Nhà đầu tư điện gió sốt ruột xin gia hạn giá FIT: Bộ Công thương nói gì?
Đại diện Bộ Công thương cho biết, trong tương lai, các dự án điện gió sẽ chuyển từ cơ chế giá cố định sang lựa chọn nhà đầu tư qua hình thức đấu thầu.
Chiều 30/9, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công thương, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã thông tin liên quan đến đề xuất của các địa phương, nhà đầu tư điện gió về việc gia hạn cơ chế giá FIT (ưu đãi).
Theo đó, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến tháng 8/2021, có 106 dự án điện gió đăng ký vận hành thương mại, để kịp hưởng giá FIT theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có 54 dự án thuộc thẩm quyền xem xét của Bộ Công thương và 34/54 dự án đã nhận hồ sơ để tiến hành công tác nghiệm thu.
Theo ông Dũng, nhiều dự án chủ đầu tư đã nỗ lực để kịp tiến độ vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021. Tuy nhiên, vừa qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng nhận được khá nhiều đề xuất của UBND các tỉnh, chủ đầu tư với nhiều lý do không kịp tiến độ để hưởng giá FIT. Lý do chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chậm tiến độ các dự án.
Ông Dũng cũng cho biết, theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ, sau ngày 31/10/2021, cơ chế giá FIT cho điện gió sẽ hết hạn, Bộ Công thương có trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất phương án đấu thầu, xác định giá đối với các dự án điện gió.
"Do đó, Bộ Công thương đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các dự án điện gió trong thời gian tới, theo hướng phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Điện lực", ông Dũng nói.
Đặc biệt, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho biết, trong tương lai, các dự án điện gió sẽ chuyển từ cơ chế giá cố định sang lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu.
"Việc chuyển dịch từ cơ chế giá cố định sang cơ chế đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư là xu hướng chung của thế giới và phù hợp với khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam ở thời điểm này", ông Dũng nói.
Vị này nhận định, cơ chế giá cố định là công cụ thúc đẩy tốt cho thị trường năng lượng tái tạo mới phát triển như tại Việt Nam những năm trước đây. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thế giới, khi thị trường năng lượng đã phát triển đến quy mô nhất định, việc chuyển sang cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tốt hơn cho công tác quản lý, bảo đảm sự tăng độ minh bạch, tăng tính cạnh tranh cạnh tranh.
Tháng 8 vừa qua, nhiều địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Gia Lai, Trà Vinh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị gia hạn giá ưu đãi cho các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021 vì Covid-19.
Theo các địa phương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khả năng các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước tháng 11/2021 để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 Uscent/kWh, theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyên nhân được các địa phương đưa ra là do dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp tuabin gió bị ảnh hưởng (nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm tiến độ tại nước sở tại, vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng gặp khó do giãn cách xã hội), hoạt động xuất nhập cảnh của chuyên gia và công nhân, xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn, giá cả vật tư tăng cao bất thường... nên rất nhiều dự án điện gió đều đứng trước ngưỡng cửa chậm tiến độ vận hành.
Trên cơ sở đó, các địa phương đề nghị gia hạn thêm lần lượt đến hết năm 2022, quý I/2022 hoặc hết tháng 4/2022.
Sau khi nhận được văn bản của các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Công thương xem xét cụ thể kiến nghị của các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền trước ngày 30/9/2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận