Nhật Bản bắt đầu hồi sinh ngành chip, trợ cấp gần 3,5 tỷ USD cho TSMC và Sony
Hãng chip Đài Loan TSMC và một công ty con của Sony Group Corp vừa công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất mới tại phía Nam Nhật Bản, trở thành những công ty được thụ hưởng nhiều nhất đến nay từ cơ chế trợ cấp nhằm hồi sinh ngành công nghiệp chip nội địa của Chính phủ Nhật Bản...
Cụ thể, TSMC sẽ hợp tác với Sony Semiconductor Solutions Corp (SSS) để thành lập liên doanh Japan Advanced Semiconductor Manufacturing Inc (JASM) và xây dựng một nhà máy sản xuất chip cao cấp mới tại thành phố Kumamoto, thuộc tỉnh Kyushu, Nhật Bản.
Nhà máy dự kiến được khởi công trong năm nay và xuất xưởng những tấm bán dẫn (wafer) 12 inch đầu tiên vào năm 2024. Nhà máy sẽ có công suất khoảng 45.000 tấm bán dẫn mỗi tháng, theo SCMP.
Chính phủ Nhật sẽ trợ cấp cho liên doanh này khoảng 400 tỷ Yên (khoảng 3,46 tỷ USD) – tương đương khoảng 50% tổng chi phí xây dựng nhà máy, với một trong những điều kiện là hai công ty phải cam kết sẽ hoạt động tại đây trong ít nhất một thập kỷ.
Đây là khoản trợ cấp lớn nhất trong chương trình được Chính phủ Nhật lập ra trong bối cảnh hàng loạt điểm yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng rõ ràng hơn những năm gầy đây. Những căng thẳng trong việc cung ứng chip cùng nhiều linh kiện quan trọng với ngành công nghiệp hiện đại, trở nên rõ hơn bao giờ hết vào năm 2021, gây ra nhiều hệ lụy cho nhiều ngành công nghiệp quan trọng với Nhật Bản, trong đó đáng chú ý nhất là lĩnh vực ô tô.
Ngoài ra, tranh chấp thương mại quốc tế đang leo thang do khác biệt về quan điểm địa chính trị, điển hình nhất là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Căng thẳng chính trị tại Đài Loan cũng là một nhân tố đáng lo ngại đối với ngành công nghiệp bán dẫn bởi Đài Loan đã nổi lên là một trong những nguồn cung chip quan trọng nhất thế giới (TSMC hiện là nhà sản xuất chip xử lý lớn nhất thế giới).
Trong khi đó, nhiều nền kinh tế phát triển khác đang ráo riết tìm cách thúc đẩy hoạt động sản xuất chip nội địa nhằm giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài cho linh kiện quan trọng này.
Hàn Quốc – nước láng giềng của Nhật - đang hứa hẹn đưa ra một loạt ưu đãi nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất chip trong nước. Còn châu Âu đầu tuần này đã công bố kế hoạch huy động 10 tỷ USD để phát triển ngành chip. Hạ viện Mỹ gần đây cũng đã thông qua một dự luật hứa hẹn chi 52 tỷ USD cho lĩnh vực này.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản ngày càng quan tâm tới việc hồi sinh ngành chip nội địa sau hơn một thập kỷ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất này ra nước ngoài nhằm tận dụng lao động giá rẻ và chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, số tiền mà Chính phủ Nhật dự định tài trợ cho chương trình này – khoảng 600 tỷ Yên (tương đương 5,19 tỷ USD) – khá khiêm tốn so với đầu tư của các nước khác.
Damian Thong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chứng khoán tại Nhật Bản của Macquarie Group, cho rằng các công ty lớn trên toàn cầu, như Intel và TMSC, đang đầu tư khoảng 20 tỷ USD vào các nhà máy ở Ohio và Arizona với sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ.
“Các chính phủ khác đang quyết liệt hỗ trợ, trong khi Nhật Bản tin rằng năng lực sản xuất nội địa ở mức này là đủ rồi”, ông nói, đồng thời chỉ ra rằng nhà máy mới tại Kumamoto nói trên sẽ không sản xuất những con chip tiên tiến nhất.
“Nếu Nhật Bản muốn sáng ngang với Đài Loan về sản xuất chip, thì Chính phủ sẽ phải chi một số tiền lớn để theo kịp TSMC", nhà phân tích này nói.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Asahi đầu tuần này, Tetsuro Higashi, cựu chủ tịch hãng thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron Ltd., cũng bày tỏ quan ngại về quy mô hỗ trợ tài chính mà Chính phủ Nhật dành cho ngành này.
“Chính phủ Nhật cần cam kết cho một kế hoạch 10 năm để hồi sinh ngành chip nội địa và chi khoảng 10.000 tỷ Yên (tương đương 86,45 tỷ USD)”, ông Higashi nói. “Chính phủ nên tạo ra một nền tảng công nghệ xoay quanh TSMC và tập trung nỗ lực vào chip xử lý – lĩnh vực mà Nhật đang tụt hậu so với các đối thủ những năm gầy đây. 5 năm đầu tiên của kế hoạch nên được dùng để thiết lập công nghệ và đào tạo nhân sự và 5 năm tiếp theo để thúc đẩy lĩnh vực phát triển đúng hướng”.
Trong khi đó, Martin Schulz, nhà kinh tế chính sách trưởng tại Global Market Intelligence Unit của Fujitsu cho rằng Chính phủ Nhật giờ đây đã nhận ra được mức độ nghiêm trọng thực sự từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng tới an ninh kinh tế đất nước và đang quyết tâm “làm cho chuỗi cung ứng trở nên an toàn hơn và đưa chúng đến gần với Nhật Bản hơn”.
“Chính phủ Nhật Bản đã dành nhiều nỗ lực để khuyến khích TSMC xây nhà máy ở Kumamoto, nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng Nhật Bản là một môi trường rất hấp dẫn với các nhà sản xuất chip vì nước này sở hữu tiềm lực vốn lớn, trình độ công nghệ cao và nhân lực có kỹ năng tốt”, ông nói.
Theo ông, các doanh nghiệp Nhật vốn phát triển được những sản phẩm riêng có thuộc hàng tốt nhất thế giới và điều này có thể sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, những thương vụ hợp tác như giữa TSMC và Sony Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của ngành công nghiệp trong nước có thể sẽ đặt nền móng cho sự phát triển trong tương lai của nước này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận