24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Miên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhận định chứng khoán tuần từ 18 - 22/1: Những góc nhìn khác biệt về diễn biến thị trường

Tuần qua (từ 11 - 15/1) là tuần tăng điểm thứ 11 liên tiếp của thị trường chứng khoán, VN - Index đã chạm mốc 1.200 điểm vào phiên sáng 13/1, nhưng rất nhanh sau đó đã thoái lui khỏi mốc này. VN - Index hiện đang chốt tại mức rất gần mốc đỉnh lịch sử và thanh khoản vẫn tiếp tục tăng cao.

Trước diễn biến này, giới phân tích từ các công ty chứng khoán có góc nhìn khá khác biệt về diễn biến thị trường tuần tới (từ 18 - 22/1); trong đó có cả sự lạc quan và thận trọng.

Những góc nhìn khác biệt

Ở góc nhìn lạc quan, các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS nhận định, phiên cuối tuần qua (15/1), thanh khoản mạnh mẽ cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng về sự phục hồi tiếp diễn của thị trường trong những ngày tới.

Thị trường lấy lại đà tăng trong phiên cuối tuần (phiên 15/1) cũng là sự xác nhận phiên điều chỉnh kỹ thuật ở phiên trước đó (phiên 14/1) chỉ là nhịp rung lắc trong quá trình chinh phục đỉnh lịch sử.

Thanh khoản phiên cuối tuần còn cao hơn so với phiên trước đó, cho thấy nhà đầu tư sau khi chốt lời đã mua lại, bên cạnh đó sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán... cũng là dấu hiệu cho thấy thị trường khỏe, MBS nhân định.

Trong khi đó, các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) dựa vào mô hình sóng Elliot để đưa ra dự báo cho kịch bản diễn biến thị trường trong tuần tới. Sóng Elliot là công cụ phổ biến và được nhiều nhà đầu tư ứng dụng trong việc phân tích thị trường cũng như cổ phiếu.

Theo nguyên tắc sóng Elliot, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm.

SHS cho rằng, thị trường hiện đang nằm ở cuối sóng 3 và có thể sẽ cần nhịp giảm của sóng 4 nhằm giúp thị trường bớt nóng, trước khi quay trở lại sóng tăng 5 để vượt mức đỉnh lịch sử.

Với diễn biến điều chỉnh cũng như lình xình của ba phiên gần đây thì thị trường đã phần nào cho tín hiệu cảnh báo về kịch bản trên với việc sóng 3 có dấu hiệu kết thúc, khi tăng từ ngưỡng 925 điểm lên ngưỡng 1.200 điểm và tiếp theo sẽ là sóng điều chỉnh 4, với mục tiêu theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.040 điểm.

Các nhà phân tích từ SHS nhận định, nếu trong tuần tiếp theo, thị trường không thể bật tăng trở lại để vượt qua vùng kháng cự trong khoảng 1.200 - 1.211 điểm mà tiếp tục giằng co và thậm chí giảm thì có thể xác nhận kịch bản trên.

SHS cho rằng, một nhịp điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng của thị trường là cần thiết để thị trường có thể hướng tới các mốc cao mới.

Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC có quan điểm khá thận trọng khi cho rằng tuần tới, VN - Index sẽ tiếp tục gặp khó trước vùng kháng cự 1.200 - 1.220 điểm. Chỉ số đang nhận được sự hỗ trợ từ vùng 1.175 - 1.180 điểm. Nếu để mất vùng hỗ trợ này, rủi ro bước vào nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ gia tăng trong ngắn hạn.

Theo ông Bách, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến kỳ công bố kết quả kinh doanh quý IV/2020 của các doanh nghiệp. Đồng thời, trong tuần tới, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh sẽ công bố kết quả thay đổi danh mục các bộ chỉ số VN30, VNFINLEAD… kỳ 1 năm 2021.

Sau đó, các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số này sẽ phải thực hiện các hoạt động tái cơ cấu danh mục. Cũng trong tuần tới, hợp đồng tương lai tháng 1 sẽ đáo hạn và có thể tạo ra biến động mạnh cho thị trường vào giữa tuần.

Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), ông Lê Long Giang nhận định, những ngày đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên quay lại lịch sử khi tiệm cận 1.200 điểm sau 3 năm và đánh dấu 11 tuần liên tiếp VN - Index tăng điểm mạnh. Dù sau khi chạm đỉnh thị trường đã có những phiên điều chỉnh nhưng không thể phủ nhận cơ hội tăng trưởng đối với thị trường chứng khoán trong nước thời gian tới.

Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 11 - 15/1, VN - Index tăng 2,3% lên 1.194,2 điểm; HNX - Index tăng 3,7% lên 225,47 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn tiếp tục tăng nhẹ so với tuần trước đó và lập kỷ lục mới với khoảng hơn 20.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 6,4% giá trị vốn hóa, với các đại diện trong nhóm như HSG tăng 5%, HPG tăng 4,1%, NKG tăng 1,9%...

Tiếp theo là nhóm công nghệ thông tin với mức tăng 5% với các đại diện là FPT tăng 5,2%, CMG tăng 1,3%...

Kế đến là nhóm dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 4,5% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu trong ngành như HVN tăng 5,7%, SCS tăng 4,9%, VJC tăng 4,2%...

Các mã thuộc nhóm chứng khoán tăng mạnh mẽ như SHS tăng 16,1%, FTS tăng 9,9%, SSI tăng 8,2%, VND tăng 7,3%, HCM tăng 4,8%, VCI tăng 3,1%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngành bất động sản diễn biến khá lạc quan với DXG tăng 1,45%, NLG tăng 1,89%, DIG tăng 6,77%, PDR tăng7,66%, VPI tăng 11,51%. KDH tăng 11,67%. Trong khi đó, cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành là VIC giảm nhẹ 0,53%.

Các nhóm ngành còn lại đều có mức tăng tích cực như ngân hàng tăng 1,2% giá trị vốn hóa; hàng tiêu dùng tăng 1,4%, dược phẩm và y tế tăng 1,7%, dầu khí tăng 1,9%, công nghiệp tăng 2%...

Điểm tiêu cực trên thị trường trong tuần vừa qua vẫn là việc dòng vốn ngoại duy trì trạng thái bán ròng trên toàn thị trường. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng 26,4 triệu cổ phiếu trong tuần qua, tương ứng giá trị bán ròng là 2.162 tỷ đồng.

Về thị trường thế giới, tuần qua diễn biến các thị trường chứng khoán trên thế giới không mấy tích cực, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ có mức giảm mạnh.

Chứng khoán thế giới chững lại

Nhìn lại tuần qua, giá cổ phiếu trên Phố Wall ghi nhận xu hướng tăng giảm trái chiều trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng trước những thông tin liên quan đến sự lây lan dịch COVID-19 và kỳ vọng vào các biện pháp kích thích mới của Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,9%, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều thấp hơn 1,5% so với tuần trước.

Ông Boris Schlossberg, giám đốc điều hành tại BK Asset Management nhận định, các diễn biến trên thị trường dường như đã chững lại khi các nhà giao dịch tìm kiếm chất xúc tác mới để thúc đẩy giá cổ phiếu.

Bên cạnh đó, quan ngại về sự chậm chạp trong quá trình sản xuất và cung cấp vaccine cũng khiến tâm lý nhà đầu tư kém lạc quan.

Trong khi đó, theo Bộ Lao động Mỹ, trong tuần trước, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của nước này đã tăng vọt lên 965.000, mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2020. Đây là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng các ca mắc COVID-19 có khả năng làm tăng tình trạng sa thải.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vào khoảng 225.000 đơn. Tuy nhiên, con số này đã duy trì trên mốc 700.000 kể từ tháng 9/2020.

Sự gia tăng này diễn ra giữa lúc nền kinh tế đang chững lại khi người tiêu dùng tránh đi du lịch, mua sắm và ăn uống do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Nhiều nhà phân tích cũng lo ngại rằng với hàng triệu người Mỹ vẫn đang thất nghiệp và tỷ lệ cứ sáu công ty nhỏ thì có một công ty ngừng hoạt động kinh doanh, những người dân chịu tổn thương nhiều nhất do suy thoái kinh tế sẽ không được hưởng lợi từ đà phục hồi.

Nancy Vanden Houten, nhà kinh tế tại Oxford Economics nhận định, dù triển vọng của nền kinh tế vào cuối năm 2021 khá lạc quan, đà phục hồi của thị trường lao động dường như có dấu hiệu chững lại.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á phiên chiều 15/1 hầu hết “thờ ơ” đề xuất kích thích trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. Hoạt động chốt lời lại đẩy nhiều thi trường đi xuống trong phiên cuối tuần.

Phiên này, chứng khoán Nhật Bản dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư sau giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh mẽ vừa qua.

Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 179,08 điểm (0,62%) xuống khép phiên ở mức 28.519,18 điểm. Dù vậy, chỉ số này vẫn tăng 1,8% trong cả tuần qua.

Hoạt động chốt lời của nhà đầu tư cũng đẩy chứng khoán Hàn Quốc đi xuống trong phiên 15/1. Chỉ số Kospi để mất 64,03 điểm (2,03%) và đóng cửa ở mức 3.085,9 điểm.

Chứng khoán Mumbai, Manila, Jakarta, Bangkok và Wellington cũng đều giảm điểm trong phiên này.

Tại Trung Quốc, một điểm sáng hiếm hoi của chứng khoán khu vực châu Á là thị trường Hong Kong, khi chỉ số Hang Seng tại đây vẫn tiến 77 điểm (0,27%) lên 28.573,86 điểm.

Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải chỉ tăng 0,47 điểm lên 3.566,38 điểm trong phiên này.

Chứng khoán Singapore cũng tăng trong khi Sydney hầu như không thay đổi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả