Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM chưa hoặc không còn nhu cầu ngân hàng hỗ trợ trước ảnh hưởng Covid-19
Số lượng doanh nghiệp này khá lớn trong số 725 trường hợp mà ngành ngân hàng đã tiếp nhận trên địa bàn khi xét bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM vừa có báo cáo tình hình kinh tế xã hội tại TP trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19.
Báo cáo trên cho biết, hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định; đã triển khai văn bản số 2372/HCM-TH-KSNB ngày 18/8 đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn về việc xem xét, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã TP.
Tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn TP.HCM ước đến cuối tháng 8 đạt 2.663.000 tỷ đồng, tăng 4,55% so với cuối 2019. Trong đó, tiền VND tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm gần 87% tổng nguồn vốn huy động.
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 8 ước đạt 2.380.500 tỷ đồng, tăng 3,68% so với cuối 2019. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 52% tổng dư nợ, tăng 4,31% so với cuối 2019; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 48%, tăng 3% so với cuối 2019.
Về tình hình dư nợ các chương trình tín dụng, dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND đến cuối tháng 7 đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên (gồm phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt 176.266 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng chủ yếu, đạt 130.446 tỷ đồng, chiếm 74,01% tổng dư nợ 5 nhóm ưu tiên.
Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở: dư nợ vay chương trình còn khoảng 3.092 tỷ đồng với 8.509 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ khách hàng doanh nghiệp là 120 tỷ đồng với 2 khách hàng; dư nợ với khách hàng cá nhân, hộ gia đình là 2.972 tỷ đồng với 8.507 khách hàng.
Chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp: dư nợ cho vay đạt 180.584 tỷ đồng gồm 3.740 khách hàng vay vốn; trong đó, dư cho vay ngắn hạn đạt 131.984 tỷ đồng, cho vay trong dài hạn đạt 48.600 tỷ đồng.
Chương trình cho vay theo chương trình bình ổn thị trường: dư nợ cho vay đạt 617 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 180.527 tỷ đồng với 1,92 triệu khách hàng, tăng 3,4% so với cuối 2019.
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: các ngân hàng thương mại đăng ký và tổ chức thực hiện gói tín dụng 2020 là 274.450 tỷ đồng. Đến nay thực hiện giải ngân đạt 208.291 tỷ đồng cho 8.104 khách hàng.
Đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ 2 nhóm chủ yếu là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, đạt 583.157 tỷ đồng cho 240.407 khách hàng.
Trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 170.915 khách hàng với dư nợ đạt 142.023 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 18.274 khách hàng với dư nợ đạt 53.654 tỷ đồng. Cho vay mới lũy kế từ 23/1 đến cuối tháng 7 cho 51.218 khách hàng với doanh số đạt 387.481 tỷ đồng.
Ngành ngân hàng đã tiếp nhận 725 trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, trong đó đang xử lý 11 trường hợp, đã có kết quả xử lý 714 trường hợp.
Trong đó, đáng chú ý là có 108 trường hợp doanh nghiệp chưa có/không còn nhu cầu hỗ trợ; 86 trường hợp doanh nghiệp được hỗ trợ giảm lãi từ 0,2-2%/năm so với lãi suất áp dụng trước đó; 17 doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; 46 trường hợp được cho vay mới; 4 trường hợp được tăng hạn mức tín dụng; 3 trường hợp giảm phí dịch vụ; 16 khách hàng được hỗ trợ nhiều hình thức như tăng hạn mức, giảm lãi, cơ cấu nợ; 107 doanh nghiệp đang xem xét hồ sơ…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận