Ngóng tin đàm phán Mỹ-Trung, chứng khoán Mỹ giảm điểm
Nhiều nhà đầu tư chọn đứng ngoài lề thị trường vì những tín hiệu trái chiều về đàm phán thương mại...
Theo tin từ Reuters, Hạ viện Mỹ thông qua hai dự luật ủng hộ người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông và gửi cảnh báo về vấn đề nhân quyền tới Trung Quốc - một động thái khiến Bắc Kinh nổi giận. Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin nói rằng Trung Quốc vẫn mời các nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ tới dự một vòng đàm phán trực tiếp mới ở Bắc Kinh.
Trước phiên này, chứng khoán Mỹ đã sụt điểm trong phiên ngày thứ Tư do có thông tin nói rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc có thể phải đến năm 2020 mới được chốt thay vì hoàn tất trong năm 2019 như kỳ vọng ban đầu. Với những diễn biến này, nhà đầu tư trở nên dè chừng với việc tiếp tục đặt cược vào khả năng Mỹ-Trung sớm ký thỏa thuận, đồng thời cũng thận trọng vì thị trường đang ở gần mức cao kỷ lục.
"Tâm lý của thị trường đang lên, xuống theo triển vọng của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Nhà đầu tư đang băn khoăn không biết liệu có một thỏa thuận trong năm nay hay không", chiến lược gia trưởng Sam Stovall thuộc CFRA Research ở New York nhận định.
"Về cơ bản, họ đang muốn nói rằng thị trường đã tăng cao nhất có thể rồi. Hệ số giá/thu nhập (P/E) đã lên tới 18,5 lần, cao hơn so với mức bình quân của 20 năm là 16,5 lần", ông Stovall nhấn mạnh.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,2%, còn 27.766,29 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,16%, còn 3.103,54 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,24%, còn 8.506,21 điểm.
Số liệu kinh tế Mỹ công bố ngày thứ Năm cũng cho thấy những tín hiệu trái chiều về nền kinh tế. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giữ nguyên ở mức đỉnh của 5 tháng, cho thấy thị trường việc làm đang yếu đi, nhưng doanh số bán nhà tháng 10 tăng mạnh hơn kỳ vọng và giá nhà tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm trong bối cảnh lãi suất vay thế chấp nhà giảm và thiếu cung nhà.
Ông Jack Ablin, Giám đốc đầu tư thuộc Cressset Capital Management, cho rằng những số liệu này không đủ mạnh để tạo ra một sự dịch chuyển rõ ràng hơn trên thị trường. "Đây là một thị trường đang tìm kiếm chất xúc tác", ông nói.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, chỉ có 3 nhóm tăng điểm, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm năng lượng với mức tăng 1,6%. Nhóm năng lượng được hỗ trợ bởi hy vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, cắt giảm sâu hơn sản lượng khai thác dầu.
Bất động sản là nhóm giảm mạnh nhất, với mức giảm 1,4%. Tuy nhiên, do tỷ trọng lớn, công nghệ mới là nhóm gây sức ép giảm mạnh nhất lên các chỉ số, với mức giảm 0,5%.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 1,55 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,37 lần. Có tổng cộng 6,83 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 7,05 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận