Nhân tố bí ẩn trong dự án 'chết' Trũng Kênh
Sự xuất hiện rồi nhanh chóng biến mất của Licogi16 lẫn Hanhud dẫn tới giả thiết rằng bộ đôi doanh nghiệp mang màu sắc nhà nước chỉ đứng hộ, đảm bảo cho đối tác tư nhân Indecotech chắc chân ở khu đất vàng 21,5ha. Tất nhiên đây chỉ là một giả thiết mà chỉ có người trong cuộc mới có thể nắm tường tận.
21,5ha đất vàng
Dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh kết hợp cải tạo, chỉnh trang lại làng xóm cũ (dự án Trũng Kênh) có quy mô khoảng 214.883m2 tọa lạc tại vị trí đẹp, đối diện trụ sở UBND quận Hoàng Mai. Tuy nhiên, dù đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ 10 năm trước nhưng tới nay dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa có bất cứ dấu hiệu “rục rịch” khởi công xây dựng nào.
Hơn 10 năm trước, dự án Trũng Kênh được chấp thuận tại Quyết định số 65/2007/QĐ-UBND ngày 20/6/2007 của UBND TP Hà Nội.
Đến tháng 3/2012, Thường trực Thành ủy có thông báo đồng ý chủ trương cho phép liên danh CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Hà Thành (Indecotech), CTCP Kinh doanh Phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội (Hanhud) và CTCP Licogi 16 (Licogi 16) làm chủ đầu tư dự án Trũng Kênh, có vốn đầu tư khoảng 3.235 tỷ đồng.
Ngày 12/6/2014, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3145/QĐ-UBND, về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết dự án Trũng Kênh.
Giữa lúc đang được Thành ủy Hà Nội cũng như các cơ quan của UBND TP. Hà Nội ủng hộ thì đột nhiên ngày 21/8/2015, Hội đồng Quản trị Licogi 16 ra văn bản quyết định không tiếp tục tham gia hợp tác đầu tư dự án Trũng Kênh để đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn. Văn bản này sau đó đã được gửi đến Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và các cổ đông của Licogi 16.
Không rõ cơ quan chức năng quận Hoàng Mai và TP. Hà Nội có nắm được thông tin Licogi 16 rút khỏi dự án Trũng Kênh hay chưa, nhưng 7 tháng sau, ngày 23/3/2016, liên danh này được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trũng Kênh tại Quyết định số 1424/QĐ-UBND.
Mặc dù được chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như ký kết hợp tác là vậy, nhưng trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, Ban Kiểm soát Licogi 16 vẫn tiếp tục đề cập tới việc công ty này đã rút và không tiếp tục hợp tác đầu tư dự án Trũng Kênh từ ngày 21/8/2015.
Không chỉ riêng Licogi 16 tuyên bố rút khỏi dự án mà phía Hanhud cũng cho biết công ty này không tham gia triển khai dự án Trũng Kênh.
Dẫn lời một tờ báo, cán bộ có trách nhiệm của Hanhud xác nhận đã ký hợp đồng liên danh và ủy quyền toàn bộ cho Công ty Hà Thành thực hiện dự án Trũng Kênh. Đồng thời khẳng định, từ khi ký hợp tác tới nay, Hanhud cũng chưa hề góp vốn thực hiện dự án này. Báo cáo tài chính, báo cáo thường niên giai đoạn 2016-nay của Hanhud không còn ghi nhận dự án quy mô 21,5ha này.
Sự xuất hiện rồi nhanh chóng biến mất của Licogi16 lẫn Hanhud dẫn tới giả thiết rằng bộ đôi doanh nghiệp mang màu sắc nhà nước chỉ "đứng hộ", đảm bảo cho đối tác tư nhân Indecotech "chắc chân" ở khu đất vàng 21,5ha. Tất nhiên đây chỉ là một giả thiết mà chỉ có người trong cuộc mới có thể nắm tường tận.
Nhân tố bí ẩn
Việc Licogi 16 và Hanhud rút khỏi dự án khiến mọi sự chú ý đổ dồn vào cái tên còn lại trong liên danh này - CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Hà Thành (Indecotech).
Indecotech được thành lập năm 2005, từng có địa chỉ tại A46-TT19 Khu đô thị mới Văn Quán, quận Hà Đông, TP.Hà Nội, hoạt động trong các lĩnh vực về cung cấp thiết bị, xây dựng, đầu tư và các dịch vụ khác.
Vốn điều lệ ban đầu của Indecotech đạt mức 136,9 tỷ đồng, trong đó, bà Nguyễn Thị Thúy Huyền-Tổng giám đốc góp 41,07 tỷ (30%), còn ông Phạm Xuân Tùng góp 6,8 tỷ (5%). Đến giữa tháng 5/2016, số vốn tăng lên thành 350 tỷ đồng, trong đó, số vốn góp của ông Tùng cùng bà Huyền lần lượt tăng lên thành 17,5 tỷ và 179,6 tỷ đồng. Không lâu sau vào cuối tháng 5/2016, ông Phạm Xuân Tùng bất ngờ rút vốn khỏi Indecotech, còn tỷ lệ sở hữu của bà Thúy Huyền lại tăng lên mức 56,3%.
Tiếp đến, tháng 9/2016, vốn điều lệ của Indecotech tăng lên thành 612,7 tỷ đồng. Cùng với đó, công ty cũng thay đổi người đại diện từ bà Nguyễn Thị Thúy Huyền thành ông Nguyễn Tiến Trung – Chủ tịch HĐQT.
Ông Nguyễn Tiến Trung (SN 1971) còn đứng tên nhiều doanh nghiệp khác, trong đó nổi bật là CTCP Tư vấn-Đầu tư xây dựng Ba Đình (vốn 689 tỷ đồng) - chủ đầu tư dự án Hattoco tại 110 Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, và liên danh với Tổng Công ty Thành An triển khai dự án Thành An Tower tại 21 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội, mà nay được biết đến với cái tên Manhattan Tower. Tháng 10/2017, trụ sở công ty được chuyển đến số 110 Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, đồng thời, thành phần ban lãnh đạo của Indecotech cũng được hé lộ trong Giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này. Ngoài ông Nguyễn Tiến Trung đóng vai trò Chủ tịch HĐQT, còn có ông Nguyễn Bá Quyền giữ chức Tổng giám đốc; 2 Thành viên HĐQT khác là các ông Vũ Đức Tiến và ông Nguyễn Anh Tuấn.
Cả 2 dự án của Xây dựng Ba Đình đều bị đình trệ nhiều năm, bị khách hàng khiếu kiện, đòi nhà rất phức tạp thời gian qua.
Ngoài Xây dựng Ba Đình, doanh nhân sinh năm 1971 còn sở hữu một số doanh nghiệp khác như CTCP Bao bì Hà Nội; CTCP Việt Kim Lai Châu; CTCP Việt Kim Yên Bái; Công ty TNHH MTV Dệt công nghiệp Hà Nội-Hưng Yên hay CTCP Đầu tư phát triển đô thị.
Ở chi tiết đáng chú ý, ông Vũ Đức Tiến, Thành viên HĐQT Indecotech, theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán SHS - thành viên trong hệ sinh thái Ngân hàng SHB của ông bầu Đỗ Quang Hiển. SHB chi nhánh Trung Hoà Nhân Chính, nên biết, chính là nhà tài trợ vốn cho dự án Trũng Kênh.
Không dừng lại ở đó, SHB Trung Hoà Nhân Chính còn là đối tác tín dụng của Xây dựng Ba Đình trong dự án Thành An Tower, hay trong hợp đồng hợp tác với CTCP HBI trong dự án 203 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận