Ngỡ ngàng những "dự án khủng" ngành giao thông làm được trong năm 2021 dù dịch Covid-19 bùng phát
Năm 2021, là một năm đặc biệt khó khăn với các ngành kinh tế, trong đó, ngành GTVT cũng không phải là ngoại lệ vì đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến lĩnh vực này.
Tuy nhiên, trái ngược với những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, suy thoái của nền kinh tế, ngành GTVT vẫn gặt hái được một số thành công, tạo nên điểm nhấn "dấu ấn" trong năm 2021.
Thông xe cầu Thăng Long sau 5 tháng sửa chữa.
Dấu ấn đầu tiên của ngành GTVT trong năm 2021 phải kể đến đầu tiên là dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư 269,3 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ 16/8/2020, sau nhiều tháng thi công dự án đã chính thức thông xe vào ngày 7/1/2021.
Đây là dự án có giải pháp kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng công nghệ Việt do các kỹ sư, chuyên gia hàng đầu của ngành GTVT trên quy mô và khối lượng lớn.
Trong quá trình sửa chữa, các nhà thầu đã làm sạch và sơn toàn bộ mặt cầu Thăng Long; hàn 1,4 triệu đinh neo bằng thép lên bản mặt thép của cầu; lắp đặt 800 tấn thép; đổ 2.000 m3 bêtông siêu tính năng (UHPC); quét keo dính bám và thảm 27.200m2 bêtông nhựa polyme lên trên cùng.
Mặt cầu Thăng Long được Bộ GTVT đánh giá sẽ đảm bảo tuổi thọ của lớp bêtông siêu tính năng tối thiểu 30 năm, và lớp phủ bêtông nhựa polyme là 10 năm (theo tuổi thọ thông thường của vật liệu nhựa).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi đó đánh giá, dự án sửa chữa cầu Thăng Long là dự án đặc biệt quan trọng chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, góp phần giảm ùn tắc cho tuyến giao thông huyết mạch kết nối thủ đô Hà Nội với sân bay Nội Bài và các tỉnh phía bắc cũng như toàn tuyến Vành đai 3 của thành phố.
Phó Thủ tướng đã ghi nhận và biểu dương Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các chuyên gia, cố vấn, các đơn vị thi công, cán bộ, kỹ sư và các công nhân lao động trên công trường đã nỗ lực triển khai hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và an toàn theo yêu cầu đề ra.
Khai thác trở lại đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất
Tiếp đó, phải kể đến là dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất. Sau thời gian dài phải tạm đóng cửa đường băng để sửa chữa, ngày 9/9/2021, một đường băng sân bay Nội Bài đã được hoàn thành, đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long (thay mặt Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án), tiếp tục triển khai thi công đường cất hạ cánh 1A từ ngày 1/10/2021, phấn đấu cơ bản hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022, đáp ứng tiến độ tổng thể của dự án.
Dự án này, được Bộ GTVT khởi công vào ngày 29/6/2020, xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu; xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước... với tổng mức đầu tư là 2.031,6 tỷ đồng. Thời gian xây lắp từ năm 2020 đến năm 2021 và hoàn thành công tác thanh quyết toán năm 2022.
Tương tự là dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được khởi công xây dựng vào ngày 1/72020 bao gồm 2 phần là nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L và xây dựng mới các đường lăn song song, đường lăn thoát nhanh. Mục tiêu của dự án là đảm bảo an toàn và nâng cao năng lực khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Với những nỗ lực của các nhà thầu ngày 10/1/2021, đường cất hạ cánh 25R/07L đã đưa vào khai thác với mặt đường băng mới nhưng vẫn với hệ thống đèn halogen cũ được lắp đặt từ những năm 2000.
Từ đầu tháng 9/2021, chủ đầu tư tiếp tục đóng cửa đường cất hạ cánh 25R/07L để thay thế hệ thống đèn hiệu sử dụng công nghệ đèn LED và hệ thống đèn tiếp cận đầu 25R tương đương CAT II. Đến đầu tháng 12/2021 dự án này đã hoàn thành và chính thức được đưa vào khai thác trở lại.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, trong thời gian thi công, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM diễn biến rất phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến huy động nhân công, vận chuyển vật liệu, giá cả leo thang. Đặc biệt, dự án đã xảy ra 2 đợt ghi nhận F0 với số lượng lớn khoảng 130 người nên phải tạm dừng để khoanh vùng, dập dịch.
Tuy vậy, được chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT cùng sự nỗ lực của các đơn vị thi công và tư vấn, dự án đã hoàn thành nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L với hệ thống mặt đường làm mới, lắp hệ thống đèn hiệu theo công nghệ đèn LED, đặc biệt là nâng cấp đèn tiếp cận đầu 25R của đường băng để tăng cường an toàn bay.
Tàu Cát Linh – Hà Đông chính thức khai thác thương mại
Điểm nhấn lớn nhất của ngành GTVT là đưa dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức đưa vào vận hành khai thác thương mại từ ngày 6/11/2021, sau hơn 10 năm bị chậm tiến độ, đội vốn.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài tuyến chính 13,05km, toàn bộ đi trên cao (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa với 12 ga trên cao). Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435mm; tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác 35km/h. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (và ngược lại) là 23,63 phút.
Khi đưa vào hoạt động thương mại, tuyến đường sắt này sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hằng ngày. Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường, tàu được khai thác 10 phút/chuyến, lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.
Thông xe dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam
Ngoài những dự án nổi bật nêu trên, cũng phải kể đến dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan đã được Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận cho đưa vào khai thác tuyến chính.
Dự kiến, việc nghiệm thu dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan sẽ được tiến hành trong tháng 12/2021 và đưa vào khai thác để đảm bảo hiệu quả của dự án.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan giai đoạn 1 có 2 đoạn chính là đoạn La Sơn-Hòa Liên (Km0-Km66) và đoạn Hòa Liên-Túy Loan (Km66-Km78).
Do đó, đoạn La Sơn - Hòa Liên (Km0-Km66) hiện đã hoàn thành. Đoạn Hòa Liên-Túy Loan (Km66-Km78) do khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên đơn vị đã tách riêng thành một dự án khác để tìm nguồn vốn khác đầu tư.
Dự án cao tốc La Sơn-Túy Loan khởi công ngày 22/12/2013, có tổng chiều dài 77,5km, bắt đầu từ ngã ba La Sơn (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) và kết thúc tại nút giao Túy Loan (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), nối với đầu tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Dự kiến dự án này sẽ thông xe vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, công trình chậm tiến độ do nhiều lần điều chỉnh phê duyệt, vướng mắc giải phóng mặt bằng và thiếu vốn.
Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan có tổng mức đầu tư ban đầu là 11.486 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao), trong giai đoạn 1, đoạn tuyến La Sơn-Hòa Liên từ Km0-Km66 sẽ được đưa vào khai thác vận hành với tiêu chuẩn của đường cấp III, bề ngang mặt đường 11m, phân thành 2 làn xe chiều đi và chiều về, tốc độ quy định từ 60-80km/h.
Đến giai đoạn tiếp theo, dự án sẽ được đầu tư mở rộng lên thành 4 làn xe với bề ngang 23-24m tương tự tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Ngoài ra, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cũng dự kiến đưa dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn thông xe vào cuối tháng 12/2021.
Như vậy, đoạn tuyến Cao Bồ - Mai Sơn sẽ là dự án được thông xe sớm nhất trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Đoạn tuyến Cao Bồ - Mai Sơn có chiều dài hơn 15,2km đi qua địa phận hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình, tổng mức đầu tư khoảng 1.607 tỷ đồng, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ.
Trong đó, gói thầu xây lắp chính đã hoàn thành 98,11% giá trị hợp đồng. Dự kiến, hoàn thành toàn bộ dự án đúng tiến độ trong tháng 12/2021, trừ hệ thống ITS (giao thông thông minh) sẽ triển khai trong năm 2022. Hạng mục đường gom của dự án và các cầu trên tuyến gồm: Nam Bình, Mai Sơn, Yên Khang, Khánh Phú, Khánh Hòa,… cũng đã thực hiện 98% khối lượng, phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 12/2021.
Ngoài, Cao Bồ - Mai Sơn, trong năm 2022, Bộ GTVT sẽ thông xe thêm các đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận