Nhật Bản ra sức tìm lại vàng son ngành chip
Chi hàng chục tỷ USD trợ cấp ngành bán dẫn, Nhật Bản tìm lại chỗ đứng ngành chip qua việc thu hút TSMC và tạo ra một "chiến binh" mới.
Hôm nay (24/2), công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC chính thức khai trương nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản, trị giá 8,6 tỷ USD. Nó tọa lạc tại thị trấn Kikuyo, tỉnh Kumamoto, dự kiến bắt đầu sản xuất hàng loạt quý IV/2023, bao gồm loại chip 12 nanomet dùng trong ôtô và thiết bị công nghiệp.
"Việc TSMC xây dựng một nhà máy tại Nhật Bản thực sự thu hút sự ủng hộ từ các phần khác nhau trong ngành công nghệ bán dẫn", Damian Thong, trưởng nhóm nghiên cứu Nhật Bản tại Macquarie Capital Securities, nhận xét.
Nhà máy điều hành bởi công ty con Japan Advanced Semiconductor Manufacturing. Nhà sản xuất điện tử Sony và phụ tùng ôtô Denso cũng có cổ phần. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn trợ cấp lên tới 476 tỷ USD (3,2 tỷ USD).
Đầu tháng này, TSMC công bố sẽ xây dựng nhà máy thứ hai ở Nhật Bản, đặt tại Kumamoto, nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 20 tỷ USD. Trong tương lai, 2 nhà máy sẽ có tổng công suất hàng tháng hơn 100.000 tấm wafer 12 inch, tăng cường khả năng tiếp cận chip cho công nghiệp điện tử, ôtô và quốc phòng Nhật Bản.
Thu hút hãng chip Đài Loan là một phần trong nỗ lực của chính phủ Nhật nhằm tìm lại vàng son một thời trong lĩnh vực bán dẫn. Các hãng chip Nhật Bản từng nắm giữ hơn 50% thị phần toàn cầu vào những năm 1980, nhưng bắt đầu mất khả năng cạnh tranh sau những xung đột gay gắt với Mỹ về thương mại. Ngày nay, Mỹ chiếm một nửa thị phần, tiếp đến là Hàn Quốc và Đài Loan.
Trong khi đó, châu Âu và Trung Quốc cũng đang ra sức phát triển ngành bán dẫn, buộc Nhật Bản phải trẻ hóa lĩnh vực chip từng hùng mạnh của mình và củng cố chuỗi cung ứng khi nhu cầu về chất bán dẫn tiếp tục tăng trong nhiều ngành.
Theo công ty nghiên cứu TrendForce, đến năm 2027, Đài Loan dự kiến kiểm soát hai phần ba công suất chip tiên tiến, trong khi Nhật Bản tăng thị phần lên 3%. David Chuang, nhà phân tích tại Isaiah Research, cho biết Nhật Bản được hưởng lợi từ việc Đài Loan sẵn sàng phê duyệt xuất khẩu công nghệ và chuỗi cung ứng, đặc biệt với chip tiên tiến dưới 16 nanomet.
Ngành chip của Nhật Bản đang dần nhộn nhịp trở lại. Các công ty chip Đài Loan đến đây không chỉ để hỗ trợ nhà máy TSMC mà còn bị thu hút bởi sự năng động mới của ngành này. Tại trung tâm sản xuất chip trên hòn đảo Kyushu, nơi đặt nhà máy của TSMC, các công ty khác đang tăng cường đầu tư như nhà sản xuất chip điện Rohm, nhà sản xuất wafer Sumco và nhà sản xuất thiết bị Tokyo Electron.
Song song với thu hút FDI nước ngoài lĩnh vực bán dẫn, Nhật Bản còn nuôi tham vọng xây dựng một nhà vô địch mới, thông qua liên doanh Rapidus. Liên doanh này đang tìm cách sản xuất hàng loạt chip logic 2 nanomet hiện đại vào năm 2027, từ điểm xuất phát ban đầu là con số 0. Theo tiêu chuẩn ngành, đây là một thách thức không tưởng với một dự án kinh doanh mới 18 tháng tuổi.
Những ngày này, máy xúc và xe tải chạy đang tất bật xây dựng nhà máy Rapidus tại Chitose, Hokkaido. Dự án này được đánh giá là nhằm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp chip Nhật Bản.
Atsuo Shimizu, CEO Rapidus, phụ trách xây nhà máy nói rằng, để tồn tại, Nhật Bản cần trở thành một quốc gia có công nghệ toàn cầu. "Và chúng tôi có thể chứng minh rõ ràng điều đó bằng chất bán dẫn", ông nói trên Bloomberg.
Rapidus đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt chip tiên tiến từ năm 2027. Là đối thủ tiềm năng của TSMC, Rapidus đang hợp tác với IBM và tổ chức nghiên cứu chip Imec. Tuy nhiên, triển vọng thành công của nó lại bị nhiều người trong ngành nhìn nhận với thái độ hoài nghi. "Tôi không nghi ngờ TSMC sẽ chiếm ưu thế, nhưng Nhật Bản sẽ tìm cách chứng minh rằng họ có giá trị với tư cách là số hai", Thong của Macquarie nói.
Theo thống kê của Bloomberg, trong chưa đầy 3 năm, Nhật Bản đã chi 4.000 tỷ yen (26,7 tỷ USD) để khôi phục sức mạnh sản xuất bán dẫn của mình. Thủ tướng Fumio Kishida đặt mục tiêu hỗ trợ tài chính cho ngành này đến 10.000 tỷ yen (66,75 tỷ USD). Nước này đặt mục tiêu là tăng gấp ba lần doanh số bán chip sản xuất trong nước lên hơn 15.000 nghìn tỷ yen (hơn 100 tỷ USD) vào năm 2030.
Tuy nhiên, một thách thức của nước này là khan hiếm nhân lực. Tại khu vực Kyushu, nơi TSMC và các nhà máy bán dẫn khác đặt sản xuất, nền kinh tế có thể đạt đến 20,1 nghìn tỷ yen (134 tỷ USD) trong một thập kỷ, nhờ hưởng lợi từ các nhà máy chip, cũng như từ hoạt động tiêu dùng của công nhân.
Nhưng Soei Kawamura, nhà nghiên cứu của trung tâm cho biết điểm nghẽn lớn nhất là tình trạng thiếu lao động. "Các công ty lớn như TSMC và Sony có thể đủ nhân sự cần thiết, nhưng sự phát triển kinh tế của vùng Kyushu sẽ tùy thuộc vào số lượng người có thể được tuyển dụng trong các ngành công nghiệp liên quan đến bán dẫn và các ngành khác ở địa phương", ông nói.
Số lượng công nhân trong các doanh nghiệp liên quan đến chip của Nhật Bản đã giảm khoảng 20% trong khoảng hai thập kỷ qua. Theo ước tính từ Hiệp hội Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Điện tử Nhật Bản (JEITA), các hãng chip hàng đầu trong nước cần tìm 40.000 công nhân trong 10 năm tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận