menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Hà

Nhận diện thách thức ngành thủy sản năm 2023

Chiều 26/11, tại thành phố Cần Thơ, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Trang thông tin điện tử tổng hợp (VietnamBiz) tổ chức hội thảo

Hội thảo với sự tham gia của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đầu ngành, các chuyên gia kinh tế - tài chính đánh giá triển vọng, thách thức của ngành thủy sản năm 2023 và đưa các giải pháp thích ứng linh hoạt, hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngành thủy sản.

Nhận diện thách thức ngành thủy sản năm 2023
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đưa ra giải pháp về vốn cho các doanh nghiệp thủy sản.
Đơn hàng xuất khẩu thủy sản giảm

Dưới tác động của lạm phát toàn cầu tăng cao, chênh lệch tỷ giá khiến hàng xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu, Mỹ,… Vì thế, lượng đơn đặt hàng có xu hướng sụt giảm, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng dù đã vào giai đoạn cao điểm tiêu dùng cuối năm.


Nhận định bối cảnh đơn hàng của doanh nghiệp thủy sản hiện nay gặp nhiều khó khăn, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, từ cuối quý III/2022, các đơn hàng có dấu hiệu suy giảm rõ rệt, một số đơn hàng ký kết bị phía khách hàng hủy bỏ hoặc hoãn, kéo dài thời gian giao hàng; việc thảo luận, bàn bạc kế hoạch kinh doanh sắp tới chưa rõ nét.


"Hiện nay, lạm phát thế giới khiến nhu cầu giảm sút, mặt hàng giá trị cao không được khách hàng ưu tiên lựa chọn; tình hình cạnh tranh của các đối thủ ngành tôm gay gắt khiến cho việc tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn gặp khó khăn, điều này khiến cho hàng hóa của doanh nghiệp thủy sản bị tồn kho", ông Hồ Quốc Lực thông tin.


Trong khi đó, với đặc thù phải huy động nhiều vốn vay để tài trợ nguồn hàng, không ít doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn thời tín dụng thắt chặt; lãi suất tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và chi phí vốn của các doanh nghiệp.


Theo Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, hiện rất nhiều công ty thủy sản nhỏ và vừa gặp khó khăn trong hạn mức vốn tín dụng lưu động. Vốn lưu động bản thân luôn là căng thẳng đối với các công ty sản xuất nhỏ và vừa vì chỉ cần đơn hàng chậm trễ thì doanh nghiệp sẽ bị chậm doanh thu, thiếu vốn. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa không có nhiều dư địa vốn để xoay xở nên dễ bị giảm chỉ tiêu tín dụng. Những công ty thủy sản nhỏ và vừa cơ cấu vốn của nguyên liệu chiếm tới 80%, như vậy nếu doanh nghiệp không đủ vốn để thu mua nguyên liệu và ứng cho nông dân nuôi thủy sản khiến doanh nghiệp bị đứt nguồn nguyên liệu dẫn đến chậm trễ đơn hàng cho khách hàng.


Ông Lê Bảo Toàn, Giám đốc Tài chính Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú (Hậu Giang) thông tin, trong vài tháng gần đây khó khăn lớn hiện của doanh nghiệp là lượng hàng thủy sản xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp khó do lãi suất ngân hàng tăng. Tháng 10/2021, vay tiền USD với mức lãi suất khoảng 1,6 - 1,8%/năm nhưng hiện nay vay tiền USD lãi suất là 4%/năm. Lãi suất tăng cao làm cho chi phí lãi vay của doanh nghiệp tăng cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, vừa qua tỷ giá tăng nhiều làm cho chênh lệch tỷ giá của doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2022 tăng hơn so với năm trước.

Theo khảo sát từ 117 doanh nghiệp thủy sản thông qua hình thức trực tiếp và online có tới 71% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành thủy sản năm 2023 sẽ khó khăn hơn, 22% doanh nghiệp đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% doanh nghiệp lạc quan và bức tranh ngành thủy sản trong thời gian tới.

Ba nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lo ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến 2023 là: biến động tỷ giá nguồn vốn thắt chặt, kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ.


"Lạm phát đang làm ảnh hưởng đến chi tiêu, giảm sức mua từ quý III, IV/2022, một số doanh nghiệp ở quy mô nhỏ nhận được đơn hàng trở lại nhưng đối với doanh nghiệp lớn phải đến đầu năm 2023 mới giải quyết được đơn hàng mới", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định.

Nhận diện thách thức ngành thủy sản năm 2023
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2022 cán mốc 11 tỷ USD.
Triển vọng ngành thủy sản

Từ thực trạng khó khăn cũng như thách thức mà ngành thủy sản phải đối mặt, các chuyên gia, hội thảo tập trung thảo luận về triển vọng xuất khẩu thủy sản 2023, tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới; những biến số vĩ mô tác động đến doanh nghiệp thủy sản 2023; giải pháp nguồn vốn cho doanh nghiệp thủy sản; giải pháp logistics, quản trị hàng tồn kho.


Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy sản Sao Ta - Hồ Quốc Lực cho hay, nếu doanh nghiệp nào phát triển bài bản, có chiến lược, tầm nhìn, thu thập thông tin từ trước sẽ thấy được xu thế tiêu dùng giảm. Do đó, doanh nghiệp sẽ giải phóng hàng tồn kho với giá mềm, chấp nhận có thể lỗ nhẹ, nhưng đồng thời sẽ tránh được tồn kho và kẹt vốn.


Đứng trước khó khăn về đơn hàng, lạm phát, lãi suất tăng, để duy trì "mạch sống" doanh nghiệp, theo ông Hồ Quốc Lực trước mắt doanh nghiệp tìm cách cắt giảm chi phí, nêu cao tinh thần tiết kiệm, xóa các định mức tiêu hao để có thể giảm giá thành tăng sức cực tranh; về lâu dài, doanh nghiệp phải ứng dụng, trang bị thành tựu, công nghệ mới, cơ giới hóa, tự động hóa, số hóa trong sản xuất.


Dự báo tình hình ngành thủy sản năm 2023 rất khó do phụ thuộc vào tình hình thế giới vì thị trường Trung Quốc chưa thể mở cửa sớm được trong cuối năm nay, song song đó, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp thủy sản bị hoãn đến cuối quý I/2023. Tuy nhiên, theo Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nhận định thị trường không thể xuống mãi. Nếu thị trường khởi sắc vào cuối quý I/2023, có thể dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam ở mức trên 10 tỷ USD năm 2023. Vấn đề là doanh nghiệp phải tận dụng tốt khoảng thời gian này để chuẩn bị tốt hơn cho các hoạt động sản xuất, củng cố lại vấn đề tài chính, chi phí sản xuất một cách tối ưu và đồng thời là có thể là nâng cao chất lượng sản phẩm để phục hồi trong giai đoạn sắp tới.


Cũng theo ông Hòe, bốn thị trường chính lớn nhất của thủy sản Việt Nam đó là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và thị trường Trung Quốc. Thời gian tới, đối với thị trường Mỹ, doanh nghiệp tiếp tục củng cố nhưng sẽ quan tâm đến thị trường Trung Quốc và châu Âu. Trung Quốc và châu Âu là hai thị trường mà doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ tập trung các chương trình, nghiên cứu, tìm hiểu, xúc tiến thương mại để có những biện pháp thâm nhập tốt nhất vào hai thị trường này trong thời gian tới.

Theo ông Hồ Quốc Lực, hiện nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam nằm trong hàng thứ 3 thế giới (sau Ecuador và Ấn Độ). Việt Nam gặp bất lợi hơn so với Ecuador về vị trí địa lý khi nước này gần với thị trường Mỹ, chi phí đầu vào rẻ hơn Việt Nam. Đánh giá ở mặt tương quan này, Việt Nam chỉ có thể xâm nhập vào thị trường Mỹ ở mặt hàng cao cấp, hệ thống cao cấp. Hiện nay, ở mặt hàng cao cấp Việt Nam chưa có đối thủ. Tuy nhiên, các đối thủ đang nỗ lực nâng cao trình độ chế biến, vì thế đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có giải pháp ứng xử, khắc phục điểm yếu của mình nhanh nhất nếu không sẽ thất thế ở thị trường Mỹ.

Đối với thị trường lớn châu Âu, nơi khách hàng yêu cầu cao, đòi hỏi sản phẩm phải được kiểm soát, vùng nuôi phải đạt chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Để đáp ứng điều này, Việt Nam phải tạo ra được nhiều trang trại nuôi lớn để đáp ứng chuẩn nuôi ASC, lúc đó mới tăng được thị phần ở châu Âu với sản phẩm cấp cao. Bên cạnh đó, các vùng nuôi phải nâng tỷ lệ nuôi thành công sẽ giúp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.


Trong những tháng cuối năm 2022, xuất khẩu thủy sản còn khó khăn tuy nhiên với những dự đoán và giải pháp mà các chuyên gia đưa ra, sau quý I - II/2023, triển vọng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
6 Yêu thích
5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại