24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nguy cơ 58.000 tỷ đồng nợ xấu từ 34 dự án điện chuyển tiếp

Theo các chủ đầu tư, nếu cơ chế mới (do Bộ Công thương ban hành, hướng dẫn) được áp dụng, 34 dự án điện tái tạo chuyển tiếp với tổng vốn đầu tư gần 85 nghìn tỷ đồng (trong đó có khoảng 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ ngân hàng) sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu…

Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 10/3 vừa qua, 36 nhà đầu tư (có các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp) kiến nghị về việc khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Điển hình ghi nhận một số tên tuổi khá quen mặt trong giới phát triển điện năng lượng tái tạo như: Tập đoàn Tài Tâm, Nexif Energy, Pacifico Energy Việt Nam, Asia Energy, Tân Hoàn Cầu, HBRE…

Bằng phân tích cụ thể các điểm chưa phù hợp trong việc ban hành cơ chế giá phát điện (Quyết định 21 ngày 7/1/2023 và Thông tư 01 ngày 19/1/2023 của Bộ Công thương), các nhà đầu tư đề xuất Thủ tướng xem xét chỉ đạo Bộ Công thương hàng loạt nội dung liên quan nhằm đem lại an tâm, tin tưởng từ các nhà đầu tư nói chung vào sự bình ổn của chính sách Nhà nước, góp phần thúc đẩy và thu hút đầu tư, xây dựng cơ chế năng lượng tái tạo lành mạnh, cạnh tranh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Tính tới tháng 3/2023, ghi nhận 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất khoảng 2.091MW (gồm 28 dự án điện gió có tổng công suất khoảng 1.638MW và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62MWac) đã hoàn tất thi công, hoàn thiện thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động.

Đây là 34 trường hợp thuộc danh mục 84 dự án với tổng công suất khoảng 4.677MW (4.185MW điện gió và 492MWac điện mặt trời) rơi vào tình trạng chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) so với kế hoạch. Việc chậm tiến độ này làm cho các dự án không kịp hưởng giá điện cố định (FIT) theo Quyết định 39 năm 2018 và Quyết định 13 năm 2020 của Thủ tướng.

Sau một thời gian chờ đợi, các chính sách áp dụng cho các dự án chuyển tiếp gần đây đã được Bộ Công thương ban hành theo các văn bản gồm: Thông tư 15 ngày 3/10/2022, Quyết định 21 và Thông tư 01 hồi tháng 1/2023 vừa qua.

Tuy nhiên, trái với mong chờ, các nhà đầu tư bày tỏ lo lắng cho các điểm bất cập về pháp lý cũng như hiệu quả tài chính về các quy định tại Quyết định 21 và Thông tư 01, thậm chí làm cho nhà đầu tư có thể lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản.

Đặc biệt, các văn bản trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mục tiêu phát triển bền vững mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã đề ra. Cơ chế giá phát điện thiếu hợp lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, giảm khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài do sự thiếu ổn định chính sách phát triển năng lượng sạch; cũng như ảnh hưởng tới hệ thống tài chính – ngân hàng.

Nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng, sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn.

"Về lâu dài, cơ chế giá không đạt hiệu quả sẽ dẫn đến việc dừng hoặc chậm đầu tư các dự án năng lượng, dẫn tới không đảm bảo an ninh năng lượng, không thực hiện được các chính sách và cam kết về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải carbon và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ, đồng thời làm suy giảm cơ hội tạo chuỗi cung ứng nội địa và tạo việc làm cho người dân địa phương", nhóm 36 nhà đầu tư nhấn mạnh.

Nhằm bảo đảm việc ban hành cơ chế giá phát điện cho dự án chuyển tiếp phù hợp với quy định pháp luật hiện hành cũng như tạo môi trường thu hút nhà đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu và thực hiện một số nội dung như: Tính toán lại khung giá điện tại Quyết định 21 theo đúng quy định tại Thông tư 15; Ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về Hợp đồng mua bán điện cho các dự án chuyển đổi; Cho phép huy động công suất các nhà máy đã hoàn tất xây dựng (khoảng 2091MW); Thúc đẩy hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

"Việc áp dụng một cơ chế giá điện không phù hợp với tình hình thực tiễn của các doanh nghiệp lẫn định hướng, chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Nhà nước sẽ khiến các nguồn điện có tiềm năng lớn như điện mặt trời và điện gió bị đóng băng và vẫn chỉ là tiềm năng, dẫn đến không thể đạt được mục tiêu về chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon, ảnh hưởng tới việc đạt mục tiêu cam kết net zero vào năm 2050 và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ", tập thể nhà đầu tư khẳng định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả