menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thùy Linh

Người tiêu dùng Mỹ, “trụ đỡ” cho kinh tế toàn cầu, đang lung lay?

Nhờ sức chi tiêu vững mạnh của người tiêu dùng trong nước, cho đến nay kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng ổn định, qua đó giúp nền kinh toàn cầu chống đỡ nguy cơ suy thoái.

Song khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đứng trước nguy cơ suy yếu, các nhà kinh tế đang nghi ngờ khả năng người tiêu dùng Mỹ tiếp tục thoải mái mở hầu bao. Nếu như người dân Mỹ thắt chặt chi tiêu, con đường tiến đến cơn suy thoái đầu tiên ở Mỹ trong một thập kỷ sẽ gần hơn.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp, lương người lao động tăng và tín dụng dễ dàng đã tạo cho người tiêu dùng Mỹ niềm tin và khả năng chi tiêu trong những tháng gần đây dù cuộc chiến thương mại với Trung Quốc leo thang. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh chi tiêu của các doanh nghiệp Mỹ đang giảm, ngành sản xuất cũng bắt đầu suy yếu và nền kinh tế của nhiều nước lớn khác bao gồm Đức tăng trưởng âm.

Sức mạnh của người tiêu dùng đã thuyết phục nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái sớm.

“Có lẽ quan trọng hơn tất cả, người tiêu dùng Mỹ đang làm điều không thể tin nổi”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói vào hôm 15-8, sau khi Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng 7 tăng 0,7%. Đây là mức tăng tốt nhất trong 4 tháng qua và cao hơn mức dự báo 0,3% của giới phân tích.

Tuy nhiên, có một số diễn biến có thể làm thay đổi thái độ lạc quan này. Hôm 14-8, thị trường chứng khoán Mỹ trải qua cú sụt giảm lớn nhất trong một ngày kể từ đầu năm đến nay. Thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ đang phát đi những tín hiệu cảnh báo nền kinh tế nước này đứng trước cơn suy thoái. Và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ bắt đầu tác động trực tiếp đến người tiêu dùng mạnh mẽ hơn vào mùa thu này khi Mỹ áp vòng thuế 10% lên nhiều mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm thực phẩm và quần áo.

“Người tiêu dùng đang đóng vai trò thần Atlas, gánh vác nền kinh tế Mỹ. Nhưng các doanh nghiệp Mỹ bắt đầu hoảng sợ và giảm chi tiêu. Giờ đây, người tiêu dùng Mỹ cũng đang thận trọng”, Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng ở hãng kiểm toán Grant Thornton, nói.

Không có tin tức xấu đơn lẻ nào có thể làm thay đổi thái độ lạc quan của người tiêu dùng Mỹ đang chi tiêu mạnh mẽ để đóng góp khoảng 70% GDP của Mỹ. Song nếu các tin xấu gộp lại kết hợp với các lo ngại tài chính khác, chúng có thể tạo ra một chu kỳ hoảng sợ, khiến người dân Mỹ phải cắt giảm chi tiêu. Điều này đặc biệt đúng với hàng chục triệu người dân nước này đang có những ký ức “đau thương” về cơn đại suy thoái kéo dài từ tháng 12-2007 đến tháng 6-2009.

Một trong những tín hiệu cảnh báo đáng tin cậy nhất xuất hiện hôm 16-8 khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng do Đại học Michigan thiết lập và theo dõi giảm về mức thấp nhất trong 7 tháng.

“Đó là chỉ dấu đầu tiên cho thấy người tiêu dùng Mỹ rốt cục sẽ không đủ sức bảo vệ nền kinh tế thế giới nữa”, Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng ở Công ty tư vấn Capital Economics, viết trong một báo cáo gửi cho khách hàng.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lùi ngày áp thuế đối với phần lớn trong 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 10% vào ngày 1-9 tới. Ông nói rằng, ông không muốn phá hỏng mùa mua sắm Giáng sinh năm nay nên quyết định lùi ngày áp thuế đối với khoảng 150 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc về giữa tháng 12 tới.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng những hàng hóa Trung Quốc còn lại bị đánh thuế theo đúng kế hoạch sẽ tạo ra tác động lớn với người tiêu dùng Mỹ.

Các vòng áp thuế trước đây của Mỹ nhằm vào Trung Quốc chủ yếu ảnh hưởng đến các sản phẩm công nghiệp và vật liệu thô như thép.

“Các mặt hàng Trung Quốc bị đánh thuế vào tháng tới không phải là không quan trọng. Chúng bao gồm nhiều mặt hàng cơ bản ở tiệm tạp hóa như tỏi, hạt thông, thịt, sữa... tất cả đều đến từ Trung Quốc”.

Các thách thức khác cũng đang đến gần. Dựa theo kinh nghiệm lịch sử, người tiêu dùng Mỹ thường hoảng sợ khi chứng kiến mức sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán và tuyển dụng lao động. Thị trường lao động Mỹ từng rất nóng nhưng có những dấu hiệu cho thấy hoạt động tuyển dụng đang chậm lai. Mức tăng trưởng lương ở Mỹ khá mạnh vào năm ngoái và đầu năm nay nhưng giờ đây đã chững lại.

Sức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ cũng mong manh vì phần lớn dựa vào nợ. Các hộ gia đình Mỹ vay các khoản lớn để chi tiêu với mức nợ tiêu dùng đã chạm mức 13.900 tỉ đô la vào hồi đầu năm nay, cao hơn 1.000 tỉ đô la so với mức đỉnh lần trước, ngay trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bức tranh bất ổn phía trước của nền kinh tế đã khiến một số người tiêu dùng Mỹ cân nhắc thay đổi chi tiêu khi họ lo lắng triển vọng công việc.

Andrea Maxand, một trợ lý luật sư làm việc ở thành phố Seattle, cho biết cô đang cảm thấy an toàn về tài chính. Cô có một công việc tốt, đã trả hết khoản nợ thẻ tín dụng và đang kiếm thu nhập cao hơn so với một năm trước. Nhưng trong vài tuần qua, cô bắt đầu tiết kiệm khi mua sắm. Cô giảm hóa đơn thực phẩm hàng tuần từ 160 đô la xuống 110 đô la và giảm chi tiêu những khoản vụn vặt như: mua đồ uống mang đi, thuê dịch vụ giao hàng, các chuyến đi xem các buổi biễu diễn của các ban nhạc yêu thích vào cuối tuần.

“Tình hình tài chính tôi đang ổn nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lắng. Tôi quan sát các diễn biến ồn ào của chiến tranh thương mại. Trong tuần qua, khi thị trường chứng khoán lao dốc, tôi thầm nhủ rằng đã đến lúc bắt đầu tiết kiệm”, cô nói.

Mark Cohen, Giám đốc nghiên cứu bán lẻ ở Trường Kinh doanh Columbia, cho rằng nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái gia tăng đủ để khiến người tiêu dùng lo lắng.

Theo ông, người tiêu dùng Mỹ có thể bắt đầu lo ngại sẽ mất việc hoặc sẽ không được tăng lương như kỳ vọng. Ông cũng cho rằng các doanh nghiệp Mỹ bị tác động bởi chiến tranh thương mại sẽ tiến hành một loạt các biện pháp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh bao gồm chuyển chi phí thuế vào giá bán hàng cho người tiêu dùng.

Nếu người tiêu dùng Mỹ phải tốn kém nhiều hơn, chẳng hạn thêm 10 đô la cho mỗi lần thanh toán ở siêu thị, họ sẽ bắt đầu giảm mua sắm, đặc biệt là những người sống dựa vào đồng lương, ông nhận định.

Theo Washington Post

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại