Nhiều doanh nghiệp ngoại muốn mua điện sạch không qua EVN
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn FDI lớn như Samsung, Apple, Heineken, Google, Nike… đã gửi thư tới Chính phủ, Bộ Công Thương thể hiện sự ủng hộ với cơ chế thỏa thuận trực tiếp giữa bên sản xuất điện bên và có nhu cầu mua điện về việc mua bán điện mà không thông qua các công ty điện lực của EVN.
Bộ Công Thương cho biết, theo trao đổi của Cục Điều tiết Điện lực với một số doanh nghiệp có nhu cầu tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp không thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) như Samsung, Heineken, Nike, tổng sản lượng điện tiêu thụ bình quân tháng của các đơn vị này đều lớn hơn 1 triệu kWh/tháng. Điển hình như một số cơ sở sản xuất của Heineken ở Quảng Nam và Hà Nội có sản lượng điện tiêu thụ 500.000 - 800.000 kWh/tháng. Các cơ sở này đều đấu nối ở cấp điện áp 22kV trở lên.
“Để định lượng nhu cầu của các đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo, khách hàng sử dụng điện với cơ chế thỏa thuận trực tiếp giữa bên sản xuất điện bên và có nhu cầu mua điện về việc mua bán điện (DPPA) đã triển khai khảo sát đánh giá mức độ quan tâm của các đơn vị, tổ chức có liên quan”, Bộ Công Thương cho hay.
Bộ này cũng cho biết, đã gửi phiếu khảo sát tới 95 dự án điện năng lượng tái tạo và có 67 dự án phản hồi. Theo đó, có 24 dự án với công suất 1.773 MW muốn tham gia cơ chế bán điện trực tiếp. Có 17 dự án với công suất 2.836 MW đang cân nhắc về điều kiện tham gia và có 26 dự án trả lời không có nhu cầu tham gia bán điện trực tiếp.
Nhiều doanh nghiệp FDI muốn mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo mà không phải thông qua EVN.
Về phía các khách hàng mua điện, Bộ Công Thương đã khảo sát và hỏi 41 khách hàng. Kết quả có 20 khách hàng muốn tham gia cơ chế mua bán điện không qua EVN với công suất muốn mua 996 MW.
Cũng theo Bộ Công Thương, dù các văn bản quy phạm pháp luật về thị trường điện cạnh tranh cũng có đề cập và thiết kế mô hình khách hàng sử dụng điện lớn mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện, tuy nhiên chính sách vẫn chưa đồng bộ và hoàn chỉnh dẫn đến cả bên mua và bên bán không có cơ sở thực hiện.
Bộ Công Thương cho biết, dự kiến tháng 5 tới sẽ trình dự thảo nghị định về cơ chế DDPA, trên cơ sở đó lấy ý kiến và thời gian ban hành nghị định vào tháng 7.
Được biết, theo phương án được xây dựng, có hai trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thuộc nhóm sản xuất: Phương án 1, doanh nghiệp có thể mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng do tư nhân đầu tư (không phải mua bán điện thông qua EVN). Phương án 2, doanh nghiệp và bên phát điện có thể mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia.
Về việc mua bán điện trực tiếp, không thông qua EVN, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo EVN cho biết tập đoàn ủng hộ chủ trương doanh nghiệp lớn được mua bán điện trực tiếp với đơn vị phát điện.
Theo vị này, với cơ chế giá điện như hiện nay, việc mua bán điện không thông qua EVN sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngành điện trong việc đầu tư nguồn phát, đường dây truyền tải đồng thời thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp tư nhân ngoài ngành điện trong đầu tư nguồn điện. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ được mua điện rẻ hơn, nhưng cũng có thể phải mua giá cao hơn theo diễn biến giá thực tế của chi phí đầu của đơn vị phát điện.
Theo thông tin của PV Tiền Phong, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung để báo cáo Thường trực Chính phủ về việc xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện DPPA.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận