Nhiệt điện sẽ trở lại trong năm 2023?
Theo báo cáo cập nhật ngành điện năm 2023 của SSI Research, triển vọng ngành điện trong năm 2023 được giữ ở mức trung lập, với sự trở lại của nhiệt điện, sau khoảng thời gian thủy điện lên ngôi nhờ hưởng lợi từ hiện tượng La Lina.
Thủy điện kém thuận lợi
SSI cho biết tăng trưởng nhu cầu điện năng trong năm 2023 sẽ ở mức thấp, dự kiến là 5.4% trên cơ sở tăng trưởng GDP dự kiến trong khoảng 6-6.2%. Nhìn lại, nhu cầu điện và GDP năm 2022 tăng trưởng lần lượt 6.2% và 8%.
Điều kiện thủy điện sẽ duy trì tích cực cho đến hết quý 1/2023 và có thể trở nên kém thuận lợi hơn trong 6 tháng cuối năm 2023, theo NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ). Các điều kiện thủy điện kém thuận được dự báo có nhiều khả năng xảy ra trong năm 2023, với sản lượng tiêu thụ của các nhà máy thủy điện giảm 8% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Nhiệt điện trở lại
Hiệu suất sử dụng cao hơn của các nhà máy nhiệt điện sẽ hỗ trợ giá CGM (giá phát điện trung bình trên thị trường cạnh tranh) và bù đắp cho tăng trưởng nhu cầu điện thấp hơn. SSI dự báo giá CGM sẽ đi ngang trong năm 2023.
Giá CGM bao gồm hai phần là giá CAN và giá SMP. Giá SMP có thể được thúc đẩy bởi nhu cầu điện và mức giá trần được thiết kế tăng 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá CAN năm 2023 được ERAV/MOIT thiết lập ở mức giảm 20% so với cùng kỳ. Mức giá CAN năm 2023 được Cục điều tiết điện lực, Bộ Công Thương điều chỉnh giảm 20%, và đây có thể do việc kiểm soát chi phí đầu vào sẽ được chú trọng hơn trong năm nay.
Do đó, nếu nhu cầu tiêu thụ điện kém hơn dự báo thì có rủi ro giá CGM giảm, tương tự những gì xảy ra trong năm 2020.
Một số yếu tố có thể bất ngờ hỗ trợ bức tranh ngành điện, như Quy hoạch điện 8 được phê duyệt. Nghị quyết 01/2023 đặt ra kế hoạch hoạt động kinh tế xã hội năm 2023, song dường như vẫn chưa đưa ra mốc thời gian phê duyệt cụ thể cho Quy hoạch điện 8. Do đó, thời hạn phê duyệt đề án vẫn chưa rõ ràng. Nếu được thông qua, kế hoạch này có thể là chất xúc tác cho mảng xây dựng lưới.
Bên cạnh đó, căng thẳng dịu đi hoặc thỏa thuận đình chiến giữa Nga và Ukraine có thể khiến giá dầu khí giảm và gián tiếp làm giảm nhu cầu/giá than.
Bên cạnh đó là một số rủi ro có thể khiến cổ phiếu ngành điện giảm giá. Trong đó, USD tăng giá bất ngờ có thể đặt ra thách thức cho các nhà máy điện đang vay nợ. Hoặc suy thoái nghiêm trọng hơn dự kiến có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu điện.
Nếu điều kiện thủy điện thuận lợi ngoài dự báo, giá CGM có thể thấp hơn dự kiến. Tính đến hết 2022, trạng thái La Nina đã diễn ra trong khoảng 30 tháng, tương đương các đợt diễn ra trong quá khứ giai đoạn 1950-2019. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng thủy văn và trạng thái La Nina có thể tiếp tục diễn ra thuận lợi và kéo dài 42 tháng như đợt tháng 7/1998-12/2001.
Có rủi ro đối với các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) hiện tại do sự cạnh tranh từ các dự án NLTT mới sắp tới với giá bán thấp hơn. Nếu nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn quốc yếu hơn, EVN sẽ giảm sản lượng huy động các nguồn năng lượng có chi phí cao (tức là các dự án năng lượng tái tạo cũ có giá bán cao).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận