menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Hảo

Nhà đầu tư điện mặt trời và điện gió “kêu cứu” vì lâm nguy

Hơn 40 doanh nghiệp điện mặt trời tại Gia Lai gửi đơn kiến nghị tập thể trong bối cảnh họ đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thậm chí là vỡ nợ.

Hơn 40 doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai vừa gửi đơn kiến nghị tới Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chính quyền tỉnh Gia Lai liên quan đến hoạt động tại các dự án điện mặt trời.

Theo nội dung đơn, hiện khoảng 90% doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai đang phải huy động vốn từ nguồn vay của các ngân hàng thương mại với tỷ trọng chiếm 70-80% tổng mức đầu tư và lãi suất vay từ 9,5-12%/năm. Vì vậy, áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án của doanh nghiệp là rất lớn.

Đáng nói, hiệu quả của dự án chỉ đảm bảo trả được nợ vay khi hoạt động đúng công suất thiết kế, đặc biệt trong các tháng mùa khô tại Tây Nguyên. Trong khi đó, nếu chủ đầu tư phải tiết giảm công suất phát điện của dự án từ 50-70% trong các tháng cuối năm 2021 sẽ dẫn đến hậu quả xấu đối với các nhà đầu tư điện mặt trời.

Trong đó, đáng chú ý là việc các chủ đầu tư sẽ đối diện với nguy cơ không có nguồn trả nợ vay đúng theo hợp đồng tín dụng đã ký, gây lãng phí cho doanh nghiệp và xã hội. Và các chủ đầu tư điện mặt trời và các ngân hàng thương mại cho vay đồng loạt khởi kiện các công ty điện lực vi phạm hợp đồng mua bán điện và đề nghị bồi thường thiệt hại, sẽ gây bất ổn an ninh, xã hội.

Các nhà đầu tư cho rằng, theo quy định của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, bộ mẫu hợp đồng mua bán điện của Bộ Công thương, hợp đồng mua bán điện đã ký giữa các doanh nghiệp và các công ty điện lực không có điều khoản tiết giảm công suất phát lên lưới của các dự án điện mặt trời.

Vì vậy, việc các công ty điện lực đơn phương yêu cầu các chủ đầu tư dự án điện mặt trời tiết giảm công suất phát điện như hiện nay (từ đầu tháng 2/2021 đến nay) là vi phạm các quy định của Luật Thương mại 2005, Bộ luật Dân sự 2015 và các quy định pháp luật có liên quan khác.

"Các chủ đầu tư có quyền khởi kiện các công ty điện lực tại toà án các cấp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp", nhà đầu tư các dự án điện mặt trời nêu vấn đề.

Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư điện mặt trời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp điện mặt trời để đảm bảo doanh nghiệp tồn tại, vượt qua khó khăn như hiện nay.

Đồng thời, các nhà đầu tư kiến nghị Bộ Công thương xem xét, tính toán chỉ đạo các cơ quan liên quan, EVN xây dựng kế hoạch khai thác các nguồn năng lượng hiệu quả nhất, giảm tối đa sự lãng phí của doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời, lãng phí tài sản của xã hội.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đề nghị tăng cường huy động các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió; giảm các nguồn điện than và nguồn điện khí vì hai nguồn này có thể huy động sau mà không phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên như điện mặt trời.

Trong trường hợp bất khả kháng, các dự án điện mặt trời buộc phải tiết giảm công suất phát điện của dự án để tạo sự đồng thuận giữa các bên, tránh khiếu kiện có tính hệ thống gây mất ổn định an ninh, xã hội thì Bộ Công thương phối hợp với các ngành liên quan để thoả thuận bù đắp thiệt hại cho doanh nghiệp.

Nhà đầu tư điện mặt trời và điện gió “kêu cứu” vì lâm nguy
Các dự án điện gió đang chạy đua về đích

Theo đó, các nhà đầu tư muốn được kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng với các hợp đồng mua bán điện đã ký đúng bằng thời gian tiết giảm công suất, hoặc Bộ Công thương đề xuất các ngành liên quan tăng giá mua điện mặt trời cho các dự án đúng bằng phần sản lượng tiết giảm trong một thời gian nhất định.

Cùng với đó, các chủ đầu tư cũng đề nghị với Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công thương và EVN để xác định rõ ràng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời để đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp điện mặt trời do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo các doanh nghiệp, trên thực tế hiện nay, các ngân hàng thương mại đều tìm lý do để từ chối xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay trước đó là 9,5-12%/năm. Vì thế, họ mong Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các ngân hàng thương mại cố tình không thực hiện giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời. Trường hợp buộc phải sa thải điện thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoanh nợ không tính lãi.

Còn với EVN, các nhà đầu tư điện mặt trời đề nghị xây dựng phương án tăng cường huy động sử dụng nghiên điện hiệu quả nhất, tiết kiệm không gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, của xã hội và thân thiện với môi trường. Đồng thời, EVN cũng phải công khai, minh bạch thông tin tiết giảm, sa thải của các dự án.

Không chỉ điện mặt trời, các doanh nghiệp điện gió cũng đang lao đao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tiến độ các dự án để chạy đua tiến độ hưởng giá FIT (ưu đãi).

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Gia Lai, Trà Vinh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị gia hạn giá ưu đãi cho các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021 vì Covid-19.

Theo các địa phương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khả năng các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước tháng 11/2021 để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 Uscent/kWh, theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên nhân được các địa phương đưa ra là do dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp tuabin gió bị ảnh hưởng (nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm tiến độ tại nước sở tại, vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng gặp khó do giãn cách xã hội), hoạt động xuất nhập cảnh của chuyên gia và công nhân, xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn, giá cả vật tư tăng cao bất thường... nên rất nhiều dự án điện gió đều đứng trước ngưỡng cửa chậm tiến độ vận hành.

Trên cơ sở đó, các địa phương đề nghị gia hạn thêm lần lượt đến hết năm 2022, quý I/2022 hoặc hết tháng 4/2022.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công thương và các tỉnh Đắk Nông, Ninh Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về đề nghị gia hạn thời gian thực hiện Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, UBND các tỉnh Đắk Nông, Ninh Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu đã có văn bản kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tức gia hạn thời gian áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió tại Việt Nam.

Về việc trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ Công thương xem xét cụ thể kiến nghị của các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền trước ngày 30/9/2021.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả