Nghiên cứu bổ sung thêm phương án xây cầu Cát Lái
UBND tỉnh Đồng Nai cho hay TP.HCM chọn phương án nào thì Đồng Nai sẽ thực hiện theo phương án đó.
Đồng Nai đã chính thức đưa ra hai phương án để xây dựng cầu thay phà Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Sau đó, Đồng Nai sẽ tiếp tục làm việc với TP.HCM để lựa chọn phương án chính thức.
Bổ sung thêm phương án
Theo ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái. Sau đó, các cơ quan chức năng của tỉnh này đã làm việc với các sở, ngành của TP.HCM để thống nhất các nội dung liên quan. Hai phương án Đồng Nai đưa ra bao gồm:
Phương án vị trí một: Hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy rồi đi dọc đường Nguyễn Thị Định (quận 2), sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.
Phương án vị trí hai: Cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường vành đai 2 (cách cổng Trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450 m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1 km), rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2, sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.
Cả hai phương án vị trí này, cầu Cát Lái sẽ được xây dựng với hai quy mô mặt cắt ngang cầu, gồm sáu làn xe (tương ứng rộng 27 m) và tám làn xe (tương ứng rộng 35 m).
Tuy nhiên, hiện nay cả hai phương án vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ phía TP.HCM. Bởi nếu theo hai phương án này, TP.HCM sẽ gặp khó khăn khi phải thực hiện điều chỉnh quy mô đường Nguyễn Thị Định.
“Đường Nguyễn Thị Định đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch ba lần. Do đó, nếu tiếp tục điều chỉnh để kết nối với cầu Cát Lái thì rất khó khăn nên phía TP.HCM đề nghị có thêm phương án mới” - ông Thành cho hay.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã yêu cầu Sở GTVT hoàn thiện hồ sơ, cuối tháng 2-2020 trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét các phương án xây cầu Cát Lái. Sau đó, tỉnh Đồng Nai sẽ họp bàn với TP.HCM để thống nhất các vấn đề liên quan đến dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở GTVT bổ sung giải pháp cầu có quy mô mặt cắt ngang bốn làn xe vào phương án vị trí một, sáu làn xe cho phương án vị trí hai để xem xét. Bởi tại khu vực này, xe container, xe tải nặng đã có nhiều đường lưu thông như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, vành đai 3. Do đó, cầu Cát Lái sẽ không có nhu cầu quá lớn đối với các xe có tải trọng lớn nên có thể thiết kế để phục vụ cho xe máy và ô tô hạng nhẹ từ chín chỗ trở xuống.
“Để TP.HCM lựa chọn phương án và vị trí xây cầu, Đồng Nai sẽ thực hiện theo phương án đó” - ông Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Làm càng sớm càng tốt
Trao đổi với PV, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết cả hai phương án mà tỉnh Đồng Nai đưa ra để xây dựng cầu Cát Lái hiện nay là chưa phù hợp (nguyên nhân giống như phía tỉnh Đồng Nai đã nêu ở trên).
Theo Sở GTVT TP, nhiều năm nay, tình trạng kẹt xe ở cảng Cát Lái đã khiến nhiều người dân, doanh nghiệp mệt mỏi. Chính vì vậy, công trình này khởi công càng sớm càng tốt và nên hoàn thành đúng tiến độ.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng hai phương án mà tỉnh Đồng Nai đưa ra đều đã có tính toán nhất định nên hiện tại khó có thể nói chọn phương án nào. Điều chúng ta cần là phải nắm rõ chi tiết các kế hoạch này. Cụ thể, cây cầu xây dựng nhằm mục đích gì, phục vụ các loại phương tiện nào và cần tính toán trên một bài toán tổng thể. Trong thời điểm hiện tại thì xây dựng cầu Cát Lái là rất cần thiết.
Còn TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía nam, đánh giá cầu Cát Lái nối TP.HCM với Đồng Nai có vai trò vô cùng quan trọng. Đây là cây cầu góp phần giảm tải cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, giải quyết ùn tắc ở quốc lộ 51, khu vực Cát Lái. Đồng thời góp phần phát triển kinh tế vùng cho cả khu vực phía đông như Đồng Nai, Vũng Tàu.
Vì vậy, Nhà nước cần tính toán lựa chọn phương án cho phù hợp, có thể xây hai làn xe với một cầu để giảm ùn tắc cho cao tốc hiện nay, phục vụ sân bay Long Thành, phát triển kinh tế vùng.
Mặc dù tỉnh Đồng Nai đã đưa ra hai phương án đặt cầu, song tất cả vị trí cần được tính toán lại. Có thể đưa ra nhiều lựa chọn, như phương án nào xây dựng cầu ngắn nhất, tuyến đường nào nối thuận tiện nhất, chỗ nào đất không bị yếu, giải phóng mặt bằng thuận tiện nhất... Chính vì vậy, đơn vị tư vấn cần phải báo cáo về năng lực thông xe, khả năng thu hút xe, lượng xe phát triển theo hằng năm…, tất cả phải cân nhắc kỹ, tránh tình trạng quá tải sớm.
Các hình thức đầu tư
Theo phương án mà UBND tỉnh Đồng Nai đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, dự án xây dựng cầu Cát Lái sẽ được chia tách ra làm ba dự án thành phần gồm:
Phần đường dẫn phía TP.HCM được giao cho UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT.
Phần cầu chính sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo hình thức BOT. Đối với phần cầu chính, trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT. Quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đang nghiên cứu hai phương án
Sở GTVT TP.HCM cho biết ngoài khó khăn như tỉnh Đồng Nai đã nêu, dự án cầu Cát Lái hiện nay đang có trong quy hoạch của Thủ tướng. Hiện dự án đang được bổ sung trên cơ sở đề xuất của TP.HCM gồm cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ, đường song hành quốc lộ 50 kết nối về Long An, đây là một phần của quy hoạch phát triển giao thông vận tải. Về mặt dự án đầu tư, hiện đang dừng lại ở bước nghiên cứu báo cáo đầu tư, trong đó Đồng Nai đã đưa ra hai phương án kết nối. Hiện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đang nghiên cứu kỹ hơn về các chỉ tiêu kỹ thuật và tài chính của tỉnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận