Ngược chiều lãi suất: Tiết kiệm giảm kỷ lục, cho vay vẫn 'neo' cao
Lãi suất huy động đã về mức trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn cao dù nhiều ngân hàng đang trong bối cảnh “thừa tiền”.
Hiện nhóm big 4 (Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank) đi đầu khi đưa lãi suất huy động cao nhất chỉ còn 5,3%/năm, các ngân hàng thương mại khác đều đưa mức lãi suất xuống dưới 7%/năm. Thế nhưng, lãi suất đầu ra với khoản vay mới hầu hết các ngân hàng chỉ giảm nhẹ, thậm chí còn tăng nếu hết thời hạn ưu đãi lãi suất.
Nhiều ngân hàng công bố khoản vay ưu đãi với lãi suất ban đầu rất thấp, chỉ từ 5,9% đến 7,7%/năm. Nhưng mức này chỉ được cố định trong 3 - 6 tháng, dài nhất lên đến 12 tháng sau khi giải ngân, sau đó lãi suất sẽ được thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3- 4%/năm.
Ông Nguyễn Trọng Hoa - Giám đốc Công ty TNHH vật tư kết cấu thép tại Hà Nội - cho biết, năm nay doanh nghiệp vô cùng khó khăn khi cầu suy giảm. Hiện, mức lãi suất ngân hàng đưa ra 7,5%/năm nhưng chỉ được ưu đãi năm đầu và năm sau cộng thêm biên độ 3%. “Lãi suất cho vay như vậy đang quá cao với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng gặp khó về tài sản đảm bảo nên khó tiếp cận vốn vay”, ông Hoa nói.
Ông Trần Phước Hưng - Giám đốc Công ty TNHH lương thực Phước Hưng - cho hay, với khoản vay ngắn hạn trong 5 tháng, ngân hàng chào mức lãi suất 6,5%/năm nhưng với khoản vay dài hạn 9 - 9,5%/năm khiến doanh nghiệp ái ngại.
“Tôi mong mỏi lãi suất cho vay khoảng 7%/năm chứ với mức lãi mà ngân hàng đang chào, doanh nghiệp không dám vay để mở rộng sản xuất kinh doanh hay tính chuyện làm ăn bài bản, lâu dài", ông Hưng bày tỏ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Đại Lược - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới khẳng định, lãi suất cho vay chưa giảm kịp theo lãi suất huy động. Ông Lược cho biết, lãi suất cho vay bằng tài sản thế chấp từ 8- 10%/năm còn tín chấp vẫn trên 10%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động đã về vùng đáy hơn 5%/năm. “Lãi suất cho vay của Việt Nam đang cao nhất thế giới. Theo tôi lãi suất huy động có thể giảm thêm nữa và lãi suất cho vay về mức 6%/năm là hợp lý”, ông Lược nói.
Theo ông Lược, hiện các ngân hàng vẫn “cố thủ” lãi suất cho vay cao khó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. “Đã bước sang quý IV nhưng các đơn hàng doanh nghiệp sản xuất mới chỉ tính theo tháng; thị trường chứng khoán, bất động sản còn khó khăn. Kinh tế vẫn trong giai đoạn màu xám. Thời điểm này, ngân hàng phải chia sẻ với doanh nghiệp, tiếp tục giảm lãi suất và hỗ trợ cho vay vừa giúp doanh nghiệp cũng chính là giúp ngân hàng chữa được bệnh thừa tiền”, ông Lược cho hay.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong nước tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, xuất khẩu bị thu hẹp, các ngành sản xuất nói chung gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cầu thế giới, kể cả cầu đầu tư và cầu tiêu dùng giảm; thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu... cũng gặp khó.
Tất cả những diễn biến này đã ảnh hưởng không thuận lợi đến sự phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Theo lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay, đơn vị điều hành chính sách tiền tệ theo xu hướng nới lỏng từng bước phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô bằng việc 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm.
Điều này nhằm định hướng và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần tăng cường đầu tư xã hội, hỗ trợ sản xuất, tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.
“Đến nay, lãi suất cho vay Việt Nam đồng đã giảm bình quân khoảng 1,5 - 2%/năm so với cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Từ đầu năm chỉ kỳ vọng giảm 1,5% nhưng đến nay mới tháng 10 đã giảm mức 1,5-2% và từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Phó Thống đốc cho biết thêm, đến ngày 29/9, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng gần 7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,05%), riêng trong tháng 9 những ngày đầu tháng 10 tốc độ tăng trưởng tích cực đạt hơn 1%. Tổng dư nợ cả nền kinh tế là khoảng 13 triệu tỷ đồng, từ đầu năm cung ứng thêm cho doanh nghiệp hỗ trợ thị trường trái phiếu đang khó khăn gần 600 nghìn tỷ.
Phó Thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng giảm dần và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, bằng mọi nguồn lực chia sẻ khó khăn giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận