24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chu Thị Thanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Người Trung Quốc tiết kiệm 2.6 ngàn tỷ đô trong năm 2022

Bị kìm chân ở nhà trong bối cảnh bị phong tỏa, người dân Trung Quốc đã tiết kiệm kỷ lục 2.6 ngàn tỷ đô trong năm 2022.

Giờ thì khi cuộc sống đã trở lại bình thường, nhiều chuyên gia nuôi hy vọng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ bật trạng thái “chi tiêu trả thù”, qua đó mang lại cú huých cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cả tăng trưởng toàn cầu.

Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), tiền tiết kiệm của các hộ gia đình nước này tại các ngân hàng đã lên tới 17,840 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2,600 tỷ USD) trong năm 2022, chiếm hơn 1/3 tổng thu nhập.

Chi tiêu bùng nổ

Khi các biện pháp kiểm soát dịch được gỡ bỏ, người dân Trung Quốc dường như đang chi tiêu thoải mái. Số lượng đặt phòng khách sạn, vé xem phim và doanh số ở các nhà hàng đều tăng bùng nổ trong dịp lễ gần đây.

Sự trỗi dậy của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ là “một câu chuyện đầy hào hứng” cho nhà đầu tư toàn cầu trong năm 2023, ông Swetha Ramachandran và ông Jian Shi Cortesi - hai giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản GAM Investments (Thụy Sỹ) - cho biết.

"Người tiêu dùng Trung Quốc trở lại cuộc sống bình thường với nguồn tài chính dồi dào”, hai vị chuyên gia nhận định, đồng thời nói thêm các thương hiệu xa xỉ toàn cầu và những ngành hàng không thiết yếu giờ đây sẽ hưởng lợi đáng kể.

Theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, hơn 300 triệu du khách đã chi tổng cộng 56 tỷ USD trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, tăng 30% so với cùng kỳ 2022. Còn theo Cục Quản lý Thuế, doanh số từ các doanh nghiệp hàng tiêu dùng cũng cao hơn 12% so với mức trước dịch của năm 2019.

Công ty du lịch trực tuyến Tongcheng Travel ghi nhận lượng đặt phòng khách sạn đã tăng hơn 10 lần tại một số điểm hấp dẫn như Tây An và Lạc Dương. Bảo tàng Đội quân đất nung tại Tây An thậm chí còn đông đến mức du khách phàn nàn rằng họ chỉ có thể nhìn thấy đầu người khác chứ không thấy tượng.

Các nhà hàng ghi nhận doanh số cao hơn so với trước đại dịch và còn không xoay xở kịp vì nhu cầu tăng quá nhanh, theo một khảo sát khác nữa do Hiệp hội Ẩm thực Trung Quốc công bố tuần trước. Hơn 1/3 doanh nghiệp trả lời trong khảo sát rằng họ "thiếu nhân lực trầm trọng" trong mùa Tết.

Bên cạnh du lịch, nhiều hoạt động giải trí khác như xem phim cũng bùng nổ trở lại. Theo Cục Điện ảnh Trung Quốc, tổng doanh thu phòng vé nước này trong Tết đạt hơn 1.5 tỷ USD với 129 triệu lượt khách đến rạp phim.

Tràn trề hy vọng

Tuần trước, chỉ số PMI của Caixin – vốn theo dõi hoạt động của lĩnh vực dịch vụ - trở lại phạm vi tăng trưởng trong tháng 1/2023, lần đầu tiên trong 5 tháng. Điều này chủ yếu là do du lịch và chi tiêu tiêu dùng hồi phục mạnh.

Trước đó, chỉ số PMI do Chính phủ Trung Quốc công bố cũng cho thấy sự tăng trưởng trở lại.

Chi tiêu bùng nổ đã thúc đẩy niềm tin kinh doanh trở lại. Sau khi chứng kiến doanh số kỷ lục tại nhiều cửa hàng, Xiabuxiabu - một trong những chuỗi lẩu lớn nhất Trung Quốc - đã mở thêm 34 cửa hàng mới vào tháng trước.

Các gã khổng lồ hàng xa xỉ toàn cầu cũng rất kỳ vọng vào nước này, với LVMH tin rằng thị trường hàng xa xỉ Trung Quốc sẽ phục hồi trong năm nay. CEO LVMH Bernard Arnault thậm chí còn cho biết các cửa hàng ở Pháp đã sẵn sàng chào đón khách Trung Quốc. Trong khi đó, Burberry cũng nhận thấy những dấu hiệu "rất hứa hẹn".

Doanh số bán nhà của 100 công ty phát triển nhà ở lớn nhất Trung Quốc đã giảm 32% trong tháng 1/2023, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Thông tin Bất động sản Trung Quốc (CREI). Ở 30 thành phố lớn nhất Trung Quốc, doanh số bất động sản chỉ tương đương 60% cùng kỳ.

Các hộ gia đình Trung Quốc tỏ ra lưỡng lự về quyết định mua nhà trong hơn 1 năm qua, khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đà giảm của giá nhà ở và tỷ lệ thất nghiệp leo thang gây nản lòng những người mua nhà.

Bất chấp việc tung ra hàng loạt biện pháp kích thích, đà giảm vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Vào tháng 12/2022, giá nhà ở đã giảm 16 tháng liên tiếp, theo số liệu thống kê từ Chính phủ Trung Quốc.

Vì bất động sản chiếm 70% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc, “chi tiêu trả thù” (revenge spending) sẽ ở mức hạn chế, các chuyên viên phân tích cho biết.

“Ngành bất động sản tiếp tục kìm hãm kinh tế Trung Quốc”, Raymond Yeung, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ANZ Research, cho biết. Ông cũng nói thêm tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhóm người trẻ và sự suy giảm của giá tài sản sẽ kìm hãm đà hồi phục về tiêu dùng của Trung Quốc.

Hiện ngân hàng BNP Paribas cho biết hoạt động "mua sắm bù" ở Trung Quốc chắc chắn sẽ xảy ra, dù quy mô có nhỏ hơn các nền kinh tế phương Tây khác.

"Việc gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch sẽ giải phóng nhu cầu bị dồn nén. Chúng tôi kỳ vọng động lực lớn nhất cho sự phục hồi năm 2023 là tiêu dùng", BNP Paribas nhận định.

Ngân hàng này đặt mức kỳ vọng tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình tại Trung Quốc sẽ là 9.5% trong năm nay - gấp 3 lần năm ngoái - và giúp kéo tăng trưởng GDP lên trên 5%.

Trong khi đó, Morgan Stanley dự báo hoạt động mua sắm bù chỉ diễn ra với các hộ gia đình có thu nhập ổn định và tiêu dùng sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế cả năm là 5.7%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả