Nguồn cung thiếu hụt sau bão Yagi, lãi ròng của Tập đoàn Dabaco (DBC) có thể tăng gấp 18 lần
Tập đoàn Dabaco (mã cổ phiếu DBC) vừa cho biết chi phí sản xuất mảng chăn nuôi heo hiện chỉ còn từ 48.000 - 50.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức giá heo hơi hiện nay trên thị trường.
Thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão Số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại đáng kể đối với hoạt động chăn nuôi ở khu vực phía Bắc, với hơn 20.000 con heo và bò bị tiêu huỷ, cùng với đó là nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao ở các khu vực bị ngập lụt.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng con số đàn heo thiệt hại thực tế cao hơn nhiều lần so với thống kê do các khó khăn trong việc thu thập dữ liệu và nhiều địa phương vẫn đang phải khắc phục hậu quả bão lũ.
“Có những trại 5.000 con ở Yên Bái, Lào Cai bị xoá sổ. Điều tương tự cũng xảy ra ở Thái Bình. Tôi e ngại rằng con số có thể lên tới hàng trăm nghìn con. Ngoài ra, nếu sắp tới đây công tác vệ sinh không làm tốt nguy cơ cao các dịch bệnh nguy hiểm đối với heo như dịch tả Châu Phi sẽ bùng phát, khiến đàn heo còn hao hụt tiếp. Khả năng cao, sắp tới nguồn cung sẽ giảm”, ông Nguyễn Văn Trọng nói.
Diễn biến giá heo hơi (đồng/kg) tại Việt Nam và Trung Quốc kể từ đầu năm 2023 đến nay.
Ông đánh giá rủi ro thiếu hụt nguồn cung heo cho dịp Tết Nguyên đán là hiện hữu. Trong đợt mưa bão vừa qua, nhiều hộ đang nuôi lứa heo để chuẩn bị cho Tết nhưng phần nhiều trong số này thiệt hại. Để nuôi heo thương phẩm, cần ít nhất 5 tháng, nhưng hiện tại đã bước sang tháng 9 (âm lịch), do đó việc tái đàn trở lại phục vụ cho dịp Tết là thách thức lớn khi việc khôi phục các hệ thống chuồng trại đòi hỏi nhiều thời gian và đối mặt các rủi ro.
Nguồn cung bị thiếu hụt đột ngột do đàn heo bị thiệt hại sau đợt mưa lũ đã đẩy giá heo hơi tăng trở lại, đặc biệt là tại miền Bắc. Hiện giá heo hơi trên cả nước đang ở quanh mức 70.000 đồng/kg - mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Hiện nhiều hãng chứng khoán nhận định giá heo hơi khó có thể giảm xuống trong những tháng tới đây, thậm chí có thể tiếp tục tăng hơn nữa tại thời điểm sát Tết Nguyên đán (nửa cuối tháng 1/2025). Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp chăn nuôi khép kín, quy mô lớn như Tập đoàn Dabaco (mã cổ phiếu DBC), Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF)…
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DBC của Tập đoàn Dabaco kể từ đầu năm 2024 đến nay.
Trong đó, theo cập nhật mới đây của SSI Research, ban lãnh đạo Tập đoàn Dabaco cho biết đàn heo của công ty vẫn tương đối an toàn sau bão Yagi. Đồng thời, việc thử nghiệm nội bộ thành công vaccine Dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại các đơn vị chăn nuôi đã giúp kiểm soát cơ bản dịch bệnh, góp phần thúc đẩy năng suất sinh sản đàn lợn nái được nâng cao, cá biệt có đơn vị đạt 33-35 con/nái/năm – mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn.
Đáng chú ý, ban lãnh đạo Tập đoàn Dabaco cũng tiết lộ, với việc nhập khẩu giống heo mới từ Pháp, chi phí sản xuất trung bình hiện chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg, thậm chí một số điểm trại ở tỉnh Thanh Hoá ghi nhận mức chi phí chỉ ở mức 48.000 đồng/kg, thấp hơn 10 - 12% so với mức 55.000 đồng/kg vào năm 2022.
Qua đó, mở ra dư địa đáng kể cho việc gia tăng lợi nhuận mảng chăn nuôi heo của Tập đoàn Dabaco trong thời gian tới. Dựa trên điều kiện thị trường hiện nay, SSI Research dự phóng doanh thu nửa cuối năm nay của Tập đoàn Dabaco sẽ đi ngang so với cùng kỳ năm 2023, đạt 5.300 tỷ đồng, nhưng lãi ròng có thể tăng gấp hơn 12 lần, đạt 254 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2024, doanh thu của Tập đoàn Dabaco có thể đạt 11.700 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2023, và lãi ròng đạt 472 tỷ đồng, tăng gấp 18 lần so với năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận