menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Hải

Nhập khẩu thịt lợn tăng mạnh, người chăn nuôi lao đao

Trước thực trạng giá lợn hơi, giá gia cầm xuống quá thấp, Hội Chăn nuôi Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị khẩn một số giải pháp nhằm phục hồi ngành chăn nuôi, trong đó có việc kiểm soát chặt việc nhập khẩu thịt.

Chi phí đầu vào cho chăn nuôi thuộc nhóm cao

Hội Chăn nuôi Việt Nam đã có Công văn số 56/HCN-CV gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đề xuất một số giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững.

Công văn đề cập, ngành chăn nuôi Việt Nam liên tục phát triển trong gần 30 năm qua, với mức tăng trưởng bình quân từ 5-6%/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Nhiều lĩnh vực của chăn nuôi Việt Nam đã có thứ bậc cao trong khu vực và trên thế giới như: quy mô đàn lợn đứng thứ 6-7, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới, công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, năng suất bò sữa và công nghiệp chế biến sữa đứng đầu các nước ASEAN…

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, xét tổng thể về hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ quản lý và quy mô đàn vật nuôi các loại, ngành chăn nuôi nước ta hoàn toàn có khả năng sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu trong những năm tới đây.

Tuy nhiên, ông Vang cho hay, sản xuất chăn nuôi trong nước vẫn tồn tại không ít khó khăn, bất cập, trở ngại lớn đến sự phát triển bền vững trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, biến đổi khí hậu và khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết phát huy hiệu lực...

Nguyên nhân là do mật độ chăn nuôi của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất của khu vực và thế giới. Chăn nuôi quy mô nhỏ, số người tham gia hoạt động chăn nuôi lớn, mức đầu tư cho chăn nuôi thấp, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh theo ngành hàng còn nhiều bất cập. Kiểm soát dịch bệnh, giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi còn nhiều tồn tại. Chi phí đầu vào của sản xuất chăn nuôi trong nước thuộc nhóm cao trong khu vực, nhất là chi phí mặt bằng, vận chuyển và chi phí vốn. Tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cao.

“Việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các loại thực phẩm giá rẻ ngày càng gia tăng, nhất là khi các dòng thuế quan nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi đang trở về mức 0% thì áp lực thị trường với chăn nuôi trong nước sẽ là vô cùng lớn. Bên cạnh đó, việc phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước cho ngành chăn nuôi còn nhiều hạn chế”, ông Vang chia sẻ.

Đặc biệt, tổ chức bộ máy hệ thống quản lý ngành chăn nuôi, thú y hiện nay không còn phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập của ngành chăn nuôi, đang làm giảm đi hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và làm gia tăng những tồn tại bất cập của các yếu tố nội tại chủ quan, cũng như áp lực khách quan đối với chăn nuôi nước ta.

Tổ chức ngành chăn nuôi, thú y hiện nay đang tạo ra những cát cứ, những chồng chéo trong quản lý, không tổng hợp được sức mạnh chung cho quá trình phát triển...

Đơn cử như việc kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ phải bắt đầu từ quy trình, công nghệ chăn nuôi, vùng chăn nuôi như thế nào, có phù hợp không. Tuy nhiên trong thực tế, cách thức tổ chức bộ máy của ngành chăn nuôi, thú y nước ta chưa giải quyết hiệu quả được vấn đề này.

Hiện nay, các nước trên thế giới chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước chung về chăn nuôi và thú y, trong khi Việt Nam lại có 2 cơ quan quản lý nhà nước độc lập nhau là Cục Chăn nuôi và Cục Thú y.

Kiểm soát chặt việc nhập khẩu thịt

Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trong 2 năm trở lại đây, nhiều mặt hàng, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tăng đột biến. Hiện tại, nếu so với năm 2019, nhập khẩu thịt lợn tăng 404%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu bò tăng 44%… Hoạt động nhập khẩu như vậy đã gây thêm rất nhiều khó khăn cho sản xuất chăn nuôi trong nước. Trong khi, người chăn nuôi trong nước rất khó khăn, phần lớn sản phẩm hiện nay đang bán dưới giá thành sản xuất mà không tiêu thụ được.

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, chưa bao giờ ngành chăn nuôi Việt Nam đứng trước những khó khăn, thách thức như hiện nay, khi tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cao; việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các loại thực phẩm giá rẻ, ngày càng gia tăng.

Hội Chăn nuôi Việt Nam dẫn lại Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký tại Quyết định số 1520/2020/QĐ-TTg ngày 6/10 vừa qua, với mục tiêu không chỉ là đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, gia tăng xuất khẩu, mà còn đảm bảo sinh kế của hàng chục triệu người nông dân. Hiệp hội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ cấu và chỉ đạo điều hành sản xuất theo các ngành hàng đối với một số sản phẩm chăn nuôi chính như: thịt lợn, thịt gia cầm, thịt trâu bò, trứng và sữa theo các chuỗi liên kết khép kín, phù hợp với tiềm năng, nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Trong đó, cần phát huy tối đa vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội để cân đối, điều hòa sản xuất sát hơn với thị trường.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm; tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi nhằm khuyến khích sản xuất trong nước phát triển; đồng thời mở rộng hệ thống cửa hàng, siêu thị thực phẩm mát, ngay cả ở các vùng nông thôn.

Hội Chăn nuôi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản xuất chăn nuôi trong nước theo các khung thuế xuất mà Việt Nam cam kết trong các hiệp định thương mại. Cụ thể, theo phương án tăng hoặc giữ mức thuế nhập với mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm; giảm thuế nhập khẩu với ngô, đậu tương và điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu một số nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi bổ sung mà trong nước có thể sản xuất được.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả