Nhận định chứng khoán tuần tới: Tín hiệu tích cực cho thị trường
Cuộc gặp giữa Mỹ và Trung Quốc để bàn về chiến tranh thương mại có thể tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường trong tuần giao dịch tới.
Những tín hiệu tích cực phát đi từ cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 tại thành phố Osaka (Nhật Bản); trong đó, đáng chú ý là cuộc gặp giữa Mỹ và Trung Quốc để bàn về chiến tranh thương mại có thể tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường trong tuần giao dịch tới.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những phiên sụt giảm mạnh trong tuần qua, nhưng không tác động quá tiêu cực đến tâm lý của giới đầu tư. Hai lần trong tuần, chỉ số VN – Index rơi xuống mức dưới 940 điểm cũng là lúc lực cầu trở lại và dòng tiền lan tỏa, giúp thị trường bật tăng trở lại.
Nhờ vậy tính chung cả tuần, VN - Index chỉ giảm nhẹ 0,97% xuống 949,94 điểm; HNX - Index giảm 1,28% xuống 103,51 điểm.
Điểm tích cực là thanh khoản tăng nhẹ so với tuần trước đó. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 3% lên 19.910 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 6,8% lên 899 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 35,6% lên 2.011 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 31,9% lên 165 triệu cổ phiếu.
Trong khi nhà đầu tư nội vẫn “vững niềm tin” thì nhà đầu tư ngoại cũng giao dịch rất tích cực. Tính trên toàn thị trường, khối ngoại mua vào 81,4 triệu cổ phiếu, trị giá 3.354 tỷ đồng, trong khi bán ra 78,8 triệu cổ phiếu, trị giá 3.012 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 2,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng 341 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến diễn biến nội tại của các nhóm cổ phiếu, sự tích cực chưa được thể hiện rõ ràng.
Theo đó, trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang diễn ra sự phân hóa với các mã cổ phiếu tăng, giảm trái chiều. Một số mã cổ phiếu vốn hóa đứng đầu thị trường đang thể hiện vai trò giữ nhịp rất tốt như: VIC tuần qua có 3 phiên tăng giá và 1 phiên giảm giá, với tổng mức tăng cả tuần là 1,1%, trong khi VHM cũng tăng 1,1%, VJC tăng mạnh mẽ (3,7%), NVL (4,5%), FPT (0,8%), MWG (2%)...
Ở chiều ngược lại, GAS là mã cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên thị trường khi giảm tới 7,6%, MSN có những phiên tăng giảm đan xen, nhưng tính chung cả tuần cổ phiếu này vẫn giảm 1%, VNM giảm 2%...
Nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến tiêu cực trong tuần qua, với PLX giảm tới 5,6%, PVS (0,8%), PVD (0,6), PVB (2,5%), PVC diễn biến đi ngang, trong khi POW giảm 1,1%.
Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến phiên cuối tuần có thể thấy, hầu hết các mã cổ phiếu họ dầu khí đã hồi phục trở lại. Sự hồi phục này có thể kéo dài sang tuần tới, do những thông tin tích cực từ thông tin từ giá dầu thế giới. Cụ thể, kể từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent tăng hơn 20% trong khi giá dầu WTI tiến hơn 25%.
Trong hai ngày 1 - 2/7 tại Vienna, Áo, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước ngoài khối này gồm cả Nga, được biết đến là nhóm OPEC+ sẽ tổ chức họp bàn về khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu. Các nước thuộc OPEC+ hiện nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/1/2019.
Xét đến nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, tuần qua, nhóm cổ này cũng diễn biến tiêu cực với sự giảm giá của các mã như: CTG giảm tới 8,9%, SHB (2,9%), BID (2,5%), TCB (2,2%), VPB (2,1%), ACB (2%), VCB (0,7%)...
Nội tại của nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện khá yếu, nhưng những thông tin tích cực từ thế giới có thể khiến thị trường chung đi lên. Điều này có thể là động lực giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng đảo chiều tăng giá.
Thực tế, các thông tin thế giới đang ủng hộ sự hồi phục của thị trường. Ngày 29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Chính phủ Mỹ cho phép các tập đoàn công nghệ nước này bán sản phẩm cho công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei, vốn đang nằm trong danh sách trừng phạt của Washington.
Trong khoảng thời gian 90 ngày này, Bộ Thương mại Mỹ cho phép Huawei tiếp tục mua hàng của Mỹ nhằm duy trì mạng hiện tại và cung cấp các bản cập nhật phần mềm cho những sản phẩm di động của Huawei hiện nay. Tuy nhiên, Huawei vẫn bị cấm mua các sản phẩm và linh kiện Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới nếu không được Chính phủ Mỹ cấp phép.
Bên cạnh đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 29/6 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Osaka (Nhật Bản) đã kết thúc sau hơn 1 giờ thảo luận.
Hiện chưa có thông báo nào về những điều đạt được sau cuộc gặp, hay liệu hai bên có đạt được thỏa thuận hay không.
Khi được phóng viên hỏi về cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tổng thống Trump cho biết đó là một cuộc gặp vô cùng tốt đẹp, hơn nhiều so với dự kiến. Ông cũng cho hay hai bên sẽ sớm ra tuyên bố.
Một số nhà quan sát thị trường hàng đầu cho rằng hai bên sẽ nhất trí ngừng việc đưa ra các mức thuế mới song sẽ không đạt một thỏa thuận toàn diện.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán thế giới vẫn có thể khởi sắc nhờ những thông tin tích cực trên.
Thực tế, chứng khoán Mỹ trong nửa đầu năm nay có màn trình diễn khá ngoạn mục, một phần nhờ tâm lý lạc quan rằng Washington và Bắc Kinh sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại.
Trong nửa đầu năm nay, chỉ số S&P 500 đã tăng 17,3%. Đây là kết quả nửa đầu năm “rực rỡ” nhất của chỉ số này kể từ năm 1997.
Tổng hợp yếu tố vĩ mô và diễn biến của thị trường hiện tại, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường có thể duy trì quán tính tăng điểm để VN - Index kiểm định vùng kháng cự 953 - 955 điểm. Sự rung lắc, giằng co có thể xuất hiện tại đây để kiểm định lực mua/bán của thị trường. Ở kịch bản thông thường, thị trường sẽ suy yếu trở lại về phía cuối phiên sau khi kiểm định kháng cự mạnh.
Tuy vậy, nếu thị trường đủ lực giúp VN - Index vượt qua kháng cự 955 điểm, chỉ số này có thể tăng lại lên cận trên của kênh sideways (xu hướng giá dịch chuyển trong vùng được tạo bởi ngưỡng kháng cự và hỗ trợ mạnh) ở vùng 963 - 965 điểm.
Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank nhận định, phiên cuối tuần qua, dòng tiền trở lại xoay quanh các cổ phiếu vốn hóa lớn, giúp thị trường hồi phục và tạo nền tảng nâng đỡ thị trường các phiên tiếp theo. Rủi ro tạm thời được đẩy lùi khi dòng tiền vẫn có dấu hiệu tương đối tích cực.
Có quan điểm thận trọng, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, cả hai chỉ số đều có dấu hiệu hỗ trợ tại vùng đáy cũ nhưng mức độ hỗ trợ hiện tại vẫn còn tương đối yếu so với xu hướng điều chỉnh giảm đang khá mạnh. Điều này cho thấy, tiền đề để thị trường thoát ra khỏi xu hướng điều chỉnh tạm thời chưa đủ và xu hướng điều chỉnh giảm vẫn đang hiện hữu./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận