Nhà đầu tư lại bất an khi xuất hiện 4 phiên nghẽn lệnh liên tiếp
Thanh khoản giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tăng vọt trong vài tuần gần đây với mỗi phiên giao dịch đều ở ngưỡng 21.000 - 23.000 tỷ đồng. Điều này khiến hiện tượng nghẽn lệnh xuất hiện trở lại.
Kết thúc phiên 25/5, VN-Index đã có phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, đóng cửa trên mốc 1.300 điểm. Cụ thể, VN-Index đóng cửa phiên 25/5 tăng 10,6 điểm (0,82%) lên 1.308,58 điểm, thanh khoản trên HOSE (cả khớp lệnh và thoả thuận) ghi nhận hơn 21.246 tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy, nhà đầu tư có sự thận trọng hơn ở vùng giá cao nên không giải ngân mạnh như các phiên trước đó.
Diễn biến đáng lưu ý, bắt đầu tư phiên đáo hạn phái sinh (20/5) đến nay, khi thanh khoản các phiên trên dưới 23.000 tỷ đồng/phiên, giao dịch trên HOSE tái xuất hiện hiện tượng đơ, nghẽn lệnh/lệnh chập chờn trong phiên chiều.
Trước tình trạng thanh khoản tăng cao, ở nhiều diễn đàn chia sẻ thông tin đã sớm tính toán số lệnh và đo sức mạnh dòng tiền ào ạt vào thị trường, từ đó có dự báo sẽ xuất hiện nghẽn lệnh trong 2 phiên đầu tuần này và điều này đã diễn ra, thậm chí cả trong phiên hôm qua (25/5) khi thanh khoản chỉ hơn 21.000 tỷ đồng.
Tình trạng nghẽn lệnh đa số xuất hiện trước khi bước vào phiên giao dịch khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) khoảng 5 -10 phút, nên không quá ảnh hưởng đến giao dịch.
Ghi nhận cảm xúc của các nhà đầu tư cá nhân khi đối diện với 2 phiên nghẽn lệnh cuối tuần trước khá bình thản. Tuy nhiên, thêm 2 phiên nghẽn lệnh đầu tuần này, nhà đầu tư bắt đầu thận trọng hơn trước tình trạng nghẽn lệnh.
Theo nhiều lập luận của nhà đầu tư, thực tế thanh khoản 21.000 - 23.000 tỷ đồng không chỉ xuất hiện ở các phiên nghẽn lệnh, mà trong 2 tuần liên tiếp thanh khoản đã duy trì ở vùng cao này, nhưng không hiểu sao hiện tượng nghẽn lệnh bất ngờ xuất hiện trở lại trong 4 phiên liên tiếp gần đây.
Trong Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Chứng khoán SSI diễn ra ngày 22/5, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI cho rằng, năm 2021 là năm phát triển tốt cho TTCK, vì chưa nhìn thấy các rủi ro lớn của khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, lượng tiền chuyển từ tiết kiệm sang chứng khoán lớn tới mức, trước đây khi công ty chứng khoán hết margin thì thị trường ảnh hưởng nhiều, nhưng nay kể cả công ty chứng khoán lớn hết margin, phải giảm room margin thì thị trường vẫn tăng, tiền vẫn vào.
Tuy nhiên, để giữ được thị trường từ nay tới cuối năm vẫn tốt, theo ông Hưng, vấn đề hệ thống phải thông suốt, không có gì méo mó, nếu không sẽ rất nguy hại.
Ông Hưng lấy ví dụ, đóng cửa phiên đáo hạn phái sinh vào thứ Năm tuần trước (20/5), tại phiên khớp lệnh ATC, hiện tượng ngắt lệnh diễn ra, những mã trong rổ VN30 đều tăng rất nhanh so với 2 phiên đầu. Thực hư không rõ thế nào, nhưng đều này tạo sự nghi ngại cho nhà đầu tư, mà khi xuất hiện nghi ngại là không tốt. Vì vậy, cần nhanh chóng cải thiện hệ thống, có thêm nhiều sản phẩm đa dạng hơn trên thị trường.
Ông Hưng nhìn nhận, nghẽn lệnh là vấn đề nóng bỏng nhất, là một trong các yếu tố làm thị trường tăng trưởng kém hơn trong thời gian qua. Nếu nhìn ở mặt tích cực, thì TTCK tăng nhanh quá so với dự báo ban đầu của những người xây dựng thị trường nên hệ thống chưa đủ sức xử lý hết, và việc khắc phục hệ thống không thể nhanh được.
“Cùng các cơ quan quản lý, FPT có tham gia khắc phục hệ thống, ở thời điểm đó tôi có đăng facebook cá nhân về khả năng giải quyết nghẽn lệnh trong 3 tháng và nhận được rất nhiều phản ứng trái chiều. Nhưng đến nay, sau 3 tháng, thực sự vẫn chưa có kết quả rõ ràng”, ông Hưng nói.
Ngược lại, theo ông Hưng, đội ngũ IT của HOSE đã có sự nỗ lực và đã cải thiện năng lực xử lý rất tốt trong giai đoạn gần đây. Chỉ có những phiên rất “hot”, trên 22.000 - 23.000 tỷ đồng, thì hệ thống mới bị gián đoạn. Còn hệ thống nội bộ thì đã có thể chấp nhận được khối lượng giao dịch lớn hơn rất nhiều.
Ghi nhận thêm từ các thành viên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, phiên đáo hạn phái sinh có ảnh hưởng lớn đến việc nghẽn lệnh, thậm chí các sản phẩm chứng quyền cũng bị hạn chế cấp phép mới giai đoạn sau Tết đến nay nhằm giảm thiểu số lệnh vào hệ thống.
Ngoài ra, cũng dễ dự đoán tình trạng nghẽn lệnh sẽ tái xuất hiện khi sự tham gia của nhà đầu tư trên thị trường tăng rất nhanh. Cụ thể, tháng 3 và tháng 4, số lượng khoản mở mới đều ở ngưỡng 100.000 tài khoản (tháng 3 là 113.000 tài khoản).
Sự tham gia của những nhà đầu tư mới giúp thanh khoản thị trường tiếp tục tăng. Trong tháng 4/2021, không những chỉ số VN-Index lập đỉnh lịch sử, mà thanh khoản trên HOSE cũng ghi nhận mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 18.347 tỷ đồng, tăng 18,68% so với tháng trước và tăng 47,41% so với cuối năm 2020.
Có được con số này một phần cũng nhờ giải pháp kỹ thuật từ HOSE, giúp tăng năng lực xử lý tạm thời của hệ thống. Sau phiên 12/4, thị trường có thể hoạt động thông suốt với thanh khoản sàn HOSE đạt tới 20.000 tỷ đồng, so với "ngưỡng nghẽn lệnh" 14.000 - 15.000 tỷ đầu năm.
Tuy nhiên, dường như giải pháp tạm thời này cũng đã tới ngưỡng mới và chưa rõ giải pháp tình thế tiếp theo sẽ duy trì được tình trạng thông suốt tới bao lâu.
Cuối tháng 3, HOSE có công bố thông tin trên website về việc nghẽn lệnh. Theo đó, từ tháng 12/2020, tại một số phiên giao dịch trên HOSE đã ghi nhận tình trạng một số công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty chứng khoán có nhiều khách hàng, không gửi lệnh được vào hệ thống giao dịch của HOSE trong những phiên giao dịch có thanh khoản lớn. Tình trạng này xảy ra khi có sự gia tăng đột biến số lệnh từ các công ty chứng khoán vào Sở.
Theo thống kê của HOSE, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới và giá trị giao dịch có sự gia tăng đột biến. Theo đó, trong TOP 20 công ty chứng khoán hàng đầu, có lượng lệnh vào sàn tăng ít nhất là trên 3 lần, bình quân là 5-6 lần, cá biệt có một số công ty có số lệnh vào sàn tăng 13-18 lần. Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện hiện tượng quá tải hệ thống.
Giải pháp trước đó được HOSE đề xuất với cơ quan quản lý nhằm giảm bớt số lệnh vào hệ thống là nâng nô giao dịch từ 10 lên 100 chứng khoán. Giải pháp này đã góp phần giảm tải được một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng được 15 - 18% như dự kiến. Tuy nhiên, hiện tượng quá tải hệ thống vẫn chưa xử lý được dứt điểm, nhất là trong các phiên có thanh khoản rất lớn chạm đến mức 15.000 - 16.000 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận