Nghịch lý càng đấu thầu, giá vàng càng tăng?
Giá vàng vẫn tăng sau nhiều phiên đấu thầu vàng miếng; chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và thế giới vẫn ở mức cao.
Vàng SJC tăng, ai có lợi?
Trước khoảng cách chênh lệch lớn giữa giá vàng nhẫn và giá vàng miếng SJC cũng như giữa giá vàng trong nước và thế giới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành tổ chức 7 phiên đấu thầu vàng miếng SJC. Đến thời điểm này NHNN đã cung ứng ra thị trường 27.200 lượng vàng miếng. Số lượng đơn vị và khối lượng trúng thầu phiên sau nhiều hơn phiên trước, theo đúng mục tiêu tăng cung thêm vàng miếng ra thị trường.
Thông tin với báo chí về công tác quản lý thị trường vàng, NHNN cho biết tại các phiên đấu thầu thành công vừa qua, Công ty SJC đều trúng thầu với khối lượng 2.000 lượng mỗi phiên. Các tổ chức khác dè dặt hơn khi tham gia đấu thầu vàng miếng do lo ngại rủi ro biến động giá và lo “ế” không có nhiều khách mua vàng miếng SJC.
Giá vàng vẫn tăng sau nhiều phiên đấu thầu vàng miếng
Sau 7 phiên đấu thầu vàng miếng, giá vàng SJC hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tính đến 13h chiều nay (17/5), giá mua – bán vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 87,4 - 89,9 triệu đồng/lượng, cao hơn khoảng 17 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC), cho dù giá vàng thế giới có chênh với giá vàng trong nước bao nhiêu chăng nữa thì SJC hay NHNN đều không có lợi ích gì.
Được chọn làm thương hiệu quốc gia, nhưng Công ty SJC không được nhập khẩu vàng, không được dập vàng miếng. Hiện chỉ được gia công vàng mót và kinh doanh vàng, bạc, đá quý đơn thuần. Các hoạt động gia công vàng miếng SJC đều được quản lý, giám sát bởi NHNN.
Có thời điểm, do khan hiếm nguồn cung trong khi nhu cầu quá lớn, và là doanh nghiệp kinh doanh vàng, nên SJC phải cân đối. Nhiều doanh nghiệp vàng treo bảng giá mà có thể không bán. Nhưng đối với SJC, doanh nghiệp buộc phải bán cho mỗi người 1 lượng để có nguồn cung ra thị trường, Tổng Giám đốc Công ty SJC cho hay.
Tổng Giám đốc Công ty SJC cho rằng, Nhà nước cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh vàng được dập vàng miếng, giúp đa dạng nguồn cung. Đồng thời, cần cho doanh nghiệp được nhập vàng để có nguồn nguyên liệu, giúp tránh tình trạng nhập lậu vàng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Cố vấn cấp cao của Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cho rằng, giá vàng miếng SJC tăng nóng thời gian gần đây là do tâm lý thị trường trong nước đẩy giá lên.
Dù NHNN tổ chức đấu giá vàng miếng nhưng giá tham chiếu ở mức cao nên kết quả trúng thầu thấp, lượng vàng đưa ra thị trường ít, khó đáp ứng được nguồn cung.
Do đó, tâm lý thị trường càng kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, khiến nhiều người chưa mua được vàng “đứng ngồi không yên”. Không loại trừ việc một số người đã rút tiền mua vàng, song để mua được lượng vàng miếng SJC lớn trong bối cảnh hiện nay cũng không dễ. Bởi cung vàng SJC trên thị trường khan hiếm, ít người bán, nên doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng không còn nhiều hàng để đáp ứng hết cầu vàng miếng SJC của khách hàng.
Nhà đầu tư có nên đổ tiền vào vàng lúc này không?
Ông Huỳnh Trùng Khánh hy vọng sau 7 phiên đấu thầu thì giá vàng miếng SJC sẽ “hạ nhiệt”. “Mong rằng NHNN tiếp tục các phiên đấu thầu để tăng thêm nguồn cung và giảm dần chênh lệch giá vàng trong nước và nước ngoài”, ông Khánh nói.
Cũng theo chuyên gia này, đổi với SJC thì có lẽ công ty này không có lợi gì khi khá vàng SJC tăng mạnh vì lợi nhuận của họ chủ yếu từ chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng miếng, trung bình khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng. “Còn đối với NHNN thì mục đích chủ yếu của việc đấu thầu vàng miếng là tăng nguồn cung cho thị trường quá đó giảm dần chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới”, ông Huỳnh Trùng Khánh phân tích.
Với mức độ biến động của giá vàng như hiện nay, không ít nhà đầu tư vẫn còn đang lưỡng lự giữa việc giữ vàng hay chốt lời, nếu mua thì nên ưu tiên vàng miếng hay vàng nhẫn tròn trơn.
Theo các chuyên gia, giá vàng hiện nay rất khó định đoán. Vì vậy, quyết định đầu tư nên phụ thuộc vào tâm lý, mục tiêu tài chính cá nhân và khẩu vị rủi ro mà nhà đầu tư có thể “chịu đựng” được, không nên dựa vào dự đoán diễn biến giá vàng trong hiện tại.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn An Huy, chuyên gia tư vấn thuộc Công ty FIDT, hiện nay giá của vàng miếng SJC và vàng nhẫn chênh nhau rất lớn, khoảng 14 triệu đồng/lượng. Trong khi đó vàng nhẫn trơn có cùng chất lượng như SJC, nhưng giá lại không quá lệch so với thế giới.
"Những nhà đầu tư dài hạn nên ưu tiên mua vàng nhẫn trơn của các thương hiệu uy tín hơn là vàng miếng SJC tại thời điểm này", ông Huy nêu quan điểm.
Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý đang có quyết tâm khắc phục tình trạng giá vàng miếng chênh lệch quá cao so thế giới và nhẫn trơn. Tuy việc tổ chức đấu thầu chưa thực hiện được mục tiêu này cũng như xoa dịu "cơn sốt" vàng, cơ quan quản lý vẫn còn nhiều biện pháp khác như sửa đổi Nghị định 24, xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, thanh tra và giám sát kỹ hơn hoạt động mua - bán.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, tuy còn nhiều yếu tố tác động đến giá vàng trong nước, nhưng thông thường, giá vàng trong nước sẽ diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới. Nhà đầu tư có thể theo dõi diễn biến và nhận định về giá vàng thế giới để tìm hướng đi của vàng trong nước.
Để siết chặt quản lý và bình ổn thị trường vàng, Văn phòng Chính phủ vừa phát Thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo NHNN về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận