24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thúy Quỳnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nghịch lý ở Iran: Khủng hoảng năng lượng dù trữ lượng khí đốt dồi dào

Kịch bản quen thuộc tái hiện ở Iran mỗi khi có đợt lạnh, và mỗi trận tuyết rơi đều có thể làm tê liệt quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ.

Việc nguồn cung khí đốt ở Iran thấp đã buộc các trường học và văn phòng của các cơ quan chính phủ phải đóng cửa vào mùa đông này. Tuy nhiên, nghịch lý là quốc gia Trung Đông này có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới và có nguyện vọng xuất khẩu sang châu Âu.

Đầu tháng 9/2022, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji đã cảnh báo về một mùa đông lạnh giá và khả năng thiếu khí đốt. Nhưng lời cảnh báo trên của ông là dành cho người châu Âu chứ không phải người Iran ở đất nước mình.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, vị Bộ trưởng nói rằng do sự quản lý yếu kém, châu Âu phải đối mặt với mối lo rằng các hộ gia đình và doanh nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc nguồn cung khí đốt từ Nga giảm do các lệnh trừng phạt nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Vào thời điểm đó, Iran tự cho mình là một nhà cung cấp thay thế cho châu Âu về khí đốt, và thấy vị thế của mình được củng cố trong các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân (JCPOA).

“Chúng tôi có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới và có thể cung cấp cho châu Âu”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết vào đầu tháng 9/2022. Nhưng điều kiện để Iran cung cấp khí đốt là các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Tehran sẽ phải được dỡ bỏ.

Nghịch lý ở Iran: Khủng hoảng năng lượng dù trữ lượng khí đốt dồi dào

Toàn cảnh thủ đô Tehran của Iran, ngày 7/1/2023. Ảnh: Arab News

Tuy nhiên, tờ báo Shargh tương đối độc lập ở Tehran đã đăng một báo cáo dựa trên số liệu thống kê chính thức cho biết rằng tình trạng thiếu khí đốt và điện khiến các doanh nghiệp Iran thiệt hại hàng tỷ USD trong năm 2021-2022. Khoản lỗ tương đương với 10% xuất khẩu dầu mỏ và phi dầu mỏ của Iran để tạo ra nguồn ngoại tệ thiết yếu.

Ngoài ra, Iran đã không đáp ứng yêu cầu của các nhà đàm phán về hợp tác chặt chẽ hơn với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), và kế hoạch trở thành nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu của Tehran đã thất bại.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng ở “lục địa già” đã lắng dịu. Các nhà chức trách cho biết rằng nguồn cung hiện ổn định ở Đức, quốc gia đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt Nga trước khi xung đột vũ trang ở Ukraine bắt đầu.

Ngoài ra, khoảng 3 tháng sau, một vấn đề quen thuộc đã quay trở lại ở Iran: Tình trạng thiếu khí đốt do cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Không thể tùy ý sử dụng

Bộ Dầu mỏ Iran đã xác nhận rằng quốc gia Trung Đông đang gặp sự cố kỹ thuật với việc sản xuất khí đốt. Đầu tháng này, Bộ trưởng Dầu mỏ đã cảnh báo mọi người tiết kiệm nguồn cung.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn chính thức Shana, chuyên đưa tin về ngành, ông Owji khuyên người dân nên “mặc ấm hơn ở nhà và giảm tiêu thụ năng lượng: Những người sử dụng quá nhiều khí đốt có thể bị cắt nguồn cung”.

Điều đó, theo ông Owji, nghĩa là không ai có thể dùng khí đốt bao nhiêu tùy thích.

Từ hôm 12/1, chính quyền ở một tỉnh phía Đông Bắc Iran đã đóng cửa tất cả các văn phòng cho đến ngày 15/1 để tiết kiệm điện và khí đốt.

“Thật quá đáng!” một bà mẹ trẻ từ Tehran nói với DW để đáp lại thông báo. “Trong 3-4 năm qua, chúng tôi chứng kiến cùng một kịch bản mỗi khi có đợt lạnh. Mỗi trận tuyết rơi đều làm tê liệt đất nước, khi các cơ quan nhà nước và trường học đóng cửa để tiết kiệm năng lượng”.

Mùa đông năm nay cũng không ngoại lệ: Kể từ giữa tháng 12/2022, các văn phòng chính phủ và trường học ở nhiều tỉnh trên khắp đất nước 84 triệu dân đã phải đóng cửa hàng tuần liền để tiết kiệm khí đốt.

Tuy nhiên, mặc quần áo ấm hơn ở nhà là điều không bình thường đối với bà mẹ 37 tuổi này, cũng như đối với nhiều người Iran khác, những người đã quen với việc sưởi ấm ngôi nhà của mình bằng nguồn khí đốt rẻ tiền.

Iran có thể có trữ lượng năng lượng khổng lồ, nhưng nước này có xu hướng sử dụng chúng không hiệu quả.

“Iran đang phải chịu tình trạng tiêu thụ quá mức khí đốt tự nhiên và các nguồn năng lượng khác do hiệu quả sử dụng năng lượng cực kỳ kém”, ông David Jalilvand, người đứng đầu công ty tư vấn chính sách Orient Matters có trụ sở tại Berlin, cho biết.

“Các khoản trợ cấp nhằm giảm bớt khó khăn kinh tế của người dân và kích thích nền kinh tế, là một yếu tố quan trọng ở đây”, ông Jalilvand nói với DW. “Một số nỗ lực cắt giảm trợ cấp đã thất bại vì tình hình bấp bênh của nhiều hộ gia đình Iran”.

Vật lộn với các lệnh trừng phạt

Iran cũng phải vật lộn với mức tiêu thụ năng lượng cao trong hầu hết các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành sắt, thép và xi măng. Theo Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức, Iran đứng thứ 4 trong danh sách các quốc gia tiêu thụ khí đốt cao nhất thế giới năm 2020, chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.

“Trong 2 thập kỷ qua, Iran đã có thể mở rộng đáng kể sản lượng khí đốt tự nhiên của mình”, ông Jalilvand cho biết. “Nhưng sản xuất vẫn kém phát triển so với quy mô trữ lượng của Iran. Thiếu khả năng tiếp cận các công nghệ then chốt do các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng đóng một vai trò nào đó. Trong tương lai gần, Iran sẽ không có khả năng đáng kể để tăng xuất khẩu khí đốt”.

Cùng phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Iran và Nga có kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn để đáp trả.

Tehran và Moscow có kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ mà cả hai nước phải đối mặt. Hồi tháng 7/2022, gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận hợp tác trị giá 40 tỷ USD với công ty dầu mỏ NIOC của Iran để giúp công ty này phát triển 2 mỏ khí đốt và 6 mỏ dầu.

Nghịch lý ở Iran: Khủng hoảng năng lượng dù trữ lượng khí đốt dồi dào

Một giàn khoan khí đốt thuộc mỏ khí đốt South Pars, nằm ở Vịnh Ba Tư - mỏ khí đốt lớn nhất thế giới nằm trên đường biên giới chung giữa Iran và Qatar. Ảnh: Iran International

Ông Jalilvand bày tỏ hoài nghi về thỏa thuận này: “Suy cho cùng, Moscow không được lợi lộc gì khi xây dựng một đối thủ hùng mạnh trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là khi thị trường bán hàng của Nga đã trở nên nhỏ hơn đáng kể do các lệnh trừng phạt”.

Nga đã cung cấp dầu và khí đốt với mức chiết khấu đáng kể cho các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - tất cả các khách hàng truyền thống của Iran. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã nhập khẩu khí đốt từ Iran, nhưng hiện đang đàm phán giảm giá 25% đối với khí đốt từ Nga. Hãng tin Bloomberg hồi tháng 12/2022 cũng đưa tin rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ muốn trích chiết khấu hồi tố đối với khí đốt nhập khẩu đã thanh toán cho mùa thu này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả