24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Nga
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nguyên nhân mới từ Trung Quốc, nông sản Việt nguy cơ dồn ứ cửa khẩu dài hơn

Cảng miền Nam Trung Quốc sẽ tạm nghỉ 6 tuần vào Tết Nguyên đán 2022 để cách ly các thuỷ thủ. Thế nên, áp lực xuất khẩu nông sản sẽ dồn qua đường bộ lên các cửa khẩu. Tình trạng ùn ứ dự báo sẽ kéo dài hơn.

Trao đổi với PV. VietNamNet về thông tin Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, khẳng định, Trung Quốc vẫn nhập khẩu các loại nông sản qua các cửa khẩu như bình thường. Còn qua các cảng miền Nam sẽ gián đoạn trong vòng 6 tuần vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.

Ông Nguyên giải thích, do dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, Trung Quốc lại theo đuổi chế độ “Zero Covid” nên không chỉ kiểm soát chặt hàng hoá xuất nhập khẩu mà người nhập cảnh cũng phải kiểm tra.

Do đó, các thuỷ thủ nước ngoài và thuỷ thủ của Trung Quốc khi về cảng đều phải cách ly đủ 3 tuần. Sau khi về quê nghỉ Tết lên, họ tiếp tục cách ly 3 tuần. Theo đó, các hãng khai thác tàu quyết định nghỉ Tết Âm lịch 6 tuần. Như vậy, việc nhập hàng hay chở hàng trung chuyển qua các cảng miền Nam nước này sẽ bị đình trệ.

Nguyên nhân mới từ Trung Quốc, nông sản Việt nguy cơ dồn ứ cửa khẩu dài hơn
Hàng nghìn xe chở nông sản đang ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn (ảnh: Phạm Công)

Hàng Việt Nam xuất đi Trung Quốc bằng đường biển vào dịp Tết Nguyên đán có thể bị từ chối, hoặc không có nhập cảng được trong vòng 6 tuần đó. Còn xuất qua cửa khẩu đường bộ thì vẫn bình thường, ông nhấn mạnh.

Theo ông Nguyên, rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu bằng đường bộ, đường biển chỉ chiếm khoảng 20-30%. Nhưng nếu lượng hàng này không xuất qua được đường biển thì sẽ dồn qua đường bộ, có thể gây ùn ứ khi hàng hoá tại cửa khẩu tăng đột biến.

Ngoài ra, các mặt hàng nông sản khác xuất khẩu bằng đường biển qua các cảng miền Nam Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, không riêng hàng Việt Nam mà hàng hoá các nước cũng bị ảnh hưởng tương tự.

“Những năm trước họ chỉ nghỉ một tuần, thay vì 6 tuần như năm nay”, ông nói.

Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất của rau quả của Việt Nam. Trong vòng 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này ước đạt 1,8 tỷ USD, chiếm khoảng 55% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam.

Trước thực trạng trên, ông Nguyên khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp phải có phương án tiêu thụ nông sản nói chung và trái cây nói riêng. Trước mắt, ông đề nghị đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, trong đó tăng cường bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Tại diễn đàn trực tuyến "Kết nối cung cầu cây ăn trái", ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết, trong tháng 12/2021, chỉ riêng trái cây sản lượng thu hoạch của cả nước đạt khoảng 700 nghìn tấn. Tính đến Tết Nguyên đán 2022, sản lượng lên tới 1,7 triệu tấn.

Theo ông Tùng, trong quý 1/2022, công tác tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của các tỉnh phía Nam có thể gặp phải một số khó khăn, do Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao, đặc biệt Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh, điều này có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả