Nhập khẩu 30 triệu liều vắc xin Covid-19 Hayat-Vax, Vimedimex làm ăn ra sao?
Được Bộ Y tế cấp phép cho nhập khẩu 30 triệu liều vắc xin Covid-19 Hayat-Vax, vậy Vimedimex kinh doanh thế nào trong 6 tháng đầu năm 2021?
Ngày 16/9 vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có công văn về việc nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Cục Quản lý Dược nhận được Đơn hàng số 04/2021/ĐH-VMD ngày 11/9/2021 và các văn bản của Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex về việc nhập khẩu vắc xin chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng chống dịch bệnh.
Theo quyết định này, Cục Quản lý Dược đồng ý để Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex nhập khẩu vắc xin tại Đơn hàng số 04/2021/ĐH-VMD ngày 11/9/2021, tên vắc xin là là Hayat-Vax, với số lượng 30 triệu liều.
Cơ sở sản xuất bán thành phẩm là Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd. – Trung Quốc; Cơ sở đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng là Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) – Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất UAE.
Trước đó, ngày 10/9, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin Covid-19 Hayat-Vax sản xuất tại UAE cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 67, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Vimedimex là doanh nghiệp lớn ngành dược tại Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu 7.604 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, giá vốn đã chiếm phần lớn nên lợi nhuận gộp thu về chỉ đạt 718,2 tỷ đồng, giảm so với mức 756 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Dược phẩm Vimedimex đạt hơn 19 tỷ đồng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, công ty đã hoàn thành 51% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến ngày 30/06/2021, Dược phẩm Vimedimex đang có tổng tài sản 7.098 tỷ đồng, giảm 15% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tới 3.663 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn 2.714 tỷ đồng, như vậy hai khoản này đã chiếm gần hết cơ cấu tài sản của công ty.
Cùng thời điểm, tổng nợ phải trả của Dược phẩm Vimedimex là 6.723 tỷ đồng, hầu hết là nợ ngắn hạn thanh toán; trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ ở mức 375 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đã cao gấp 18 lần vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của Dược phẩm Vimedimex 6 tháng đầu năm 2021 âm 26,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 18,8 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền đầu tư cũng âm 33,8 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 1,9 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động tài chính cũng âm 73,4 tỷ đồng.
Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Dược phẩm Vimedimex là bà Nguyễn Thị Loan, trong khi đó Tổng Giám đốc là bà Trần Mỹ Linh.
Tháng 9/2019, Cục Thuế TP HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Vimedimex do hành vi kê sai dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp.
Theo đó, căn cứ biên bản thanh tra thuế ngày 10/9/2019, Vimedimex đã có hành vi kê sai dẫn thiếu tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Do đó, Cục Thuế TP HCM đã quyết định phạt hành chính Vimedimex gần 165 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty còn phải nộp số tiền thuế giá trị gia tăng truy thu gần 76 triệu đồng, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp truy thu hơn 748 triệu đồng và tiền chậm nộp hơn 13 triệu đồng.
Tổng cộng, Vimedimex bị phạt và truy thu hơn 1 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận