Người tiêu dùng Mỹ 'kiên trì' tới bao giờ?
Dù nên kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, người dân Mỹ vẫn tích cực chi tiêu.
Tâm lý lo lắng trước triển vọng nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đang bao trùm phố Wall. Dù phải đối diện với nỗi lo lạm phát, lãi suất tăng, các vấn đề liên quan tới cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, khủng hoảng địa chính trị và dịch bệnh tại Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ sẽ tiếp tục làm điều mà họ được cho là “giỏi nhất”: mua sắm.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 0,5% trong tháng 3/2022 so với tháng trước đó, và 6,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng xu hướng này sẽ kéo dài sang tháng 4. Chính phủ Mỹ sẽ công bố dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 4 vào ngày 17/5 tới. Họ dự báo chỉ số này sẽ tăng 0,7% so với tháng 3.
Nói cách khác, họ nhận định những thông tin tiêu cực thời gian gần đây sẽ không thể kéo giảm chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ.
“Chúng ta vẫn chưa nhìn thấy một cuộc khủng hoảng ở trước mắt nếu chỉ dựa trên những dữ liệu kinh tế đã được công bố”, theo Mark Holman, Giám đốc danh mục đầu tư tại TwentyFour Asset Management.
Một gợi ý đối với nhà đầu tư: hãy nhìn vào những gì người tiêu dùng làm, đừng hành động theo những gì họ nói. Tâm lý tiêu dùng là một chỉ dấu quan trọng, nhưng dữ liệu tiêu dùng thực tế cũng quan trọng không kém.
Tình hình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu sau khi họ công bố báo cáo lợi nhuận quý I trong tuần này, cũng sẽ phần nào cho chúng ta thấy được “sức khỏe” của người tiêu dùng Mỹ. Walmart, Target, Home Depot, Lowe’s, TJX và Kohls sẽ sớm công bố báo cáo lợi nhuận quý I của mình.
Lợi nhuận và doanh số từ những chuỗi bán lẻ truyền thống trên được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ổn định, trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng lui tới các cửa hàng truyền thống thường xuyên hơn thay vì mua sắm qua điện thoại và máy tính xách tay.
Giá cổ phiếu của Amazon, eBay, Wayfair, Etsy, và nhiều nền tảng thương mại điện từ khác đã giảm mạnh trong năm nay một phần vì hiện tượng này.
Kết quả kinh doanh của một số nhà bán lẻ truyền thống đã công bố báo cáo lợi nhuận cũng cho thấy xu hướng tiêu dùng của người dân Mỹ hầu như không thay đổi dù nền kinh tế phải đối diện với một loạt các “cơn gió chướng”.
“Tôi cho rằng có không ít người lo lắng về tác động của lạm phát đến chi tiêu tiêu dùng. Liệu nền kinh tê sẽ lâm vào suy thoái?”, theo James Conro, CEO công ty bán lẻ giày, dép Boot Barn. Tuy nhiên, ông bổ sung sằng, xu hướng tiêu dùng “vẫn tương đối ổn định”, và “hiện tại, chúng tôi cảm thấy sức mua đang rất mạnh mẽ”.
Một số nhà bán lẻ khác đang dần thay đổi quan niệm rằng doanh số sẽ sụt giảm một khi họ tăng giá sản phẩm nhằm bù đắp chi phí đầu vào tăng cao.
“Các nhãn hàng của chúng tôi đều sở hữu quyền định giá tốt ở thời điểm hiện tại”, theo Joanne Crevoiserat, CEO của Tapestry, công ty sở hữu nhiều thương hiệu xa xỉ như Coach, Kate Spade và Stuart Weitzman.
“Người tiêu dùng tiếp tục nhận ra giá trị mà chúng tôi mang lại. Họ không quay lưng với chúng tôi khi giá được nâng lên”, bà bổ sung.
Không rõ tới khi nào người tiêu dùng sẽ dừng mua các sản phẩm không thiết yếu trước làn sóng nâng giá hàng hóa từ nhà bán lẻ. Nhưng các nhà bán lẻ chắc chắn sẽ tiếp tục nâng giá bán của mình trong thời gian tới.
Lãi suất sẽ tăng mạnh?
Một yếu tố có thể kéo giảm chi tiêu tiêu dùng đó chính là các đợt tăng lãi suất mạnh của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn đã giảm trong một vài ngày gần đây sau khi vượt qua ngưỡng đầu tiên kể từ tháng 12/2018 hồi đầu tháng này.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã lên tiếng phủ định khả năng tăng lãi suất cao hơn 0,5% trong tương lai sau khi cơ quan này nâng lãi suất từ 0,25% lên 0,75% hôm 4/5. Đây là lần đầu tiên lãi suất tăng mạnh như vậy kể từ năm 2000.
Fed chưa lần nào tăng lãi suất nhiều hơn 0,5% sau lần tăng 0,75% trong năm 1994. Nhưng vẫn còn quá sớm để có thể gạt bỏ hoàn toàn khả năng một đợt tăng lãi suất cao tới như vậy, dù ông Powell đã lên tiếng phủ nhận điều này. Hãy nhớ rằng ông Powell từng nhiều lần khẳng định lạm phát chỉ là hiện tượng “tạm thời”, rồi hãy nhìn những gì đang diễn ra ở thời điểm hiện tại.
“Tôi không cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp tới, nhưng có thể là trong kỳ họp tiếp sau đó”, theo Sonal Desai, Giám đốc đầu tư tại Franklin Templeton Fixed Income Group.
Desai cho biết dữ liệu kinh tế sẽ có ảnh hưởng lớn tới quyết định tiếp theo của Fed. Phát biểu của ông Powell về lạm phát hoàn toàn có thể thay đổi. Nếu như áp lực giá cả không sớm “hạ nhiệt”, Fed sẽ buộc phải quyết liệt hơn.
“Fed đưa ra quyết định dựa nhiều vào dữ liệu thực tế”, Desai cho biết. “Tôi cho rằng Fed không hề muốn gây bất ngờ cho các thị trường, nhưng dữ liệu thì hoàn toàn có thể làm bất ngờ Fed”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận