Nhận định chứng khoán tuần cuối năm Canh Tý: Xu hướng hồi phục có còn tiếp diễn?
Dù xác suất đi tiếp là khá rộng mở nhưng thị trường sẽ gặp thử thách ở mốc 1.170 điểm, có thể đó là cơ hội cho dòng tiền đến muộn.
Tuần tới, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ còn giao dịch 2 ngày nữa là bước vào kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021. Giới phân tích cho rằng, dòng tiền vào thị trường có thể bị suy giảm và có sự phân hóa giữa các dòng cổ phiếu. Dù vậy, với những gì thị trường đang thể hiện, xu hướng hồi phục có thể sẽ tiếp tục trong tuần giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý 2020.
*Quán tính tăng có thể tiếp diễn
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS, thị trường chứng khoán tuần qua tăng cùng xu hướng với các thị trường trên thế giới.
Nhà đầu tư trong nước vẫn giao dịch tích cực và phá bỏ tâm lý thận trọng ở tuần cận Tết Âm lịch. Độ rộng thị trường khá tích cực ở hầu khắp các nhóm cổ phiếu, cho thấy quán tính tăng của thị trường còn tiếp diễn trong các phiên sắp tới.
Đà phục hồi vừa qua gần như đang lấy lại những gì đã mất kể từ cuối tháng 1 khi thị trường không thể vượt qua mốc 1.200 điểm.
Do vậy, dù xác suất đi tiếp là khá rộng mở nhưng thị trường sẽ gặp thử thách ở mốc 1.170 điểm, có thể đó là cơ hội cho dòng tiền đến muộn.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC nhận định, thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm hai phiên giao dịch tuần tới.
Sau khi vượt qua vùng 1.115 - 1.118 điểm, VN-Index nhiều khả năng sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 1.180 - 1.200 điểm trong ngắn hạn.
Dòng tiền vào thị trường có thể bị suy giảm đôi chút do các nhà đầu tư hạn chế giao dịch trước kỳ nghỉ lễ dài ngày đang đến gần.
Điều này có thể khiến diễn biến thị trường có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong cận Tết.
Có góc nhìn tích cực, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho rằng, dù phiên cuối tuần qua có rung lắc nhưng áp lực bán không lớn, nhờ vậy thị trường đã bước qua áp lực chốt lời ngắn hạn với động thái khá tích cực vào cuối phiên giao dịch.
Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục nghiêng về hướng hồi phục trong thời gian gần tới. Do vậy, nhà đầu tư có thể nương theo nhịp hồi phục hiện tại, tuy nhiên nên tránh dùng đòn bẩy để giảm thiểu rủi ro bất ngờ khi thị trường bước vào kỳ nghỉ Tết Âm lịch, VDSC khuyến nghị.
Dựa theo mô hình theo mô hình sóng Elliot, các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, thị trường tăng trở lại trong tuần qua sau hai tuần giảm liên tiếp để bắt đầu cho sóng 5.
Sóng Elliot là công cụ phổ biến và được nhiều nhà đầu tư ứng dụng trong việc phân tích thị trường cũng như cổ phiếu. Theo nguyên tắc sóng Elliot, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó, sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm.
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch từ 1 - 5/2, VN - Index tăng 70,3 điểm lên 1.126,91 điểm; HNX - Index tăng 9,63 điểm lên 223,84 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 15.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Nhóm cổ phiếu công nghệ thống tin tăng mạnh nhất với 12,8% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ lực kéo của các trụ cột như FPT tăng 16,3%, CMG tăng 4%...
Tiếp theo là nhóm chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trên thị trường là ngân hàng có mức tăng 9,6% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu trong ngành như BID tăng 4,8%, MBB tăng 5,5%, ACB tăng 6,3%, VCB tăng 7,5%, SHB tăng 10,3%, TCB tăng 13,4%, CTG tăng 17,4%, VPB 23,3%...
Nhóm dầu khí có mức tăng 7,6% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu như PLX tăng 6,5%, PVS tăng 10,8%, PVD tăng 12,7%, BSR và OIL đều tăng 14,6%...
Các nhóm ngành còn lại đều tăng mạnh như nguyên vật liệu tăng 6,2% giá trị vốn hóa, hàng tiêu dùng tăng 6,1%, tài chính tăng 5,6%, tiện ích cộng đồng tăng 5,3%, công nghiệp tăng 2,6%, dịch vụ tiêu dùng tăng 2,1%. Ở chiều ngược lại, chỉ có nhóm dược phẩm và y tế giảm 0,8% giá trị vốn hóa.
Bên cạnh đó, việc khối ngoại tiếp tục giao dịch theo chiều hướng tích cực trong tuần qua đã tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư. Cụ thể, khối ngoại mua ròng đạt 29,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng 2.070 tỷ đồng trong tuần qua.
SHS nhận định, trong phiên cuối tuần qua, các nhà đầu tư trung hạn kỳ vọng vào việc thị trường sẽ tiếp tục đi lên sau kỳ nghỉ Tết đã chiến thắng áp lực chốt lời ngắn hạn của những nhà đầu tư muốn rút tiền ra trước kỳ nghỉ Tết khiến thị trường tăng điểm tích cực.
SHS cho rằng tuần qua, sóng tăng 5 đã đi được khoảng một nửa đoạn đường sau khi sóng điều chỉnh 4 kết thúc trong phiên cuối tuần trước 29/1 với đáy quanh ngưỡng 1.000 điểm.
Thanh khoản trong tuần tuy suy giảm nhưng là do hiệu ứng nghỉ Tết sớm của nhà đầu tư nên sẽ không có ảnh hưởng gì đối với xu hướng tăng hiện tại. Theo đó. xu hướng trung hạn là tích cực với mục tiêu của sóng tăng 5 quanh ngưỡng 1.250 điểm.
Xu hướng ngắn hạn trong hai phiên tuần sau cũng sẽ nghiêng về tích cực nhiều hơn với việc các nhà đầu tư ngắn hạn đã chốt lời hết, hiện tại chỉ còn những nhà đầu tư với góc nhìn nắm giữ cổ phiếu đến sau Tết.
SHS khuyến nghị, những nhà đầu tư đã chốt lời trong ba phiên cuối tuần nên đứng ngoài thị trường trong tuần giao dịch tới với chỉ hai phiên.
Đối với tầm nhìn trung hạn, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 có mục tiêu quanh ngưỡng 1.250 điểm trong thời gian tới.
"Giao dịch sử dụng margin (giao dịch ký quỹ) nắm giữ qua kỳ nghỉ Tết kéo dài 7 ngày không được khuyến khích tại thời điểm hiện tại để tránh những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra", SHS nêu quan điểm.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua hồi phục mạnh mẽ cũng nằm trong xu hướng chung của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu.
*Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD thúc đẩy tâm lý lạc quan
Tuần qua thị trường chứng khoán Phố Wall ghi nhận mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020.
Tuần qua, thị trường chứng khoán Phố Wall ghi nhận mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020, khi những lo ngại về làn sóng giao dịch đầu cơ đã dịu bớt và triển vọng thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD đã thúc đẩy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư.
Khép lại phiên cuối tuần (5/2), các chỉ số chủ chốt trên thị trường New York đều đóng cửa các mức cao. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,3% lên 31.148,24 điểm, gần sát mức cao nhất từ trước đến nay là 31.188,38 điểm ghi nhận trong phiên 20/1/2021.
Chỉ số S&P 500 cũng tiến thêm 0,4% và đóng cửa phiên ở mức 3.886,83 điểm, thiết lập mức cao kỷ lục mới, và là lần thứ 7 tính từ đầu năm 2021 đến nay.
Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,6% và khép lại phiên này ở mức 13.856,30 điểm. Đây cũng là mức cao mới và là lần thứ 8 trong năm nay.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tiến thêm 3,9%. Còn chỉ số Nasdaq và S&P 500 tăng lần lượt 6% và 4,7% so với tuần trước đó.
Trong khi đó, tại thị trường châu Á, chốt phiên 5/2, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 1,5% lên 28.779,19 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,6% lên 29.288,68 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,2% xuống 3.496,33 điểm.
Thị trường chứng khoán Sydney, Seoul và Manila đều tăng hơn 1%, trong khi Mumbai, Bangkok và Singapore cũng có kết quả tích cực.
Art Hogan, chiến lược gia thị trường thuộc National Securities, cho hay các nhà đầu tư cũng đón nhận thông tin lạc quan về số ca mắc COVID-19 mới tại Mỹ giảm.
Ông Hogan cho rằng số liệu kinh tế tích cực hơn; trong đó có báo cáo việc làm của Mỹ, dự kiến công bố ngày 5/2 (giờ địa phương), có thể làm gia tăng những ý kiến đối với kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của tân Tổng thống Joe Biden./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận