'Nhà đất thừa để kinh doanh nhưng thiếu chỗ ở cho dân'
Trên thị trường, hơn 90% dự án bất động sản có giá cao, phục vụ kinh doanh, ít căn hộ dành cho người thu nhập thấp, theo ông Phạm Chánh Trực.
Ông Phạm Chánh Trực phát biểu tại hội nghị, sáng 14/5. Ảnh: Lê Tuyết
Dẫn số liệu số dự án được cấp phép năm 2022 của Bộ Xây dựng, ông Trực cho gần 90% căn hộ kinh doanh, chỉ 10% căn hộ cho người lao động, thu nhập nhất. Cụ thể, nhà ở thương mại có 126 dự án với 55.732 căn hộ, nhà ở xã hội chỉ 9 dự án với 5.526 căn, con số này ở nhà ở cho công nhân là 2 với 1.729 căn hộ.
Trong khi đó, tính đến cuối năm ngoái, cả nước tồn kho hơn 3.100 chung cư, 6.553 nhà, giá bán bình quân ở Hà Nội là 50,8 triệu đồng mỗi m2 và TP HCM là trên 60 triệu đồng. Căn hộ bình dân biến mất khỏi thị trường.
TP HCM đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 xây dựng 35.000 nhà ở xã hội, bình quân 6.100 căn mỗi năm. Chỉ riêng người dân thành phố, thống kê có hơn 244.000 người thiếu nhà ở. Với tốc độ này, thành phố cần đến 40 năm mới giải quyết được chỗ ở cho dân, không kể phát sinh mới.
"Chính sách đất đai của ta hiện nay nghiêng về địa ốc kinh doanh, thiếu quan tâm nhà ở cho dân", nguyên phó ban Kinh tế trung ương nói.
Theo ông Trực, bình quân diện tích nhà ở theo đầu người của Việt Nam hiện là 10 m2, trong khi Trung Quốc đạt 22 m2 và Singapore 32 m2. Ông Trực cho rằng thực tế trong nước còn thấp hơn bởi người lao động, thu nhập thấp không có nhà để ở nhưng nhiều người khác lại sở hữu hàng chục căn nhà là phổ biến. Doanh nghiệp tư nhân có quyền sử dụng đến hàng trăm, hàng nghìn ha đất.
Tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 (thí điểm cơ chế đặc thù cho thành phố), đặt vấn đề nhà nước chưa sử dụng hiệu quả các công cụ tài chính, quy hoạch trong quản lý đất đai. Việc này dẫn đến nhiều hệ quả và bất cập cần giải quyết.
"Hệ quả rất lớn là giá đất bị đẩy lên vô tội vạ, vượt sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân. Với giá đất bị thổi như hiện tại, TP HCM khó thực hiện chương trình xây nhà ở xã hội", ông Lịch đặt câu hỏi.
Bất động sản khu đông dọc theo xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức, tháng 2/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Tương tự, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, nói rằng có tổ chức tư vấn nước ngoài đã nhận định Việt Nam có đến 90% số người giàu có từ một triệu USD trở lên và có đến 99% số người siêu giàu từ 30 triệu USD trở lên có nguồn thu nhập chính từ đất đai, bất động sản.
"Đây là con số đáng suy nghĩ", ông Châu nói. Theo ông, nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại đi vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng.
PGS.TS Phùng Quốc Hiển, nguyên phó chủ tịch Quốc hội, nêu thực trạng khác là giá đất tại TP HCM đang quá cao so với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu. Điều này khiến chi phí, giá thành sản xuất, kinh doanh của các sản phẩm nhà đất tại TP HCM bị ảnh hưởng.
"Nếu không cẩn thận, giá đất TP HCM sẽ đắt ngang Hong Kong. Tại Hà Nội, một số nơi có tình trạng trả lại đất vì giá quá cao, không thể kinh doanh hiệu quả. Giá đất quá cao sẽ cản trở thu hút đầu tư của thành phố", ông Hiển nói.
Để hạn chế việc kinh doanh đầu cơ đẩy giá đất, ông Phạm Chánh Trực cho rằng nhà nước cần quy hoạch phạm vi, giới hạn đất sử dụng cho nhà ở thương mại. Ngoài ra, thay vì bán đất, nhà nước nên tổ chức đấu thầu thực hiện các dự án. Ví dụ theo quy hoạch chỗ này là trung tâm thương mại, trường học... thì tổ chức đấu thầu để doanh nghiệp thực hiện dự án.
Nguyên phó ban Kinh tế Trung ương cho rằng thị trường không thể giải quyết được vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp mà nhà nước cần vào cuộc. Ông kiến nghị có thể nghiên cứu chính sách nhà nước thu hồi đất rồi giao lại cho người dân không có nhà ở tự xây dựng. Nhà nước sẽ hỗ trợ vốn, tín dụng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Chính sách này tương tự nhà nước giao đất cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội.
Lê Tuyết
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận