Nhà phố, biệt thự thương mại khan hiếm, giá tăng lên 'nóc'
Các sản phẩm nhà phố, biệt thự thương mại khan hiếm đã khiến giá nhà tại các dự án tăng gấp 3 – 4 lần trong bốn năm qua. Một căn nhà phố có giá 20 tỷ đồng vào năm 2015 thì nay đã chạm mức 70 – 80 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các đơn vị chuyên nghiên cứu về thị trường bất động sản thì nguồn cung nhà phố, biệt thự tại TPHCM đang vô cùng khan hiếm. Thị trường “vắng bóng” dự án mới khiến nguồn cung sụt giảm.
Bà Phan Thụy Hoàng Kim, đại diện Savills tại TPHCM cho biết, trong quý III/2019 thị trường chỉ tiếp nhận được 220 sản phẩm nhà phố, biệt thự mới, giảm 65% theo quý và giảm 62% theo năm. Đây là mức giảm sâu nhất trong 4 năm qua.
“Quỹ đất hạn hẹp và quy trình pháp lý bị thắt chặt là nguyên nhân chính khiến nguồn cung mới bị hạn chế. Trong tương lai, nguồn cung đất nền mới tiếp tục bị ảnh hưởng do Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM đưa ra công văn kiến nghị yêu cầu việc thắt chặt quản lý phân lô, tách thửa tại TPHCM. Vì vậy, giá đất vẫn có xu hướng tăng, việc thiếu vắng nguồn cung cũng khiến các khu vực xa trung tâm thành phố được hưởng lợi”, bà Kim nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều dự án nhà phố tại quận 2, quận 9, quận Thủ Đức vẫn có mức giá tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Điển hình như tại khu đô thị Sala (quận 2), vào năm 2015, một căn nhà phố diện tích 175m2 (7,3x24) tại dự án này có giá khoảng 20 tỷ đồng thì nay đã “leo” lên mức 70 – 80 tỷ đồng/căn. Hay như tại dự án Vạn Phúc City (quận Thủ Đức), dự án này có giá khoảng 70 triệu đồng/m2 vào năm 2017 nhưng đến tháng 11/2019 giá đất tại dự án đã tăng lên 110 triệu đồng/m2. Những căn shophouse có vị trí đẹp có giá từ 160 – 180 triệu đồng/m2.
Nhiều dự án khác tại khu Đông TP.HCM cũng có mức tăng từ 20 – 30%/năm.
Những căn nhà phố tại quận Thủ Đức, quận 9, quận 2 có giá hàng chục tỷ đồng/căn. Ảnh: Đại Việt
Theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản thì dù mức giá tăng mạnh nhưng độ hấp thụ của các sản phẩm nhà phố vẫn luôn tốt trong thời gian qua, bởi nguồn cung chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của khách hàng. Việc các sản phẩm nhà ở bán ra có tốt hay không phụ thuộc vào yếu tố khách quan và chủ quan.
“Yếu tố khách quan đó là việc kết nối hạ tầng của dự án, quy hoạch vùng nơi dự án tọa lạc, sự tác động cung cầu của thị trường…Yếu tố chủ quan chính là uy tín và nội lực chủ đầu tư. Chủ đầu tư dám đầu tư mạnh cho tiện ích thì không lo việc nhà không bán được”, bà Hương chia sẻ.
Cũng theo bà Hương, trong năm 2019, doanh nghiệp của bà sẽ chi tổng cộng 2.000 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục cho dự án của mình nằm trên Quốc lộ 13 như trường quốc tế, bệnh viện, công viên vui chơi, phố đi bộ…
Những căn Shophouse nằm ở vị trí đẹp của các dự án khu đô thị có thể đạt mức giá 30 tỷ đồng/căn. Ảnh: Đại Việt
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, trong 2 năm gần đây, nguồn cung bất động sản tại TPHCM đã bị sụt giảm mạnh. Năm 2018, thị trường bất động sản thành phố chỉ có 19 dự án được công nhận chủ đầu tư, 59 dự án được chấp thuận đầu tư và 53 dự án được cấp giấy phép xây dựng.
“9 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản thành phố tiếp tục xu thế bị sụt giảm, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%. Không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư và chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% so với cùng kỳ năm 2018”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Cũng theo ông Châu, tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở đã dẫn đến giá nhà đất tăng do “tổng cầu” quá lớn nhưng nguồn cung ít. Điều này đã đem lại lợi nhuận lớn cho một số chủ đầu tư nhưng cũng khiến cho khách hàng phải mua nhà với giá cao hơn.
Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp nên việc sở hữu nhà của những người này càng trở nên khó khăn hơn trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận