menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huỳnh Dương Bốn

Nguy cơ xuất hiện làn sóng các “công ty zombie” mới hậu đại dịch

Nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy rằng các khoản vay nợ của rất nhiều công ty thua lỗ đã vượt quá số lỗ lũy kế của họ.

Một năm trước, nền kinh tế toàn cầu gần như đã rơi vào vực thẳm do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng giờ đây, kinh tế thế giới đang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt khoảng 6% trong năm 2021 và 4,4% trong năm 2022. Điều đó có nghĩa là thảm họa kinh tế đã được ngăn chặn, hay ít nhất là phần lớn nguy cơ đã được dập tắt, nhưng không phải là không có sự trả giá.

Trong bài viết đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald của Australia, chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz dẫn giải rằng IMF ước tính tổng giá trị những biện pháp tài chính của các chính phủ để ứng phó với đại dịch là 16.000 tỷ USD.

Con số này hiện vẫn đang tăng và thậm chí có thể tiệm cận một mức cao thận trọng. Báo cáo của IMF cho biết, mức đỉnh thâm hụt tài khóa toàn cầu vào năm ngoái xấp xỉ 14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, tăng 10 điểm phần trăm so với năm 2019.

Bốn ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), cho đến nay đã mở rộng bảng cân đối tài sản thêm khoảng 10.000 tỷ USD tính từ thời điểm bắt đầu đại dịch.

Nợ toàn cầu cũng gia tăng do các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình được tiếp cận với những khoản vay rẻ hơn. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính đại dịch hiện đã làm tăng thêm 24.000 tỷ USD mức nợ mục tiêu, đưa tổng nợ lên khoảng 281.000 tỷ USD.

Tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu cũng đã tăng 35 điểm phần trăm lên ngưỡng 355% GDP. Báo cáo nhấn mạnh các chương trình hỗ trợ của chính phủ chiếm khoảng một nửa mức nợ tăng lên, trong khi các công ty, ngân hàng và các hộ gia đình chiếm phần còn lại. IMF dự kiến các chính phủ sẽ bổ sung thêm 10.000 tỷ USD nợ nữa trong năm nay.

Vì vậy, trong khi nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn nhiều so với bất kỳ dự báo nào được đưa ra hồi năm ngoái; đằng sau sự phục hồi đó chủ yếu là mức gia tăng nợ khổng lồ ở mọi cấp độ. Phản ứng của các chính phủ và ngân hàng trung ương đối với tác động của dịch bệnh lớn hơn nhiều so với những gì mà họ đã thực hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tuy nhiên, liệu các đợt bơm tiền hỗ trợ tài chính dồi dào dành cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, cùng với sự gia tăng thanh khoản và tín dụng gần như không mất phí từ các ngân hàng trung ương có giúp ngăn chặn các mối đe dọa kinh tế do đại dịch gây ra? Hay các biện pháp trên đơn giản chỉ là trì hoãn chúng?

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã công bố một loạt phân tích trong những năm gần đây về hiện tượng “công ty xác sống” (zombie) - những công ty có tốc độ tăng trưởng chậm và triển vọng kém, với lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí lãi vay.

Tháng trước, BIS đã phát hành nghiên cứu xem xét “lỗ hổng phá sản” hiện đang nổi lên trên toàn cầu. Theo đó, số lượng các vụ phá sản kể từ khi đại dịch bắt đầu đã giảm xuống thấp hơn so với dự kiến về “làn sóng thủy triều” có thể xảy ra.

Hiện tượng này được quan sát rõ nét tại Australia. Vào thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng nhất, các khoản trả nợ gốc và lãi suất của hơn 250 tỷ AUD mà những ngân hàng lớn Australia cho các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình vay đã được hoãn lại hoặc tạm đóng băng. Tuy nhiên, hơn 90% các khoản vay này hiện được hoàn trả bình thường theo kế hoạch.

Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) cho biết tình trạng vỡ nợ doanh nghiệp bắt đầu tăng vào cuối năm 2020, song tỷ lệ này vẫn nằm ở mức thấp hơn một nửa so với những năm trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Việc RBA đưa ra các biện pháp tài chính hỗ trợ, đồng thời giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng giá rẻ của những ngân hàng có thể vay vốn từ RBA ở mức lãi suất 0,1%, là lời giải thích rõ ràng nhất cho sự suy giảm số lượng doanh nghiệp cận kề bờ vực phá sản.

BIS lưu ý rằng yếu tố quan trọng nhất gây ra tình trạng phá sản trên toàn cầu là không đủ dòng tiền. Các biện pháp hỗ trợ tài chính và tiền tệ quy mô lớn chưa từng có đã tạo ra nguồn cung tín dụng dồi dào, đóng vai trò hỗ trợ cho dòng tiền. Báo cáo của BIS viết: “Tăng trưởng tín dụng đã ngăn chặn việc các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong ngắn hạn, nhưng đồng thời cũng làm tăng khả năng mắc nợ của các công ty.

Trong một kịch bản lý tưởng, với việc triển khai vaccine trên toàn cầu thành công, mô hình kinh doanh của đại đa số các công ty trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất về cơ bản sẽ tiếp tục ổn định và dòng tiền được hồi phục về mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực, như hàng không, khách sạn, nhà hàng và giải trí vẫn sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính bổ sung để tránh tình trạng vỡ nợ, rủi ro này có thể tăng thêm nếu vaccine ngừa COVID-19 không hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Việc tiếp cận tín dụng trong thời kỳ đại dịch đã trở nên dễ dàng hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008. Nghiên cứu của BIS cho thấy rằng các khoản vay nợ của rất nhiều công ty thua lỗ đã vượt quá số lỗ lũy kế của họ.

Mặc dù khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng đã giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể diễn ra vào năm ngoái, BIS không chắc chắn rằng nguy cơ vỡ nợ có thể tránh hoàn toàn hay đơn giản chỉ đang bị trì hoãn.

Trước đại dịch, BIS ước tính tỷ lệ các công ty zombie trên thị trường niêm yết của các nền kinh tế phát triển vào khoảng 15%, tăng 4% so với thời kỳ trước khủng hoảng tài chính. Tại Australia, Canada và Mỹ (nơi có tỷ lệ các công ty niêm yết trên tổng dân số tương đối cao hơn so với châu Âu hay Nhật Bản) tỷ lệ này cao hơn đáng kể, vào khoảng 25%.

Sự gia tăng các công ty zombie được cho là tác động của các phản ứng chính sách của ngân hàng trung ương đối với cuộc khủng hoảng năm 2008. Các chính sách tiền tệ khi đó đã được triển khai nhằm bơm thanh khoản vào các hệ thống tài chính lớn, với lãi suất giảm xuống mức thấp và được duy trì tại ngưỡng đó cho tới trước khi khủng hoảng do đại dịch COVID-19 xảy ra.

Khuôn khổ chính sách tiền tệ mở rộng và khả năng tiếp cận tín dụng phong phú với mức chi phí cực thấp đã cung cấp “phao cứu sinh” cho những công ty có khả năng phá sản nếu không nhận được sự hỗ trợ. Đại dịch, và cả nguồn cung tín dụng giá rẻ đang tăng “cực đại”, giờ đây có thể tạo ra một lớp zombie khác trên bề mặt nền kinh tế vốn đã ngập tràn các công ty zombie.

Các công ty zombie đầu tư và sử dụng ít nhân lực hơn các công ty “khỏe mạnh”. Những công ty này có năng suất kém và về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến khả năng tái sử dụng nguồn nhân lực và tài chính để tạo ra các hoạt động sản xuất có hiệu quả hơn.

Lãi suất thấp, chính sách cho phép gia hạn nợ của ngân hàng đang làm tăng thêm khoản nợ của các công ty zombie. Các chương trình hỗ trợ tài chính của chính phủ, như chương trình trợ cấp lương JobKeeper của Canberra, đã giúp các công ty này tồn tại. Nhưng điều đó không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn các “thành phần gây hại” cho nền kinh tế mà lại làm tăng thêm số lượng các công ty zombie và gánh nặng nợ quốc gia.

Nguy cơ xảy ra một loạt vụ vỡ nợ gây tổn hại kinh tế nghiêm trọng, nếu lãi suất tăng hay dòng chảy thanh khoản và tín dụng bị chậm lại, có thể hạn chế sự thay đổi chính sách của các ngân hàng trung ương và chính phủ trong vòng vài năm tới, và thậm chí là vài thập kỷ tới.

Điều này xảy ra đồng thời với việc mối đe dọa từ các công ty zombie sẽ lớn dần lên và thâm hụt ngân sách gia tăng. Đây là một bài toán hóc búa mà lời giải có lẽ đang bị trì hoãn, do các chính phủ “gặp khó” trong việc quyết định làm thế nào để không tạo ra hoặc giảm thiểu một cách tốt nhất các tổn thất tiềm tàng./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại