24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bùi Anh Thơ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nguồn lực nào cho gói hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ vừa được Quốc hội thông qua?

Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức 10% (còn 8%), hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua các ngân hàng thương mại,...

Theo chương trình kỳ họp bất thường, chiều nay 11/1, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV chiều 11/1, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở 365 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ, 50 đại biểu phát biểu tại hội trường và 3 ý kiến tranh luận.

Điều chỉnh bổ sung đối tượng mục tiêu gói hỗ trợ tiền thuê nhà

Trong nội dung chính sách tài khóa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động "có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm".

Theo dự thảo Nghị quyết ban đầu, Chính phủ đề xuất bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần làm rõ thêm đối tượng mục tiêu của gói này. Cụ thể, đại biểu Phan Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp đề xuất: "Cần nói rõ đối tượng lao động là đối tượng nào để tránh mỗi nơi tùy tiện hỗ trợ, người được hỗ trợ, người không được, như công nhân, sinh viên, người lao động thu nhập thấp".

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng: "Kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, đề nghị áp dụng cả về lao động chính thức và lao động ở khu vực phi chính thức. Hiện nay dự thảo đang đề xuất dành khoảng 6,6 nghìn tỷ và chỉ dành cho khu vực lao động chính thức là chưa phù hợp".

Trong nội dung chính sách tiền tệ, sửa đổi, bổ sung nội dung: "Nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn"; tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, "trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế".

Trong nội dung chính sách miễn, giảm thuế, bổ sung một số mặt hàng không được áp dụng mức giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như: "Công nghệ thông tin; chứng khoán; các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt". Ngoài ra sửa đổi, bổ sung nội dung: Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam "cho kỳ tính thuế năm 2022".

Liên quan đến các chính sách khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung: "Giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp".

Về nội dung tác động từ Chương trình, theo đề xuất của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung tại Điều 1 và Điều 2 của dự thảo Nghị quyết: "Đề nghị đánh giá rõ hơn tác động của Chương trình; xây dựng các kịch bản về lạm phát, nợ xấu và các giải pháp dự phòng rủi ro". Ngoài ra, Ủy ban giao Chính phủ điều hành, theo dõi chặt chẽ các chỉ số vĩ mô để có giải pháp kịp thời, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, trong đó đặc biệt chú trọng đến các chỉ tiêu về lạm phát, nợ xấu…

Nguồn lực nào cho gói hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ vừa được Quốc hội thông qua?
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết. (Ảnh: QH)

Đề nghị không tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, không nâng mức giảm thuế GTGT

Phản hồi đề nghị bổ sung nội dung tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, lấy dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025 làm thí điểm; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ không thể đẩy nhanh tiến độ dự án do chưa xác định được phạm vi giải phóng mặt bằng để bàn giao cho địa phương. Do vậy đề nghị Quốc hội giữ nguyên nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên lưu ý Chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng Đề án thí điểm tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.

"Công tác giải phóng mặt bằng của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được tách thành các dự án độc lập sau khi đã xác định được phạm vi giải phóng mặt bằng và giao cho các địa phương triển khai thực hiện, tuy nhiên, công tác tổ chức thực hiện, giải phóng mặt bằng còn chậm" Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh viện dẫn.

Về ý kiến cho rằng mức giảm thuế GTGT 2% còn thấp, đề nghị giảm ở mức 3%; giảm từ 2-5% thuế GTGT đối với một số mặt hàng; Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định mức giảm 2% thuế suất thuế GTGT là phù hợp nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và bảo đảm trong điều kiện hỗ trợ của NSNN, do vậy đề xuất Quốc hội giữ nguyên nội dung như dự thảo Nghị quyết.

Về đề nghị làm rõ căn cứ xác định mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm, quy định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, mục đích hỗ trợ, cơ chế kiểm soát, điều kiện thụ hưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết mức hỗ trợ lãi suất được xác định trên cơ sở mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân trên thị trường (mức chênh lệch hiện tại khoảng 4%), do vậy mức hỗ trợ lãi suất 2% là phù hợp với khả năng của NSNN, tránh được tình trạng trục lợi chính sách; việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất được giao cho Chính phủ thực hiện. Do vậy đề xuất Quốc hội giữ nguyên nội dung như dự thảo Nghị quyết.

Liên quan đến đề nghị thực hiện bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó tiếp cận, đáp ứng điều kiện vay vốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Nghị quyết đã có nhiều nội dung hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp như giảm, giãn, hoàn thuế, phí, tiền thuê đất...; đồng thời Nghị quyết đã giao Chính phủ tiếp tục cải cách thủ tục cho vay, thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn. Do vậy đề nghị Quốc hội không bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết.

Về ý kiến đề nghị ưu tiên đầu tư hạ tầng khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các tỉnh phía Nam, bố trí vốn cho các một số tuyến đường cao tốc, quốc lộ trên địa bàn một số địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay Nghị quyết trình Quốc hội thông qua không có danh mục các dự án cụ thể. Chính phủ ghi nhận các ý kiến và sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án thuộc Chương trình trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn của Chương trình được nêu tại dự thảo Nghị quyết, sau đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn theo quy định.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét đề nghị giữ nguyên một số nội dung khác liên quan đến chính sách ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội hay tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng NN&PTNT.

Ngoài ra, liên quan đến 3 cơ chế đặc thù mà Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến tiếp thu, sửa đổi, bổ sung theo hướng đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô vốn lớn thuộc Chương trình phục hồi.

Nguồn lực ở đâu?

Để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế, cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng), theo nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Với số bội chi như trên, nghị quyết yêu cầu cụ thể, năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định; năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định.

Nhu cầu nguồn lực cần được tính toán cụ thể trên cơ sở tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương và khả năng giải ngân để xây dựng phương án huy động phù hợp từng thời điểm thông qua các công cụ.

Như, phát hành trái phiếu Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ và bảo đảm các cân đối lớn; phù hợp với khả năng trả nợ, giải ngân, khả năng hấp thụ của nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Ưu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước bằng nội tệ, kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm trong 2 năm 2022 và 2023. Trường hợp cần thiết phát hành bằng ngoại tệ, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi triển khai;

Vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ cân đối ngân sách;

Nghị quyết cho phép, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước hằng năm hoặc các nguồn khác theo quy định; cho phép phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Quốc hội cũng yêu cầu đẩy mạnh các biện pháp khác để khai thác các nguồn lực, thông qua sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực trong các kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tiết kiệm, tiết giảm tối đa các khoản chi, điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi trong phạm vi thẩm quyền.

Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, triển khai hóa đơn điện tử, tận dụng các dư địa tăng thu ngân sách nhà nước, nhất là dư địa tăng thu đối với các giao dịch số xuyên biên giới và các dịch vụ trên nền tảng số đang được cung cấp cho người tiêu dùng tại Việt Nam; triệt để thu hồi các khoản kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai.

Sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp để huy động thêm nguồn lực thực hiện Chương trình; xây dựng phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng để kịp thời áp dụng trong thời gian thực hiện Chương trình; đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, nguồn vốn từ tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội; rà soát lại các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, năng lực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để có kế hoạch huy động, sử dụng phù hợp; nghiên cứu có giải pháp huy động nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho Ngân hàng Chính sách Xã hội; quan tâm lồng ghép hiệu quả và đẩy nhanh giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư y tế cơ sở tại các địa phương.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả