Nguy cơ bùng phát tội phạm từ tiền ảo và tài sản ảo
Theo Báo cáo Tội phạm tiền mã hóa 2022 của Chainalysis, gần 24 tỷ USD tiền mã hóa đã được gửi và nhận bởi các địa chỉ phi pháp trong năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục được ghi nhận từ trước tới giờ, đến từ 3 nguồn chính là các thực thể bị trừng phạt, lừa đảo và tiền bị đánh cắp.
Rủi ro rất lớn của tiền ảo và nguy cơ rửa tiền rất cao
Trong năm 2022, những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực tiền số như sàn giao dịch FTX, Terra, Celsius Network, Voyager Digital, Quỹ đầu tư Three Arrows Capital... đã bị phá sản, thổi bay khoảng 60 tỷ USD tài sản của hàng triệu nhà đầu tư và gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với thị trường tiền mã hóa, đồng thời đặt ra thách thức lớn đối với ổn định tài chính và việc phòng chống tội phạm trên không gian mạng. Ngăn chặn hoạt động phi pháp cũng như hạn chế rủi ro trong lĩnh vực tài sản ảo, là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của các quốc gia.
Tài sản ảo (VA) có thể hiểu là các tài sản phi vật lý như tiền mã hóa, tiền ảo, token... Còn các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) là các tổ chức, cá nhân cung cấp tất cả các dịch vụ, hoạt động liên quan đến lưu ký, giao dịch, chuyển đổi các tài sản ảo.
Theo báo cáo của Boston Consulting Group, BCG, năm 2022, quy mô tài sản tiền mã hóa toàn cầu ước đạt 600 tỷ USD và khối lượng tiền được giao dịch đến các địa chỉ phi pháp đạt gần 24 tỷ USD. Những vụ việc này đặt ra quan ngại về giá trị tài sản mã hóa bị lạm dụng cho hoạt động của giới tội phạm, và ngày càng gia tăng nếu các hành lang pháp lý của từng quốc gia và cơ chế phối hợp toàn cầu không được sớm hoàn thiện.
Ông Trần Việt Hùng, nguyên Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Cố vấn cấp cao Hiệp hội Blockchain (VBA) Việt Nam, cho biết sự phát triển của ngành công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã mở ra một kỷ nguyên mới về công nghệ, được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mang lại những lợi ích về kinh tế, xã hội, nhưng cũng tạo ra các thách thức trong công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới, tội phạm công nghệ cao.
Thực tế cũng cho thấy, chỉ tính riêng một “máy trộn” (Mixer) có tên Tornado Cash, đã bị giới chức Mỹ cáo buộc “rửa” hơn 7 tỷ USD tiền mã hóa kể từ khi thành lập vào năm 2019 đến khi bị phong tỏa vào năm 2022. Một máy trộn khác có tên là ChipMixer, cũng đã bị các cơ quan pháp luật Đức và Mỹ cùng cảnh sát châu Âu Europol triệt phá hồi đầu năm nay. Theo đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đã có lệnh truy nã Nguyễn Quốc Minh, nguyên quán tại Quảng Bình, bị cáo buộc điều hành ChipMixer và rửa tiền lên đến 3 tỷ USD.
Tại Hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa”, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và VBA tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA đã phát biểu: “Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng cùng với sự bùng nổ công nghệ, chúng ta phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền mã hóa - nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ. Những năm gần đây tiền mã hóa được sử dụng để thanh toán, song không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này”.
Không có khuôn khổ pháp lý thì xử lý cũng rất khó
Theo ông Trần Việt Hùng, do Việt Nam chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào quản lý, kiểm soát VA và VASP còn rất hạn chế. Dù nhiều vụ tranh chấp, tố cáo liên quan đến VA và VASP đã diễn ra, nhưng mới chỉ có 2 vụ việc được tòa án thụ lý và xét xử.
Trong đó, gần nhất là vụ cướp 37 tỷ đồng tiền Bitcoin trên đường cao tốc và kẻ chủ mưu đã bị tuyên phạt tù chung thân. Tuy nhiên, các phán quyết đều không công nhận Bitcoin là tài sản, vì chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức để xét xử hành vi liên quan đến loại tài sản này.
Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA, tiền ảo là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng tại Việt Nam, nhưng khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 và mức độ chấp nhận tiền ảo đứng đầu thế giới. VA và VASP được khá nhiều người dùng Việt Nam chấp nhận trong các thanh toán cá nhân, giao dịch nội bộ.
Nhiều nhóm kêu gọi đầu tư, đào (mining), mua bán, trao đổi, giao dịch hoặc tiết kiệm thông qua VA xuất hiện công khai trên các mạng xã hội, tại các khu vực công cộng và đã len lỏi vào các trường đại học...
Theo số liệu từ Chainalysis, được Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ trong chương trình tập huấn tại Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam vào cuối tháng 8 cho các chánh án các tỉnh thành trong cả nước, cho biết từ tháng 10-2021 đến 10-2022, tổng giá trị VA Việt Nam nhận về là 90,8 tỷ USD, trong đó các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.
Để phòng chống rửa tiền qua tiền mã hóa hiệu quả, cần nhận diện VA và VASP một loại tài sản. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý ban hành các quy định tiếp theo trong hàng loạt vấn đề, nhằm sớm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám. Trong lúc chờ các quy định quản lý loại hình tài sản mới này, nếu nhà đầu tư vẫn muốn tham gia cần tự trang bị kiến thức về nền tảng công nghệ blockchain, các ứng dụng thực tế, ưu nhược điểm cũng như rủi ro khi đầu tư vào các sản phẩm ứng dụng công nghệ như token, defi, giao dịch phái sinh…
Theo Báo cáo BCG, tổng giá trị tài sản mã hóa toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh và được dự báo sẽ tăng hơn 26 lần từ năm 2022, đạt mức 16.000 tỷ USD vào năm 2030, tương đương 10% GDP thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường