menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thúy Hằng

Nguy cơ khủng hoảng nợ đang rình rập

Nếu các thị trường mới nổi quan trọng và các nước thu nhập thấp đồng thời phải đối mặt với lãi suất tăng và sự miễn cưỡng của các chủ nợ trong việc đảo nợ thì một cuộc khủng hoảng toàn cầu có thể sẽ nổ ra. Để tránh kịch bản này, một thỏa thuận quốc tế về cách hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn về nợ nần là cần thiết.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết một tỷ lệ đáng lo ngại: 56% các nước thu nhập thấp và 25% các thị trường mới nổi đang "gặp nợ nần ở mức cao hoặc rất cao". Dù một số nước đã thực hiện cải cách để đủ điều kiện vay vốn từ IMF và có triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt, còn nhiều nước vẫn chưa làm được. Khủng hoảng nợ công đang đến gần.

Tín hiệu báo trước khủng hoảng

Trước khi bùng nổ khủng hoảng nợ, tôi nhận thấy thường có một giai đoạn mà các trái chủ gia hạn khoản vay hoặc cấp khoản vay mới với lãi suất ngày càng cao. Không có cách đơn giản nào để xác định khi nào nợ trở nên không bền vững. Các nhà phân tích thường sử dụng tỷ lệ nợ trên GDP, nhưng lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng. Các nước thu nhập thấp với lãi suất ưu đãi có thể có tỷ lệ nợ thấp hơn so với các nền kinh tế thị trường mới nổi, nơi lãi suất cao hơn. Cấu trúc đáo hạn nợ cũng quan trọng: nếu phần lớn nợ sắp đến hạn, áp lực gia hạn sẽ rất lớn.

Việc vay nợ của các nước nghèo là hợp lý, nếu các khoản vay tài trợ cho các hoạt động mang lại lợi nhuận cao cho người vay - những người đã sử dụng nguồn lực của mình để tài trợ cho các hoạt động có giá trị. Vấn đề là, chính phủ ở nhiều quốc gia vay nợ chủ yếu là để tài trợ cho những chi tiêu mang lại lợi nhuận thấp hoặc âm như sân vận động thể thao hay các dự án để gây ấn tượng trong kỳ bầu cử.

Kiểu chi tiêu như vậy, cùng với tình trạng nợ công lớn và thâm hụt ngân sách, có thể khiến các nước cho vay e dè, khiến các quốc gia gặp khó khăn trong việc vay nợ, đặc biệt là trong thời gian lãi suất tăng. Khi trái chủ bắt đầu từ chối gia hạn nợ đến hạn hoặc lãi suất mới quá cao, khủng hoảng nợ sẽ bùng nổ.

Cứu trợ có điều kiện và cải cách kinh tế là then chốt

Đối với nhiều người, giải pháp cho tình trạng nợ nần của các nước đang phát triển dường như rất rõ ràng: giảm nợ cho các nước nghèo để họ dùng tiền thanh toán nợ chuyển hướng sang chi tiêu cho các dịch vụ xã hội như y tế và giáo dục. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, việc phân bổ lại như vậy không phải lúc nào cũng được đảm bảo.

Khi nợ của các nước nghèo nhất thế giới được xóa theo Sáng kiến Cứu trợ các nước nghèo của IMF và World Bank, được khởi xướng vào năm 1996, những cải cách kinh tế cần thiết đã không diễn ra. Đa số các quốc gia này một lần nữa rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất.

Nguy cơ khủng hoảng nợ đang rình rập
Nguồn: Political Cartoons

Giảm nợ chắc chắn là cần thiết. Nhưng việc cho vay, ngay cả với điều kiện ưu đãi, cho các chính phủ không thể hoặc không muốn theo đuổi các chính sách kinh tế lành mạnh, thực tế và thân thiện với doanh nghiệp chỉ đơn giản là tăng thêm nghĩa vụ trong tương lai của họ. Đó là lý do tại sao giảm nợ phải tuân theo các biện pháp cải cách.

Từ Paris Club đến Trung Quốc: Bài toán nợ phức tạp

Đây không phải là một ý tưởng mới. Từ giữa thế kỷ XX, khi các trái chủ của chính phủ thành lập Paris Club để tìm giải pháp cho khó khăn về trả nợ của các nước, họ đã dựa vào IMF để đánh giá triển vọng kinh tế của con nợ và xác định những điều chỉnh chính sách cần thiết để cải thiện hiệu quả kinh tế. Các trái chủ đã nhận ra rằng, nếu không có cải cách, nợ sẽ đơn giản là tích lũy cho đến khi một cuộc khủng hoảng khác nổ ra.

Nhưng một số chính phủ vay nợ nhiều đến mức không có điều chỉnh chính sách hợp lý nào đủ để họ đáp ứng nghĩa vụ trả nợ nếu không có sự "cắt giảm" từ trái chủ. Trong những trường hợp như vậy, các thành viên Paris Club có thể cho phép hoãn trả nợ, qua đó giảm giá trị hiện tại của khoản nợ xuống mức bền vững. Sau khi đạt được thỏa thuận, một khoản vay từ IMF sẽ cho phép quốc gia đó tiếp tục nhập khẩu trong khi các cải cách kinh tế có hiệu lực, dẫn đến tăng trưởng cao hơn.

Trong thập niên 1990, những thay đổi nhằm giải quyết nhanh hơn các vấn đề nợ đã được thực hiện, mặc dù vẫn thường xuyên có chậm trễ và gây tốn kém cho các nước mắc nợ. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ XX, các chính phủ ngày càng vay nợ nhiều hơn từ các nguồn tư nhân. Năm 2010, các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình nợ các trái chủ tư nhân 46% nợ công. Đến năm 2021, con số này đã tăng lên 61%.

Mặc dù vai trò của Paris Club giảm đi nhưng phương pháp của họ vẫn tiếp tục được áp dụng. Khi Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn vào năm 2002, nước này đã thực hiện các cải cách chính sách và nhận được khoản vay từ IMF, nhanh chóng khôi phục tăng trưởng GDP. Cùng thời gian đó, Argentina không thể đáp ứng các nghĩa vụ của mình, do đó nợ của họ phải được tái cấu trúc.

Tuy nhiên, ngày nay, Trung Quốc là một chủ nợ lớn khác và họ từ chối tham gia Paris Club. Các chủ nợ khác thường e ngại tham gia tái cơ cấu nợ nếu Trung Quốc không tham gia, vì họ có thể sẽ phải chịu toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho Trung Quốc. Sri Lanka và Zambia đã phải đối mặt với những chậm trễ trong việc giảm nợ, vì các chủ nợ Trung Quốc từ chối các điều khoản tái cơ cấu nợ được thỏa thuận tại Paris Club, mặc dù IMF đã ủng hộ các chương trình cải cách kinh tế liên quan.

May mắn thay, tình hình tài chính của cả 2 nước đều không thu hút được sự chú ý của giới truyền thông và các chủ nợ tiếp tục cho vay ở các nước khác. Nhưng một số quốc gia, bao gồm Ai Cập, Lebanon, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nền kinh tế nhỏ hơn, tỷ lệ nợ so với xuất khẩu và nợ so với GDP cao. Tại Lebanon, nợ nước ngoài đạt 603% kim ngạch xuất khẩu và 381% tổng thu nhập quốc dân năm 2021.

Nếu các thị trường mới nổi quan trọng và các nước thu nhập thấp đồng thời phải đối mặt với lãi suất tăng và sự miễn cưỡng của các chủ nợ trong việc đảo nợ thì một cuộc khủng hoảng toàn cầu có thể sẽ nổ ra. Để tránh kịch bản này, một thỏa thuận quốc tế về cách hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn về nợ nần là cần thiết, qua đó cho phép IMF giải ngân nhanh và hiệu quả hơn.

Giới thiệu về tác giả Anne O. Krueger

Anne O. Krueger là cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới và cựu Phó giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Bà cũng đồng thời là giáo sư nghiên cứu cao cấp về kinh tế quốc tế tại Đại học Johns Hopkins và là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Phát triển Quốc tế của Đại học Stanford.

Nguy cơ khủng hoảng nợ đang rình rập

Nguồn: Đại học Johns Hopkins

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả