Nhà đầu tư vẫn không ngừng 'kêu cứu', niềm tin vào condotel tiếp tục dò đáy
Sau ồn ào từ dự án cocobay Đà Nẵng, phân khúc condotel thời gian qua lại đang chứng kiến một vụ nhà đầu tư “kêu cứu” tại dự án FLC Grand Hotel Hạ Long. Những vụ việc tiêu cực liên tục tiếp diễn giống như căn bệnh trầm kha đeo bám phân khúc 'làm mưa, làm gió' một thời.
Vào những năm 2017-2018, những người quan tâm đến phân khúc condotel hẳn chưa quên dự án FLC Grand Hotel Hạ Long từng là một trong những dự án nổi bật trên thị trường, với đội ngũ môi giới đông đảo, rao bán rầm rộ trên hàng loạt sàn địa ốc lớn nhỏ, thu hút nhiều nhà đầu tư với kỳ vọng “lãi kép”.
Từ “hứa hão” đến “kêu cứu”
Tuy nhiên, sau những kỳ vọng ban đầu, cách đây hơn 1 năm và đỉnh điểm là những ngày trung tuần tháng 6/2024 vừa qua, hàng loạt thông tin tiêu cực tại FLC Grand Hotel Hạ Long liên tục xuất hiện.
Đỉnh điểm là việc hàng loạt nhà đầu tư “kêu cứu” khi rót nhiều tỷ đồng vào các căn hộ cam kết thuê lại từ chủ đầu tư với lợi suất 12%/năm, chu kỳ thanh toán 2 kỳ/năm trong 8 năm đầu tiên, nhưng đã qua nhiều năm vẫn “tay trắng”. Những vụ kiện cáo cũng bắt đầu nổ ra, với các tờ đơn có chữ ký của cả trăm nhà đầu tư.
Trước khi vụ việc tại FLC Grand Hotel Hạ Long “bung bét” như hiện tại, trước đó, vụ việc công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô - chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng - phát đi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với khách hàng mua condotel (nếu nhà đầu tư không chuyển đổi sang căn hộ chung cư do công ty chỉ định), cũng gây dậy sóng dư luận.
Hành động của chủ đầu tư đang khiến nhiều khách hàng tại dự án thất vọng. “Chưa nói đến việc bao giờ công ty trả lại tiền, chỉ riêng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đã cho thấy sự vô trách nhiệm của chủ đầu tư, đây là hành động “qua cầu rút ván”, một nhà đầu tư gay gắt nói.
Không chỉ riêng 2 dự án trên, nhiều cái tên cũng được nhắc tới vì “hứa” nhưng không thực hiện được. Điển hình như dự án Ariyana Beach resort & suite, do công ty Thiên Thai làm chủ đầu tư; hay dự án Soleil Ánh Dương, chủ đầu tư là PPC An Thịnh…
Loạt dự án condotel “xù” cam kết lợi nhuận, cùng các vụ “kêu cứu” cứ liên tục tiếp diễn hết năm này qua năm khác đang khiến phân khúc condotel dường như đang đi lệch khỏi đường ray phục hồi của thị trường bất động sản.
"Việc nhiều dự án không tiếp tục chi trả lợi nhuận, hiệu quả khai thác ở mức thấp, nhà đầu tư dần mất niềm tin... đã khiến thị trường tiếp tục trầm lắng và chưa có dấu hiệu phục hồi", chuyên gia của DKRA Group nhận định.
Cách nào “giải cứu” condotel?
Có thể thấy, trước thực trạng cái danh condotel bị “thất sủng”, không ít chủ đầu tư gần đây đã hạn chế dùng tên này để quảng cáo bán hàng, thậm chí “lái” sang một loại hình khác để tạo cảm giác yên tâm cho nhà đầu tư.
Điển hình như trên thị trường thời gian qua xuất hiện loạt dòng sản phẩm mới có tên Apart Hotel, Flex Home, căn hộ du thuyền... Giữa tháng 5 vừa qua, hàng trăm khách hàng, nhà đầu tư đã tham gia một sự kiện giới thiệu sản phẩm căn hộ du thuyền cao cấp nằm trong tổ hợp nghỉ dưỡng - thương mại - giải trí biển 5 sao The Maris Vũng Tàu.
Việc thị trường xuất hiện nhiều loại hình mới với không ít tương đồng với condotel có thể là một phần lý do khiến Chính phủ đặc biệt quan tâm, tìm cách quản lý nhằm tránh hệ lụy về sau.
Đơn cử, vừa qua, tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan soạn thảo phải làm rõ một số khái niệm mới về công trình hỗn hợp tòa nhà văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), căn hộ kết hợp lưu trú (condotel).
Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng những gì chưa được quy định nhưng thực tiễn đã có, được thừa nhận và được nêu trong luật thì phải được thể chế hóa cụ thể, rõ ràng hơn.
Có thể thấy, trong bối cảnh loại hình condotel đứng trước nhiều thách thức, niềm tin của nhà đầu tư lung lay dữ dội, nhiều người mong chờ 3 bộ luật mới dự kiến có hiệu lực sớm từ 1/8 sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh đà phục hồi của phân khúc từng “làm mưa làm gió” này.
Như trường hợp của anh Trần Trung Dũng, vào giữa năm 2023, anh quyết định rao bán 2 căn condotel ở Nha Trang (Khánh Hòa), với mức giá thấp hơn gần 500 triệu đồng/căn so với thời điểm mua vào đầu năm 2019.
Cả 2 căn condotel trên, theo anh Dũng, được anh mua theo dạng “đầu tư 0 đồng”, nghĩa là chủ đầu tư áp dụng chính sách hỗ trợ 100% vốn, lãi suất 0% trong 12 tháng đầu, cam kết lợi nhuận 10% năm. Nhưng mọi chuyện cứ xấu dần đi nên anh quyết định rao bán, vừa để trả hơn 2 tỷ đồng tiền vay, vừa để thu hồi vốn.
“Đầu năm 2024, tôi bán được 1 căn. Còn 1 căn tồn, cũng định bán bằng mọi giá, nhưng trước thông tin căn hộ condotel sẽ được cấp sổ hồng, tôi đang vừa rao bán vừa nghe ngóng. Mong rằng khi Luật Đất đai và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm sẽ giúp phân khúc này phục hồi trở lại”, nhà đầu tư gốc Hà Nội chia sẻ với VnBusiness.
Việc phân khúc condotel và các loại hình nghỉ dưỡng được định hình rõ nét hơn trong luật mang lại nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư, tuy nhiên, thực tế cho thấy những vấn đề pháp lý của phân khúc này vẫn còn rất nhiều điểm chưa hoàn chỉnh.
Ở góc nhìn của nhà đầu tư, anh Vũ, một “tay to” đang nắm thông tin tại nhiều dự án ở Khánh Hòa, tiết lộ sức mua nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng và shophouse ven biển trong khu vực đang xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Sức tiêu thụ yếu khiến tồn kho chiếm 90 - 95% rổ hàng của doanh nghiệp.
Chủ đầu tư rục rịch mở hàng, tăng cường quảng bá, tuy nhiên, theo anh Vũ, phần lớn các nhà đầu tư cá nhân còn khá e dè, hỏi nhiều nhưng chốt ít, bởi vấn đề cốt lõi nhất là làm sổ hồng vẫn bị bỏ ngỏ. “Chúng tôi không thể trả lời rõ ràng vấn đề sổ hồng khi khách hàng hỏi”, anh Vũ nói.
Với những diễn biến từ thực tế, giới chuyên gia dự báo bất động sản nghỉ dưỡng vẫn cần vượt qua chặng đường dài vô cùng gian nan ở phía trước. Cùng với giá bán, vấn đề cấp sổ hồng và phương án về quản lý vận hành sẽ là điểm mấu chốt để các dự án tăng lượng thanh khoản, chờ bứt tốc trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường