Nhà đầu tư ‘hắt hủi’ cổ phiếu hàng không
Dù báo cáo lợi nhuận bùng nổ và chi hàng tỉ đô la Mỹ cho máy bay mới, nhiều hãng hàng không toàn cầu vẫn chứng kiến cổ phiếu của họ bị nhà đầu tư bán tháo.
Chỉ số MSCI theo dõi cổ phiếu của các hãng hàng không lớn trên toàn cầu đang giao dịch thấp hơn khoảng 40% so với mức trước đại dịch Covid-19. Chỉ số này giảm hơn 20% kể từ đầu tháng 7, ngay cả khi nhiều hãng hàng không bao gồm IAG (chủ sở hữu British Airways), easyJet và Singapore Airlines báo cáo lợi nhuận kỷ lục.
Các hãng hàng không cũng đã đặt hàng hơn 2800 máy bay mới trong năm nay với trị giá hàng chục tỉ đô la khi đặt cược rằng họ chuẩn bị bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, giá nhiên liệu cao kết hợp với những lo ngại về kinh tế và chi tiêu của người tiêu dùng khiến nhà đầu tư lo lắng. Họ xem hàng không một ngành kinh doanh mang tính chu kỳ, dễ bị tổn thương trước những cú sốc bên ngoài, từ những đám mây tro bụi của núi lửa, đại dịch cho đến suy thoái kinh tế.
Một lãnh đạo ngân hàng cho biết sau đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư coi ngành này là “không thể đầu tư”.
Một số hãng hàng không vẫn được đánh giá cao. Cổ phiếu của một số hãng hàng không châu Á, bao gồm Singapore Airlines, có hiệu suất tăng giá tốt trong năm nay vì khu vực này vẫn đang tận hưởng nhu cầu du lịch phục hồi sau đại dịch do mở cửa chậm hơn.
Những hãng hàng không Mỹ ít tiếp xúc với thị trường nội địa vốn đang tăng trưởng trì trệ cũng ghi nhận hiệu suất tăng giá cổ phiếu tốt hơn so với các đối thủ.
Trong khi Ryanair, hãng bay giá rẻ của Ireland, được kỳ vọng sẽ chiến thắng trong dài hạn ở châu Âu sau khi tận dụng sự gián đoạn trong thời kỳ đại dịch để bắt đầu một thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng.
Tuy nhiên, hồi cuối tháng 19, giá cổ phiếu của hãng hàng không Air France-KLM (Pháp) chạm mức thấp kỷ lục trong cùng ngày công ty công bố lợi nhuận kỷ lục trong quí 3.
“Các nhà đầu tư đang xem xét kỹ lưỡng kết quả kinh doanh của các hãng hàng không và chú ý đến những rủi ro vĩ mô trong mùa đông ở Bắc bán cầu”, Alex Irving, nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Bernstein, nói
Sự hoài nghi của các nhà đầu tư ở châu Âu xuất hiện bất chấp các hãng hàng không báo cáo nhu cầu du lịch vào mùa đông tăng mạnh, dù dữ liệu công bố trong tháng này cho thấy lượng đặt vé máy bay trên toàn cầu bị ảnh hưởng sau khi chiến tranh nổ ra ở Trung Đông.
Lợi nhuận của nhiều hãng hàng không tăng bùng nổ trong năm nay nhờ giá vé máy bay tăng, nhu cầu đi lại hàng không phục hồi nhanh cùng với với tình trạng thiếu máy bay. Tuy nhiên, một số rạn nứt đã xuất hiện ở thị trường Mỹ, nơi một số hãng hàng không hàng đầu cảnh báo rủi ro lợi nhuận suy giảm do chi phí tăng, bao gồm cả chi phí nhân công và nhiên liệu.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy các hãng hàng không đang thực hiện quá nhiều chuyến bay tại thị trường nội địa khi nhu cầu bắt đầu chậm lại. Điều này sẽ áp lực lên lợi nhuận khi họ buộc phải giảm giá vé để lấp đầy máy bay.
Goh Choon Phong, CEO của Singapore Airlines, cho biết, dù ông kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ trong thời gian còn lại của năm tài chính tính đến tháng 3-2024, nhưng gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy giá vé máy bay đã giảm bớt tại thị trường Singapore.
Các hãng hàng không bao gồm Ryanair, easyJet (Anh) và Southwest Airlines (Mỹ) đang tranh giành các suất giao máy bay ngày càng khan hiếm từ Boeing và Airbus, đặc biệt là máy bay thân hẹp phục vụ các chuyến bay ngắn.
Tình trạng này đặt ra câu hỏi liệu một số hãng hàng không có nguy cơ đặt mua máy bay quá mức hay không, dù họ thực sự có nhu cầu thay thế máy bay cũ.
Theo dữ liệu từ Công ty tư vấn hàng không Cirium, tổng số đơn hàng còn tồn đọng của Airbus và Boeing đang ở mức cao kỷ lục, hơn 13.900 chiếc tính đến cuối tháng 10. Lượng đơn hàng tồn đọng sẽ còn tăng thêm sau một loạt đơn mua mới từ các hãng hàng không ở Trung Đông, bao gồm cả Emirates, tại cuộc triển lãm hàng không tuần trước ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất).
Rob Morris, người đứng đầu đơn vị tư vấn Ascend của Cirium, cảnh báo lượng đơn đặt hàng lớn gây rủi ro cho các hãng hàng không do “các động lực địa chính trị và kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực dường như ngày càng khó dự đoán sau đại dịch Covid-19”.
Chris Tarry, một nhà tư vấn hàng không, cho biết ngành này có lịch sử đánh giá sai thời điểm, nhiệt tình đặt mua máy bay trong thời kỳ bùng nổ, để rồi máy bay được giao ngay đúng lúc nhu cầu và doanh thu trên mỗi hành khách suy giảm
“Ở một số thị trường, công suất bay của các hãng có thể khôi phục hoàn toàn ngay đúng lúc hoạt động kinh tế hoặc chi tiêu tiêu dùng chậm lại. Lúc đó, thị trường hàng không chắc chắn không thể điều chỉnh ngay lập tức mà không bị tổn thương”, Tarry nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận