Nhiều công ty nêu bức xúc tại "cà phê doanh nghiệp" ở Bến Tre
Nhiều thắc mắc được lãnh đạo tỉnh Bến Tre tháo gỡ ngay tại bàn cà phê trong buổi sáng thứ 7 cuối tuần khiến doanh nghiệp rất phấn khởi.
Ngày 27-8, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức buổi "cà phê với doanh nghiệp" nhằm lắng nghe các doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Trong 35 doanh nghiệp tham dự, 5 doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến trao đổi với UBND tỉnh và một số huyện.
Cần duy trì "cà phê với doanh nghiệp"
Tại buổi "cà phê với doanh nghiệp", ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng cần phải duy trì tổ chức "cà phê với doanh nghiệp" để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, không chỉ riêng bàn tròn cà phê doanh nghiệp mà còn bằng nhiều kênh như zalo, facebook…
Ông Chí Cường, Giám đốc Công ty TNHH Coco Coir Global, nêu thắc mắc: "Công ty tôi có trụ sở xã Phú Hưng, TP Bến Tre, được thành lập 6 năm, doanh thu trên triệu USD. Công ty không nằm trong khu công nghiệp mà chỉ thuê đất của dân. Gần đây, Thanh tra Giao thông (TTGT) đến đòi kiểm tra giấy phép bến thủy nội địa và đòi bị lập biên bản vi phạm. Tôi hỏi làm thế nào thì TTGT kêu đến Sở GTVT làm giấy phép.
Đến Sở GTVT nói đất phải chuyển mục đích là phi nông nghiệp. Đến Sở Tài nguyên và Môi trường nói không cho chuyển. Vậy làm sao xin giấy phép bến thủy nội địa? TTGT nói: "Giờ đến Tết hổng có tao lụm mầy liền". Tôi đại diện cho 20 doanh nghiệp nói lên điều này. Công ty tôi trung bình mỗi tháng xuất hàng từ 20-50 container, không có giấy phép bến thủy nội địa lấy đâu làm được giấy phép "cảng nội địa"?... Công ty nằm ngoài khu công nghiệp, đầu tư hàng tỉ làm điện kế mà không được làm chủ mà điện lực quản lý. Các chú, các bác giúp doanh nghiệp tháo gỡ chuyện này".
Giải đáp thắc mắc của ông Cường, ông Nguyễn Trúc Sơn khẳng định: "Anh cho địa chỉ cụ thể công ty, tỉnh sẽ giải quyết nhanh thôi. Tôi đánh giá cao ý anh Cường, rất hoan nghênh tinh thần khởi nghiệp. Tôi khuyến khích doanh nghiệp chọn nơi đầu tư gắn quy hoạch địa phương. Tôi sẽ cho lập tổ tìm hiểu vụ việc anh Cường. Thậm chí, tôi sẽ đến xem cụ thể, ai làm khó doanh nghiệp, làm khó chỗ nào sẽ giải quyết cho doanh nghiệp".
Nhiều thắc mắc được tháo gỡ
Đại diện Công ty Dừa Lương Quới nêu ý kiến: "Công ty muốn tỉnh giải quyết thêm về trường hợp miễn giảm 30% tiền thuê đất, thuế trong lúc dịch Covid-19".
Ông Sơn cho biết: "Tôi sẽ ngồi cùng Công ty Lương Quới bàn bạc cho xong việc này. Lấn cấn chỗ nào thì sẽ bàn và kết luận vụ việc. Tỉnh ghi nhận và có hướng giải quyết nhanh nhất cho doanh nghiệp".
Một chủ doanh nghiệp là ông Mai Văn Hiển (Công ty Hương Long) tại huyện Mỏ Cày Nam cũng mong muốn khi thành lập Cụm Công nghiệp tại Mỏ Cày Nam nên cấp đất cho công ty vì công ty thiếu đất trầm trọng, không dám ký hợp đồng xuất khẩu sang Châu Âu mà chỉ bán cho Hàn Quốc. Một lãnh đạo UBND huyện Mỏ Cày Nam liền cho biết: "Khu công nghiệp chuẩn bị quy hoạch, đang xem xét chưa được duyệt nhưng phải phù hợp quy hoạch thì được".
Ngoài ra, một công ty tư vấn cho Công ty Lô Hội (huyện Châu Thành) nêu ý kiến: "Xin hoán đổi đất trường học đã bỏ để làm cơ sở sản xuất nhưng chưa được xem xét". Ông Sơn cho hay: "Chuyện công ty xin hoán đổi đất đã xảy ra gần 10 năm, do huyện không có chủ trương hoán đổi đất công vì không đúng quy định thì… chết. Với hồ sơ tôi nắm được thì không thể đổi được mà phải đấu giá vì là đất công mà".
Còn ông Phạm Hoài Lĩnh, công ty điện máy, cũng thắc mắc việc xin tách thửa đất rất khó, gọi, nhắn tin lãnh đạo huyện Châu Thành không được, mà lên tỉnh thì chưa đáng lắm. Lãnh đạo UBND huyện Châu Thành cũng cho rằng về thủ tục tách thửa đất sẽ kiểm tra và phản hồi trong tuần sau cho ông Lĩnh biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận