Nhiều doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp để vay vốn
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) gửi UBND TP HCM mới đây cho thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Theo HUBA, trước tình hình khó khăn về vốn, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02 năm 2023 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay.
Các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận được nguồn vốn do không bảo đảm yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay.
Khảo sát của HUBA cho thấy có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Trong khi đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng. "Ngân hàng nên xem xét tăng tỉ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai" – HUBA kiến nghị.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không còn tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng
HUBA cũng kiến nghị chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ, có nghĩa là doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên 2 lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho doanh nghiệp như thời gian vừa qua.
Cũng liên quan đến vấn đề vốn, HUBA kiến nghị chính quyền TP HCM xem xét đơn giản hóa thủ tục vay vốn kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, chú trọng hỗ trợ nguồn vốn và chính sách ưu đãi đối với các dự án lớn, hình thành hệ thống các nhà máy chuyên môn hóa, có thể sản xuất được các cụm linh kiện hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng toàn cầu.
"Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất… trong ngành vài năm gần đây được đánh giá là chưa tích cực, thậm chí nhiều doanh nghiệp bị suy giảm do thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao.
Ngoài ra, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay hầu hết là các chi tiết rời rạc, khó đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và doanh nghiệp đang chịu mức lãi suất vay khá cao (7%-8%)" – báo cáo nêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận