Nhà đầu tư cá nhân có thể không được mua trái phiếu riêng lẻ
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, hiện Chính phủ đề xuất chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ.
Ngày 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật (gồm Chứng khoán, Kế toán, Kiểm toán độc lập, Ngân sách Nhà nước, Quản lý - sử dụng tài sản công, Quản lý thuế và Dự trữ quốc gia).
Một trong những thay đổi lần này khi sửa Luật Chứng khoán, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi là quy định về phát hành, chào bán chứng khoán ra công chúng và riêng lẻ. Cụ thể, Chính phủ đề xuất chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ. Điều này đồng nghĩa, nhà đầu tư cá nhân không được tham gia thị trường này.
Lý do theo Chính phủ, trái phiếu chào bán riêng lẻ, đặc biệt loại do doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành, là sản phẩm có tính rủi ro cao. Nhiều nước không cấm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia thị trường này, song thực tế giao dịch mua bán, đầu tư được thực hiện giữa các tổ chức chuyên nghiệp. Số này gồm công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và ngân hàng. Các nhà đầu tư cá nhân thường không tham gia trực tiếp thị trường này do hạn chế về quản trị rủi ro và nguồn lực.
Việc quy định chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ là cần thiết, theo tờ trình của Chính phủ. Bởi, nhà đầu tư là tổ chức có đủ nguồn lực, nhân lực và khả năng phân tích tình hình tổ chức, hoạt động của tổ chức phát hành. Họ cũng có các giải pháp về quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn, phòng ngừa rủi ro.
Chính phủ cho hay việc bổ sung quy định này không hạn chế sự tham gia của cá nhân vào thị trường trái phiếu riêng lẻ, do vậy không hạn chế khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường này. Nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia thông qua các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ. Đây là các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, được cấp phép, giám sát bởi các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng quy định trên có thể giảm rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, khi quản trị của nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước còn hạn chế.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung số liệu về cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ, cũng như đánh giá tác động việc giới hạn cá nhân tham gia thị trường này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh cũng cho biết, quá trình thẩm tra, có ý kiến cho rằng nhà đầu tư cá nhân là nhóm lớn tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Việc loại họ sẽ dẫn đến thu hẹp thị trường này và ảnh hưởng lớn tới thanh khoản, huy động vốn của doanh nghiệp.
Do đó, thay vì cấm nhà đầu tư cá nhân tham gia, các ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị giao Chính phủ đưa ra tiêu chuẩn, điều kiện xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Việc này nhằm bảo đảm nhà đầu tư đánh giá được mức độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi rót tiền.
Dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật liên quan chứng khoán, tài chính sẽ trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 8, khai mạc vào 21/10.
Về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Uỷ ban Chứng khoán (SSC), tính đến 30/09/2024, có 24 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 22.333 tỷ đồng và một đợt phát hành ra công chúng trị giá 1.467 tỷ đồng trong tháng 9/2024.
Như vậy, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 9/2024 chỉ đạt 23.800 tỷ đồng, bằng 40% tháng trước (giá trị phát hành tháng 8 đạt hơn 60.000 tỷ đồng) và chạm đáy 5 tháng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, có 268 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 250.396 tỷ đồng và 15 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.054 tỷ đồng. Trong đó, 72 % giá trị trái phiếu phát hành là của nhóm ngân hàng thương mại; 18,54% giá trị trái phiếu phát hành là của nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận