Nguy cơ ô tô nhập khẩu lấn át xe lắp ráp trong nước
Trong bối cảnh hội nhập, nếu không có những chính sách, giải pháp phù hợp thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất về công nghiệp ôtô của Bộ Công Thương, trong những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 5 năm trở lại đây.
Tính đến hết năm 2022, cả nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước.
Về tiêu dùng, lịch sử ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chưa khi nào ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng như năm 2022, khi doanh số toàn thị trường ôtô Việt Nam đạt hơn 500.000 chiếc, xô đổ mọi kỷ lục từng thiết lập.
Theo thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Hyundai Thành Công Việt Nam và VinFast có doanh số tổng đạt 509.141 chiếc. Thậm chí, số lượng xe bán ra có thể cao hơn nhiều do VinFast không thống kê đủ doanh số trong tháng 9 và 10.
Về sản lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ năm 2019 đến nay đã tăng trưởng liên tục. Năm ngoái số xe xuất xưởng tại Việt Nam đạt gần 440.000 chiếc.
“Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản), dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực”, Bộ Công Thương nêu thực tế.
Bên cạnh đó, một thực tế đáng lo ngại là lượng xe nhập khẩu của Việt Nam vẫn còn rất lớn, năm 2022, chúng ta nhập 176.590 xe. Dù số lượng xe nhập khẩu vẫn ít hơn xe sản xuất, lắp ráp trong nước, nhưng lại tăng liên tục trong 5 năm qua, gấp đôi giai đoạn trước năm 2018.
Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40% sẽ tiếp tục được miễn thuế nhập khẩu thêm 5 năm nữa (đến năm 2027). Trong đó, Thái Lan, Indonesia là hai quốc gia xuất khẩu ô tô sang Việt Nam nhiều nhất (chiếm 75% thị phần) đang được miễn thuế nhập khẩu. Điều này khiến xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia có sức cạnh tranh rất lớn tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, xe lắp ráp sản xuất trong nước cũng sẽ phải chịu cạnh tranh với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước, khu vực khác (châu Âu, châu Mỹ theo cam kết của EVFTA, CPTPP) với giá rất cạnh tranh. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI ngoài việc tăng cường nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ kéo theo tăng cường nhập khẩu các linh, phụ kiện, phụ tùng với thuế suất 0%. Đây là xu hướng không có lợi cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và Việt Nam sẽ trở thành thị trường để các quốc gia khác có nền công nghiệp ô tô phát triển hơn như Thái Lan, Indonesia khai thác.
Hầu hết các doanh nghiệp FDI trong VAMA đều có lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu chiếm tỉ trọng lớn, thậm chí tới 80-90% tổng lượng xe bán ra, mặc dù đã đầu tư nhà máy tại Việt Nam từ rất lâu; Cùng với đó là rất nhiều hãng xe của Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam cũng nhập khẩu 100% xe ô tô nguyên chiếc và các hãng xe đang tiếp tục gia tăng nhập khẩu xe vào Việt Nam.
Chưa kể, nhiều nguyên vật liệu trong sản xuất (thép chế tạo, nhựa, chất dẻo) vẫn phải nhập khẩu, làm giảm tính chủ động, cạnh tranh của sản phẩm. Và giá ôtô ở Việt Nam cao hơn Thái Lan, Indonesia, thậm chí Mỹ, Nhật chủ yếu vì thuế, phí.
Bộ Công Thương nhận định, với dự báo nhu cầu ô tô của Việt Nam năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800-900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; Xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỉ lệ nội địa hoá 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.
"Trong bối cảnh hội nhập, Chính phủ và các bộ ngành không kịp thời có những chính sách, giải pháp phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ ngành sản xuất trong nước phát triển, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ xe cho các hãng FDI, toàn bộ thị trường xe con là nhập khẩu", Bộ Công Thương lo ngại.
Để kích cầu trong ngắn hạn, các nhà sản xuất, lắp ráp xe và doanh nghiệp nhập khẩu mới đây đều kiến nghị giảm 50% phí trước bạ trong năm nay. Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giảm phí phù hợp cho xe lắp ráp, sản xuất trong nước.
Về dài hạn, họ mong muốn Chính phủ đưa ra các giải pháp toàn diện để kích cầu, tăng quy mô thị trường thông qua hạ thuế, phí, phát triển hạ tầng giao thông hoặc có chính sách hỗ trợ đặc biệt ngành sản xuất xe trong nước.
Theo Bộ Công Thương, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố, gồm: Quy mô và cơ cấu dân số; Mức thu nhập bình quân đầu người; Và số xe trung bình/1.000 dân. So với các chỉ số này, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn từ nay đến 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận