24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quách Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhà đầu tư bắt đầu tăng tỷ lệ đầu tư tài sản logistics

Sức hấp dẫn của các tài sản logistics và công nghiệp sẽ chỉ theo chiều tăng lên trong mắt các nhà đầu tư.

Nhu cầu về thương mại điện tử và dịch vụ, dược phẩm tăng nhanh đã đảm bảo bất động sản logistics và công nghiệp vẫn là một loại tài sản tăng trưởng mạnh.

Thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư

Theo bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường của JLL Việt Nam, mặc dù Covid-19 gây tác động xấu tới nhiều ngành, nhưng cũng mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thương mại điện tử.

Với dân số trẻ am hiểu công nghệ và sự phát triển mạnh mẽ của điện thoại thông minh cùng mạng 4G, Việt Nam luôn nằm trong nhóm các thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử bán lẻ năm 2020 ổn định ở mức 18%, với doanh thu bán lẻ đạt 11,8 tỷ USD.

Nhu cầu về thương mại điện tử và dịch vụ tăng nhanh đã đảm bảo bất động sản logistics và công nghiệp vẫn là một loại tài sản tăng trưởng mạnh hơn so với các loại bất động sản khác.

Cơ quan này cũng nhận định, sự bùng nổ thương mại điện tử năm 2021 còn mạnh hơn, vượt xa con số 12 tỷ USD, tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước xây dựng các chiến dịch kinh doanh mới.

Theo Kế hoạch Tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến trung bình mỗi năm đạt 600 USD/người.

Có thể thấy, sự bùng nổ của thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần bên thứ ba (3PL) trong những năm gần đây như một thỏi nam châm thu hút sự quan tâm đáng kể từ các bên tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản hậu cần (logistics) và công nghiệp, bao gồm kho bãi, chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài cũng đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.

“Sức hấp dẫn của các tài sản logistics và công nghiệp sẽ chỉ theo chiều tăng lên trong mắt các nhà đầu tư. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tăng tỷ lệ đầu tư tài sản logistics khi họ tìm cách phân bổ vốn vào các tài sản ít cạnh tranh và tạo ra thu nhập ổn định”, bà Trang nhận định.

Lo ngại giá vật liệu tăng

Đại dịch đã khiến hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, kênh phân phối và kênh bán lẻ lãnh trách nhiệm cao trong việc đáp ứng các chính sách an sinh xã hội và đảm bảo các dịch vụ được vận hành hiệu quả.

Các ngành hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, kho lạnh sẽ có nhiều nhu cầu về diện tích kho bổ sung bên cạnh các khu đô thị. Nhu cầu về thương mại điện tử và dịch vụ, dược phẩm tăng nhanh đã đảm bảo bất động sản logistics và công nghiệp vẫn là một loại tài sản tăng trưởng mạnh hơn so với các loại bất động sản khác.

“Chúng tôi nhận thấy, số lượng quỹ đầu tư cốt lõi tiếp cận thị trường công nghiệp và hậu cần ngày càng nhiều, từ đó làm tăng khả năng xảy ra nhiều giao dịch sáp nhập hoặc cho thuê quy mô lớn trong thời gian tới. Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý trong xây dựng hạ tầng, tập trung vào phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, bao gồm cả năng lượng tái tạo”, bà Trang nhận xét.

Song, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về việc giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh thời gian gần đây, ảnh hưởng đến tiến độ phát triển các dự án mới. Từ đầu năm 2021, giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là giá thép đã tăng rất cao.

Việc tăng giá thép và các loại vật liệu xây dựng là sẽ làm gián đoạn tiến độ của các công trình vì đội vốn, khi đó chủ đầu tư và nhà thầu phải tính lại bài toán xây dựng nếu tiếp tục triển khai dự án. Điều này sẽ làm suy giảm nguồn cung bất động sản công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho trong ngắn hạn.

Theo bà Huỳnh Bửu Trân, COO của Công ty cổ phần Tập đoàn Khu công nghiệp Việt Nam, việc tăng giá đáng kể của vật liệu xây dựng đã làm chậm tiến độ của nhiều dự án, buộc nhiều chủ nhà phải điều chỉnh kỳ vọng thuê và tác động đến lợi nhuận tài chính của các chủ đầu tư, nhà đầu tư và cả người tiêu dùng cuối cùng.

Để đối phó với sự bất ổn của giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam cho rằng, các nhà sản xuất cần thực hiện những giải pháp hạn chế rủi ro như đa dạng hóa nguồn cung, thay đổi phương thức điều hành sản xuất, đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng với các giải pháp phù hợp trong ngắn hạn và lâu dài.

“Các hệ thống kho bãi cần nâng cao tiêu chuẩn hơn với mô hình đa dạng như kho nhiều tầng và cần phải đạt được yếu tố phát triển bền vững ngay từ khâu lên ý tưởng, thiết kế đến sử dụng nguyên vật liệu”, ông Trí nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn là một ngôi sao sáng trên thị trường địa ốc, bất chấp đại dịch Covid-19. Lĩnh vực này đã có mức tăng trưởng ấn tượng nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục tăng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đã giữ được sức nóng trong nửa đầu năm 2021, với tổng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập vượt quá 3 tỷ USD.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả