Nhập siêu bất ngờ quay trở lại sau thời gian dài xuất siêu, mừng hay lo?
Mặc dù cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 nhập siêu, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm thì cán cân thương mại hàng hóa vẫn giữ xu hướng xuất siêu.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong tháng 5/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỉ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 nhập siêu 1,0 tỉ USD.
Theo Tổng cục Thống kê, nhập siêu quay trở lại là điều đáng quan tâm, nhưng có thể kỳ vọng, nhập siêu do nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng mạnh là chỉ báo cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới.
Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Mặc dù cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 nhập siêu, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm 2024 thì cán cân thương mại hàng hóa vẫn giữ xu hướng xuất siêu. Tuy nhiên, mức tăng của kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vẫn lớn hơn mức tăng của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, xu thế xuất siêu có dấu hiệu chậm lại.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,01 tỉ USD. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức xuất siêu 10,2 tỉ USD của cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,26 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,27 tỉ USD.
Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho hay, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động xuất, nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát vẫn ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, dẫn tới sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine kéo dài, xung đột tại dải Gaza leo thang, các cuộc tấn công hoạt động vận tải tại Biển Đỏ … gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá.
“Việt Nam đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các Hiệp định FTA. Khi nhập siêu có dấu hiệu quay trở lại, chúng ta cần chú trọng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn; chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu và sử dụng hiệu quả hàng rào kỹ thuật”, Báo cáo của Tổng cục Thống kê viết.
Ở góc nhìn phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá Việt Nam ghi nhận tháng nhập siêu đầu tiên trong gần 2 năm qua với nhập siêu trong riêng tháng 5/2024 đạt hơn 1 tỉ USD. Nhìn sơ qua, có vẻ đây là tin buồn vì tăng thêm áp lực tỉ giá. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ lưỡng từng số liệu, đây lại có thể là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Số liệu cho thấy, nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu nhập nguyên vật liệu cho sản xuất, đặc biệt là hàng điện tử, điện máy và dệt may. Do đó, việc nhập khẩu hiện tại có thể là bước đi trước của xuất khẩu ở các lĩnh vực chủ lực này.
Tăng trưởng nhập khẩu chậm trong năm 2023 cũng kìm hãm đà hồi phục của xuất khẩu. Mặc dù thặng dư thương mại có thể giúp giảm áp lực lên tỉ giá trong năm 2023 nhưng đổi lại nền kinh tế cũng ảm đạm trong năm 2023. Vì vậy, nhập siêu ở thời điểm tuy tạo áp lực tỉ giá trong ngắn hạn nhưng lại mở ra tín hiệu tích cực hơn cho giai đoạn hồi phục các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận