Người dân có quyền yêu cầu Rạng Đông chịu trách nhiệm thế nào sau vụ cháy?
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông vào tối ngày 28-8 có thể xem là một sự cố môi trường. Ngoài nỗi lo lắng về việc các cơ quan chức năng sẽ tiến hành khử độc như thế nào để có thể bảo đảm an toàn môi trường sống của cư dân xung quanh khu vực này, người dân còn quan tâm đến việc Rạng Đông sẽ chịu trách nhiệm thế nào với thiệt hại của người dân bị ảnh hưởng bởi vụ cháy.
1. Khắc phục ô nhiễm
Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm. Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu đơn vị gây sự cố môi trường phải “khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước”.
Theo thông tin từ TTXVN, Viện Hóa học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học) hiện đã tiến hành lấy 25 mẫu đất, bùn, tro xỉ, vữa tường... lấy từ đám cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông về phân tích. Công việc phân tích đang được khẩn trương tiến hành để sớm đưa ra kết quả. Dựa trên kết quả phân tích, Viện sẽ xây dựng phương án tiêu độc, thu gom xử lý các vật tư, hóa chất ở khu vực bị cháy của nhà máy Rạng Đông.
Nếu theo quy định hiện hành, chi phí cho các phần việc nêu trên Nhà nước sẽ tạm ứng, Rạng Đông phải trả sau đó.
Vào năm 2010, BP gây sự cố tràn dầu. Chính quyền Mỹ đã phải huy động lực lượng để làm sạch dầu tràn. Sau đó, chính quyền Tổng thống Obama đã tổng hợp chi phí và gửi hoá đơn sang BP yêu cầu trả toàn bộ chi phí làm sạch dầu tràn.
2. Trách nhiệm dân sự đối với người dân trong khu vực
Trách nhiệm dân sự thì tuân theo nguyên tắc của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Người dân trong khu vực có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, tài sản. Nếu muốn được bồi thường người dân sẽ phải thống kê thiệt hại như tiền viện phí, thời gian đóng cửa hàng, thậm chí cả việc giảm giá trị tài sản… Thiệt hại phải xuất phát từ sự cố đám cháy, không được tát nước theo mưa, như kiểu: tính cả tiền hàn răng, hoặc đóng cửa hàng vì lý do đi nghỉ mát. Người dân đưa ra mức thiệt hại của mình, Rạng Đông có quyền đưa ra mức khác, nếu hai bên không thống nhất được thì sẽ đưa vụ việc ra toà.
Một điểm đáng lưu ý về trách nhiệm dân sự là Điều 602 của Bộ luật Dân sự quy định: Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, kể cả khi chủ thể đó không có lỗi. Tức là, kể cả khi Rạng Đông có chứng minh được là họ không cố ý, không vô ý để xảy ra cháy thì họ vẫn phải bồi thường.
Một điểm đáng lưu ý khác về thủ tục đòi bồi thường dân sự là ở Việt Nam hiện không có quy định rõ ràng về khởi kiện tập thể. Nên từng người dân một phải làm đơn kiện riêng. Nếu có nhiều đơn kiện tương tự nhau, toà án có thể nhập nhiều vụ kiện vào chung một vụ và xử một thể. Nhưng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến của tòa Nếu có quy định khởi kiện tập thể thì chỉ cần một vài người đại diện, một vài luật sư là có thể đòi tiền bồi thường cho cả một tập thể hàng ngàn người.
3. Bồi thường thiệt hại cho môi trường tự nhiên
Pháp luật Việt Nam có quy định người gây ô nhiễm môi trường, ngoài bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của cá nhân, tổ chức khác, còn phải bồi thường thiệt hại cho môi trường tự nhiên.
Người yêu cầu bồi thường là UBND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Mội trường (TNMT), tuỳ theo phạm vi thiệt hại là trong một xã, trong nhiều xã cùng huyện, trong nhiều huyện cùng tỉnh, trong nhiều tỉnh thành. Vụ này khả năng trách nhiệm thuộc về UBND phường Hạ Đình hoặc UBND quận Thanh Xuân, hoặc cũng có thể là UBND TP. Hà Nội.
Nghị định 03/2015 hướng dẫn khá chi tiết về cách tính thiệt hại. Đương nhiên Rạng Đông cũng vẫn có quyền đề xuất mức bồi thường khác với mức mà các UBND trên đưa ra. Nếu không thống nhất được thì hai bên sẽ đưa vụ việc ra tòa. Khoản bồi thường thu được sẽ đưa về ngân sách Nhà nước.
4. Trách nhiệm hình sự
Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa công bố nguyên nhân vụ cháy nên chưa thể phân tích có yếu tố hình sự hay không. Nếu giả sử Rạng Đông đã làm sai quy định nào đó về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường thì cũng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 237 Bộ luật Hình sự.
Lưu ý, Điều 237 không chỉ xử lý đối với người gây ra sự cố, mà còn xử cả người vi phạm quy định về ứng phó và khắc phục sự cố. Nên nếu chứng minh được rằng lãnh đạo UBND vi phạm quy định nào đó về ứng phó và khắc phục sự cố môi trường thì lãnh đạo đó cũng có thể bị xử lý hình sự. Đương nhiên, ngoài yếu tố đã vi phạm quy định thì còn rất nhiều yếu tố khác phải chứng minh như thiệt hại sức khoẻ người khác là bao nhiêu, thiệt hại tài sản là bao nhiêu.
(*) Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận