dự án công viên mới của Hà Nội chưa khởi công hoặc chưa hoàn thành, việc cải tạo công viên cũ cũng gặp nhiều bất cập.

Hà Nội đặt mục tiêu đến 2025 xây dựng xong 9 công viên mới với tổng diện tích trên 320 ha, song những dự án này đều đang chậm tiến độ.

Công viên Hồ điều hòa Khu đô thị Tây Nam Hà Nội (hơn 10 ha) hiện mới hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, còn trên 9.000 m2 chưa giải phóng. Chủ đầu tư đề xuất xây dựng thêm ba tầng hầm với chức năng chính là khu thương mại ngầm và bãi đỗ xe ngầm phục vụ khu công viên, nhưng đến nay cơ quan chức năng chưa xem xét.
Công viên hồ điều hòa CV1 ở quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm (27,7 ha) hiện có một gói thầu đã hoàn thành (thi công cống hộp), gói thầu thi công công trình đạt hơn 92%, việc cung cấp lắp đặt thiết bị đạt hơn 71%. Dự án vẫn còn hơn 1.300 m2 đất chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng; việc kết nối giao thông, thoát nước theo quy hoạch với hạ tầng xung quanh gặp khó khăn.
Nhiều dự án công viên ở Hà Nội chậm tiến độ
Công viên thiên văn học - Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông đã được xây dựng hoàn thiện nhưng chưa nghiệm thu, bàn giao. Ảnh: Thế Quỳnh
Công viên Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì (50,9 ha) có 5 dự án thành phần. Ba dự án đã hoàn thành bàn giao gồm: Xây dựng đường vào phía Đông khu tưởng niệm (ngân sách thành phố); tôn tạo, tu bổ chùa Quang Ân (vốn xã hội hóa); tôn tạo, tu bổ đình thờ lão tướng Phạm Tu (ngân sách thành phố).

Hai dự án đang triển khai gồm xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tưởng niệm và xây dựng các công trình kiến trúc tượng đài, nhà tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, nhà khách, cùng các công trình kiến trúc khác. Việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng tượng đài danh nhân Chu Văn An với tổng mức đầu tư dự kiến 130 tỷ đồng gặp nhiều khó khăn nên cơ quan chuyên môn đề xuất chuyển sang đầu tư công.

Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (100 ha) ở Đông Anh, đã giải phóng được trên 99 ha, diện tích còn lại vướng khu đất khu nghĩa trang và vướng đường điện 110kV, 35kV, 22kV. Việc thu hồi đất đường giao thông với gần 4.000 m2 đoạn nối dẫn từ quốc lộ 3 đến đường 5 kéo dài vẫn chưa được thực hiện. Các thủ tục liên quan đến xác định đơn giá tiền thuê đất hàng năm cũng đang được các cơ quan chức năng xem xét.
Công viên hồ Phùng Khoang (11 ha) thuộc địa phận quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân đã đạt khoảng 80% hạng mục hồ điều hòa và đường dạo, rào chắn, cây xanh. Dự án phải tạm dừng do điều chỉnh quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu) tỷ lệ 1/500 phục vụ xây dựng trạm biến áp 220/110kV Thanh Xuân. Vấn đề đấu nối hệ thống thoát nước từ công viên hồ Phùng Khoang sang mương Mễ Trì đang được triển khai nhưng bị vướng do phải cắt đường giao thông, di chuyển cây xanh.
Nhiều dự án công viên ở Hà Nội chậm tiến độ
Công viên Văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông chưa thể triển khai do các đơn vị thuê tạm không đồng ý dừng hợp đồng. Ảnh: Ngọc Thành
Công viên Văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông (98 ha) chưa triển khai do chưa lựa chọn nhà đầu tư. Hiện tại, diện tích được quy hoạch xây dựng công viên có 12 đơn vị quản lý sử dụng. Chỉ có một đơn vị là Công ty cổ phần môi trường đô thị Hà Đông chấp hành dừng khai thác, thanh lý hợp đồng. Còn 11 nhà đầu tư không đồng ý thanh lý hợp đồng do số tiền đầu tư của họ không nhỏ, thời gian hoạt động ngắn, chưa kịp thu hồi vốn; nếu thanh lý chấm dứt hợp đồng thì phải có mức bồi thường theo quy định.
Công viên thiên văn học - Khu đô thị Dương Nội ở quận Hà Đông (8 ha) cơ bản đã hoàn thiện, nhưng chưa hoàn thành nghiệm thu, bàn giao để hoạt động do còn vướng mắc về các chỉ tiêu quy hoạch, thủ tục giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, vi phạm trật tự xây dựng.
Công viên Hữu nghị quận Bắc Từ Liêm (16 ha) chưa triển khai, hiện trạng là đất trống. Dự án đã tạm dừng thực hiện từ năm 2016 do vướng thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và không tiếp tục được bố trí vốn. Tháng 6/2022, Hà Nội có văn bản báo cáo Thủ tướng chấp thuận chuyển nhiệm vụ đầu tư dự án cho thành phố.
Công viên Văn hóa - Thể thao - Vui chơi Đống Đa giai đoạn 1 (7 ha) chậm triển khai do quy hoạch chi tiết được phê duyệt từ những năm 1998, quá trình thực hiện dự án kéo dài và những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đến nay, trong phạm vi ranh giới đã có những dự án khác được cấp có thẩm quyền thu hồi đất, cho phép triển khai và đưa vào khai thác.

Bên cạnh đó, khu vực xây dựng dự án có các hộ dân ở đã lâu, phần lớn là đất không có giấy tờ hợp pháp, qua thời gian các công trình đã tự cải tạo không phép. Theo quy định, khi nhà nước thu hồi thì phần lớn các hộ này không được đền bù về đất, nên người dân không hợp tác làm thủ tục giải phóng mặt bằng.

Cùng với xây mới, bốn công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình do thành phố quản lý cũng được lên kế hoạch cải tạo. Trong đó, công viên Thống Nhất (48 ha) được quy hoạch chi tiết 1/500 theo hướng công viên mở kết hợp dịch vụ. Phần diện tích đất công viên có mục đích công cộng (không thu phí) thực hiện theo hình thức đầu tư công, còn phần diện tích công viên có mục đích kinh doanh (có thu phí) thì đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Cải tạo công viên Thủ Lệ (18 ha) khó khăn do nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm chỉ được thực hiện cho sửa chữa nhỏ. Để nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, Vườn thú Hà Nội cần được thực hiện theo tính chất của dự án đầu tư.

Công viên Bách Thảo (10 ha) sau nhiều năm khai thác, nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng. Cầu sang Đảo sàn gỗ bị mục, trụ cầu sắt bị rỉ; hệ thống các chuồng nuôi cũng rỉ, mái che bị mục, không đảm bảo điều kiện nuôi nhốt theo quy chuẩn. Công viên cũng thiếu hệ thống đèn chiếu sáng, đèn cảnh quan, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động. Hiện nay, phần phục vụ công ích do Sở Xây dựng quản lý; khu vực các công trình nhà điều hành, dịch vụ do Công ty Công viên cây xanh quản lý và khu vực di tích lịch sử Đền Núi Sưa do UBND quận Ba Đình quản lý. Việc có ba đơn vị quản lý các công năng khác nhau của công viên gây khó khăn cho duy tu, cải tạo.

Theo Sở Xây dựng, các công viên cây xanh phục vụ công ích (công trình kiến trúc mật độ 5%) thuộc trách nhiệm nhà nước đầu tư, duy trì phục vụ nhân dân không thu phí. Do ngân sách chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, nên từ năm 2013 HĐND thành phố đã có nghị quyết khuyến khích đầu tư theo hình thức xã hội hoá.

Tuy nhiên, việc xây mới, cải tạo công viên chưa thu hút nhà đầu tư do xây công viên phải bỏ vốn rất lớn, sau khi hoàn thành, nhà đầu tư chỉ được khai thác kinh doanh phần công trình xây dựng mật độ 5% để thu hồi vốn, nhưng phải tự duy tu, duy trì, quản lý vận hành toàn bộ công viên để phục vụ nhân dân.

Ngoài ra, việc đề xuất khai thác không gian ngầm cho nhà đầu tư khó đáp ứng các quy định hiện hành vì không phải công viên nào cũng phù hợp làm không gian ngầm và để khai thác không gian ngầm khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu khắt khe của Luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, kỹ thuật, như phòng cháy chữa cháy, thoát nạn...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả