Nhiều chủ tàu bỏ biển đi làm thuê
Sở hữu hai tàu đánh cá trị giá hơn 3 tỷ đồng, ông Võ Quang Phúc ở Quảng Nam đành tạm xa biển, lên bờ bốc vác mưu sinh vì không chịu nổi bão giá xăng dầu.
Tháng 7 là chính vụ đánh bắt cá nam (từ tháng 5 đến 9), song hai tàu cá xa bờ của ông Phúc, 43 tuổi, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, nằm bờ hơn nửa tháng nay. Cả hai đang neo đậu ở âu thuyền An Hòa, cách nhà khoảng 100 m. Hàng ngày ông Phúc ra cảng cá Kỳ Hà bốc vác thuê, ngày kiếm 300.000 đồng, nhưng công việc lúc có lúc không. Hôm nào không ai thuê, ông lên tàu thay thế những tấm ván mới, ngăn mưa dột.
Tàu nằm bờ, ông Võ Quang Phúc gỡ ván hư hỏng thay để thay ván mới. Ảnh: Đắc Thành
Sinh ra ở vùng biển Tam Quang, ông Phúc tiếp nối nghề truyền thống của cha ông - vươn khơi bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Khi lập gia đình, ông đầu tư mua tàu cũ công suất trên 700 CV, sau đó cải hoán hành nghề lưới vây. Gần hai năm trước, từ vốn vay quỹ hỗ trợ ngư dân, ông đóng mới tàu hơn 2 tỷ đồng với kỳ vọng đôi tàu đem lại nguồn thu ổn định để nuôi hai con ăn học.
Tuy nhiên, giá xăng dầu cao kỷ lục đã phá vỡ mọi kế hoạch của ông Phúc. "Trung bình một năm, mỗi tàu của tôi ra khơi 8 chuyến biển, mỗi chuyến kéo dài nửa tháng. Nhưng từ đầu năm đến nay, mỗi tàu đi hai chuyến, đều thua lỗ", ông kể, tính toán mỗi tàu xuất bến cần hơn 1.200 lít dầu. Năm trước giá dầu dưới 16.000 đồng lít, nay tăng gấp đôi, kéo chi phí chuyến đi tăng lên ít nhất 30%.
Trước đây hải sản bán chia chủ tàu một nửa, một nửa của thuyền viên. Nhưng nay trừ chi phí nhiên liệu, nhu yếu phẩm, số còn lại chia đều cho ngư dân mà cũng không tìm được người làm. Lý do chi phí đi biển tăng cao, nguồn thu nhập không có nên lao động trẻ bỏ biển kiếm nghề khác, nghề chỉ còn người già.
Với ngư dân như ông Phúc, để có tiền mua dầu, nhu yếu phẩm cho mỗi chuyến biển, ông thường vay mượn; khi tàu cập bờ sẽ bán hải sản trả. Nhưng liên tiếp những chuyến biển thua lỗ, ông đành nợ, chấp nhận lãi mẹ đẻ lãi con. "Tiền hỗ trợ xăng dầu của nhà nước như quý 2 và 3 năm 2021 đến nay ngư dân chưa được nhận. Giá xăng dầu tăng, song mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên (100 triệu đồng/chuyến) nên ngư dân gặp nhiều khó khăn", ông Phúc nói.
Giờ ông Phúc cũng như gia đình canh cánh nỗi lo trả nợ ngân hàng 1,7 tỷ đồng vay đóng tàu. Cuối năm, tính cả tiền gốc và lãi, ông phải trả 200 triệu đồng.
Chủ tàu Hoàng Văn Minh, 34 tuổi, trú xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cũng đang làm thợ máy cho tàu cá. Đầu tháng 7, tại âu tàu cảng Gianh, huyện Bố Trạch, anh cùng một số thợ máy đang tháo dỡ khoang máy của một tàu vỏ gỗ. Anh được chủ xưởng sửa chữa thuê làm từ sáng đến tối trong môi trường thiếu sáng, nóng nực, tiền công 300.000 đồng/ngày.
Anh Minh cùng hai người khác chung vốn 5,5 tỷ đồng đầu tư tàu thu mua hải sản, công suất hơn 1.000 CV, hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa. Một năm qua, giá dầu tăng gấp đôi khiến các chuyến biển kéo dài 15 ngày tăng thêm 30% chi phí, từ khoảng 90 lên 140 triệu đồng. Trong khi đó, hải sản mất mùa, giá bán tăng không đáng kể khiến các chuyến biển lỗ vốn.
"Dầu tăng giá mà được mùa thì vẫn bù đắp, nhưng 10 ngày ra khơi mà chỉ thu mua được 11-12 tấn hải sản nên không đủ vốn", anh Minh nói về lý do cho tàu nằm bờ hai tháng nay. Đặc thù của tàu thu mua hải sản phải trả trước cho bạn tàu 2 triệu đồng mỗi chuyến biển nên gánh nặng cho chủ tàu càng lớn nếu thất thu.
Ngôi làng Văn Phú sát sông Gianh, nơi ngư dân Minh cư trú, vốn nổi tiếng với nghề biển, nhưng nay đang lâm cảnh khó khăn. Một nửa tàu trong làng ngừng hoạt động. "20 chiếc ra khơi thì chỉ 2 chiếc có lãi để chia tiền cho bạn tàu", anh Minh kể. Vì thế anh cũng như nhiều ngư dân chưa có ý định ra khơi trở lại.
Không có thu nhập, gia đình anh Minh phải chi tiêu tằn tiện, chấp nhận vay mượn. Vài ngày tới, con trai đầu vào lớp 1, phải nộp tiền khoảng 1,5 triệu đồng, anh Minh chưa biết xoay ở đâu.
Anh Hoàng Văn Minh, chủ tàu thu mua hải sản, chuyển sang làm thợ máy để có thu nhập trong thời gian tàu nằm bờ. Ảnh: Hoàng Táo
Giá xăng dầu lên cao, nhiều chủ tàu đành bán tàu cá, như ông Pham Văn Súc, 54 tuổi, quê Quảng Nam. Ông Súc bán tàu cá xa bờ, mua tàu nhỏ để chở người ở âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Quyết định bỏ biển, một phần do tuổi tác, phần vì "đi chuyến biển được 500.000 đồng thì tiền dầu hết hơn 300.000 đồng".
Ông Súc cũng tính đến chuyển nghề, nhưng thử đi làm thợ nề vài ngày không chịu nổi nắng, làm bảo vệ thì lương chỉ 3-3,5 triệu đồng, riêng tiền cà phê, thuốc lá đã 1,5 triệu, chưa kể tiền ăn. Cuối cùng ông chuyển nghề chở người, khách hàng chủ yếu là chủ tàu và ngư dân vào âu thuyền Thọ Quang neo đậu. Mỗi lượt gọi đò, ông thu 10.000 đồng/người. Ngày ít ông Súc chở chừng chục chuyến, ngày nhiều được khoảng 30 chuyến.
Từng làm chủ tàu, giờ thành người đi chở đò thuê, thậm chí ai thuê gì làm lấy để có thêm tiền, ông Súc nói mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người. "Giá dầu tăng cao, nhiều chủ tàu là khách của tôi ban ngày vào thành phố trồng cây xanh thuê, tối mới về tàu ngủ để trông coi tài sản. Chưa bao giờ tôi chứng kiến nhiều tàu cá nằm bờ dù đang mùa đánh bắt khơi xa như hiện nay. Có tàu vào âu thuyền neo đậu nửa năm nay vẫn chưa ra khơi lại", ông Súc kể.
Ông Súc với nghề chở đò ở âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: Nguyễn Đông
Tỉnh Quảng Nam có hơn 3.000 tàu cá, rất nhiều chủ tàu như ông Phúc phải xa biển đi làm thuê, hay bán tàu cá chuyển nghề khác như ông Súc. Tuy nhiên, Chi cục Thủy sản tỉnh chưa thống kê số tàu nằm bờ.
Tỉnh Quảng Bình có 1.200 tàu cá xa bờ, hiện hơn 350 chiếc nằm bờ. Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Thủy sản của tỉnh, dự báo thời gian tới, số tàu nằm bờ còn tăng. "Có một số nghề tiền dầu chiếm 70% chuyến biển, dầu tăng 50% nghĩa là chuyến biển tăng 130% mà giá cá không tăng bao nhiêu", ông Linh nói.
Còn theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm ngoái, cả nước có gần 91.720 tàu cá, trong đó tàu khai thác ven bờ hơn 42.640; tàu khai thác xa bờ 30.390. Đến nay, khoảng một nửa tàu khai thác thủy sản phải ngừng hoạt động do giá xăng dầu tăng cao.
Nhiên liệu chiếm 45-60% chi phí đầu vào sản xuất của tàu cá. Giá nhiên liệu tăng đã đẩy giá các mặt hàng khác phục vụ khai thác thủy sản tăng theo 10-15%. Kết quả là chi phí đầu vào khai thác thủy sản đội lên 35-48%, trong khi giá bán đầu ra tăng không đáng kể. "Những khó khăn này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống của ngư dân. Chuỗi cung ứng sản xuất thủy sản trong nước, xuất khẩu bị ảnh hưởng theo", Bộ Nông nghiệp đánh giá.
Hoàng Táo - Đắc Thành - Nguyễn Đông
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận