Nhật Bản đối mặt với khủng hoảng thiếu gạo tồi tệ nhất
Trải qua một trong những mùa hè nóng nực nhất, Nhật Bản phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu gạo lớn nhất trong 30 năm qua, với các kệ hàng trống rỗng, giá cả tăng vọt. Chính phủ kêu gọi người mua sắm không nên hoảng loạn mua hàng.
Các siêu thị đã giới hạn khách hàng chỉ được mua một bịch gạo một lần do thiếu hụt nghiêm trọng. Nguyên nhân được cho là lượng khách du lịch tăng vọt, thời tiết khắc nghiệt và chính sách nông nghiệp sai lầm suốt nhiều thập kỷ qua. Nhiều người mua sắm trực tuyến bị hủy đơn hàng đột ngột, và chỉ một số người nhận được gạo mà họ đã đặt.
Các quan chức chính phủ cho biết họ đang đánh giá lại khả năng phục hồi của hệ thống lương thực tại Nhật Bản - quốc gia có nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 38% tổng cầu. Chính phủ Nhật Bản hiện kiểm soát chặt chẽ lượng nhập khẩu đồng thời tìm cách hạn chế sản xuất để giữ giá ở mức cao.
“Chính sách cố tình cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá của Nhật Bản đã đưa đất nước vào tình thế mà chỉ những thay đổi tương đối nhỏ về cung-cầu gạo cũng có thể gây ra những tác động khá nghiêm trọng”, Kazuhito Yamashita, cựu quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp và hiện là thành viên của Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon, cho biết.
Lượng du khách nước ngoài ngày càng tăng của Nhật Bản là một yếu tố thúc đẩy mức tiêu thụ gạo tăng, đạt 6.9 triệu tấn vào năm 2023. Kỷ lục 21 triệu du khách đã đến thăm Nhật Bản từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay với tổng chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 cao hơn khoảng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Các chuyên gia về gạo cho biết người nước ngoài có thể chiếm thêm 100,000 tấn nhu cầu gạo mỗi năm.
Mặc dù tổng sản lượng từ vụ thu hoạch lúa năm 2023 gần bằng mức trung bình, mưa lớn và nắng nóng gay gắt đã khiến phần lớn vụ mùa không bán được. Ông Yamashita cho biết hậu quả là thêm 200,000 tấn gạo không được lưu thông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận