Nguồn cung cổ phiếu ồ ạt, thị trường liệu có mất cân bằng?
Dòng tiền từ kênh tiền gửi ngân hàng (do lãi suất thấp), từ các nhà đầu tư F0 và các doanh nghiệp tham gia “đánh quả” chứng khoán, đã góp phần thúc đẩy đà tăng giá của thị trường cổ phiếu trong những tháng qua. Tuy nhiên, liệu nguồn vốn mới này có hấp thụ nổi lượng cung cổ phiếu ồ ạt trong thời điểm hiện nay cũng như giai đoạn tới hay không?
Ngập cung
Chỉ trong nửa đầu tháng 10, đã có thêm 697 triệu cổ phiếu ngân hàng được niêm yết chính thức trên sàn UpCom, gồm hơn 389 triệu cổ phiếu NAB của Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Nam Á giao dịch đầu tiên vào ngày 9-10 và 308 triệu cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương chính thức giao dịch chưa đầy một tuần sau đó. NAB và SGB cũng là ngân hàng thứ hai và thứ ba lên sàn từ đầu năm đến nay, sau Ngân hàng TMCP Bản Việt với hơn 317 triệu cổ phiếu BVB lên sàn UpCom từ tháng 7.
Mọi việc chưa dừng ở đó, khi NAB và SGB mới là hai thương vụ mở màn cho quí 4 theo kế hoạch lên sàn của các ngân hàng. Kế tiếp sẽ là gần 1,18 tỉ cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam và 877 triệu cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông, khi hai ngân hàng này cũng đã gửi hồ sơ đăng ký niêm yết lên sàn HOSE vào ngày 8 và 9-10 vừa qua. Ngoài ra, 350 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Á có thể cũng sẽ sớm được niêm yết trên UpCom.
Nguồn cung cổ phiếu tràn ngập không chỉ đến từ các thương vụ lên sàn của ngân hàng, mà còn từ việc các doanh nghiệp thời gian qua chuyển sang chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì bằng tiền mặt như từ trước đến nay, do tình hình hoạt động khó khăn vì dịch bệnh. Ngay cả các ngân hàng dù vẫn báo cáo lợi nhuận có sự tăng trưởng, nhưng cũng được yêu cầu chỉ nên chia cổ tức bằng cổ phiếu (nếu được phép), nhằm dành nguồn lực để tiết giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế và doanh nghiệp.
Mới đây, với việc Nghị định 121/2020/NĐ-CP được ban hành, nhóm ngân hàng TMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ như VietinBank (CTG), Vietcombank và BIDV sẽ được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn thặng dư nhằm tăng vốn điều lệ trong thời gian tới. Đáng lưu ý là ngay sau đó VietinBank đã nhanh chóng xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại của các năm 2017, 2018 và 2019.
Trong khi đó, tận dụng thị trường đang trên đà phục hồi ấn tượng từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã đặt ra những kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, nhằm cải thiện năng lực tài chính, bổ sung dòng tiền hoạt động để ứng phó với những khó khăn, bất ổn hiện nay cũng như trong thời gian tới. Đáng lưu ý là không ít trong số này có cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá 10.000 đồng, nhưng vẫn tự tin đưa ra kế hoạch tăng vốn khủng.
Một nguồn cung cổ phiếu lớn khác đến từ các thương vụ cổ phần hóa, lên sàn hoặc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, dù tiến độ diễn ra khá chậm so với kế hoạch. Đáng lưu ý là với các thương vụ thoái vốn tại những doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn, dù không phát hành thêm cổ phiếu mới, nhưng cũng đòi hỏi phải có lượng tiền không nhỏ từ phía các nhà đầu tư để hấp thụ lượng bán ra của Nhà nước.
Có hấp thụ hết?
Nguồn cung cổ phiếu gia tăng mạnh từ việc các doanh nghiệp ồ ạt lên sàn, hay phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn, là một trong những tín hiệu để xác định thị trường có đang ở giai đoạn đỉnh điểm hay không. Khi nhà đầu tư bội thực với lượng cung cổ phiếu tăng thêm quá lớn, trong khi dòng vốn đầu tư hạn chế, thị trường sẽ bị kéo đi xuống là điều dễ hiểu.
Đơn cử như 2017-2018, giai đoạn thị trường tăng trưởng cao trào và góp phần thúc đẩy một loạt ngân hàng TMCP lên sàn, như VPBank, VIB, Techcombank, HDBank, LienVietPostBank,... hệ quả là các chỉ số chứng khoán sau khi thiết lập đỉnh cao mới trong tháng 4-2018 đã quay đầu và bước vào xu hướng giảm giá từ đó đến nay.
Dĩ nhiên, việc doanh nghiệp lên sàn hay có kế hoạch tăng vốn cũng được xem là chất xúc tác thúc đẩy giá cổ phiếu của doanh nghiệp đi lên. Như một số cổ phiếu thị giá thấp vừa qua đã tăng giá mạnh mẽ khi nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu ít nhất sẽ được đánh lên, kéo về lại mệnh giá nếu như doanh nghiệp muốn phát hành tăng vốn thành công.
Hay như trường hợp của cổ phiếu CTG đã tăng mạnh hơn 50% chỉ trong vòng hai tháng qua, đặc biệt tăng gần 15% chỉ trong tuần vừa qua sau khi có tin sẽ được tăng vốn.
Trong khi đó, việc các cổ phiếu ngân hàng lên sàn định giá ở mức cao cũng buộc thị trường định giá lại cổ phiếu những ngân hàng đã niêm yết từ lâu nhưng đang có giá giao dịch quá thấp. Đó cũng là lý do đằng sau đà tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu ngân hàng trong hai tháng qua.
Dù vậy, chất xúc tác này thường chỉ có tính chất ngắn hạn, khi mà nguồn cung quá lớn không chỉ khiến cổ phiếu bị pha loãng mà còn thúc đẩy nhiều nhà đầu tư lựa chọn thoát ra do lo ngại động lực tăng giá sẽ không còn. Như trong trường hợp doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư thường bán ra khi giá cổ phiếu đã tăng mạnh mà không cần đợi nhận cổ tức, vì phải mất thời gian đợi cổ phiếu về tài khoản và trong khoảng thời gian đó giá cổ phiếu biến động sẽ rất khó lường.
Đối với doanh nghiệp tăng vốn, quá khứ cho thấy nhiều nhà đầu tư ngậm phải trái đắng khi đu theo “game” tăng vốn, vì sau đó doanh nghiệp tăng vốn không thành công đã đẩy cổ phiếu vào tình trạng bị bán tháo. Còn đối với cổ phiếu niêm yết mới trên sàn, không ít trường hợp chứng kiến giá cổ phiếu bị kéo sâu so với mức giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên, mà trường hợp của SGB mới đây là một ví dụ.
Với các phân tích này, liệu nguồn vốn mới nói trên có hấp thụ nổi lượng cổ phiếu được đưa ra ồ ạt trong thời điểm hiện nay cũng như giai đoạn tới hay không?
Đó là chưa nói đến việc dòng tiền nội vẫn đang phải căng mình ra làm bệ đỡ trước xu hướng bán ròng không dứt của khối ngoại suốt từ đầu năm đến nay, nếu không kể những giao dịch thỏa thuận lớn diễn ra tại một vài doanh nghiệp lớn.
Về lâu dài, nếu lãi suất duy trì ở mức thấp kỷ lục như hiện nay hoặc thậm chí có thể giảm thêm, dòng tiền gửi từ kênh ngân hàng sẽ tiếp tục chuyển dịch tìm kiếm các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán. Tuy nhiên, lộ trình này có lẽ sẽ chỉ diễn ra từ từ, trong khi lượng cung cổ phiếu nếu tăng quá nhanh trong thời điểm này dẫn đến cung cầu thị trường mất cân bằng là điều có thể thấy trước.
Khi đó, thị trường chứng khoán có thể chịu áp lực điều chỉnh. Bên cạnh đó, kênh đầu tư này sẽ tiếp tục chịu tác động lớn bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới, khi đó nhu cầu đầu tư an toàn sẽ quay trở lại và khiến sự chuyển dịch vốn giữa các kênh đầu tư có thể tạm thời chững lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận