Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp: ‘Ánh sáng ở cuối đường hầm’
Nghị định số 08 vừa tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn vừa xác định lộ trình xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch, bền vững.
Tháo gỡ được nhiều vướng mắc
Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế vừa được ban hành chiều 5/3.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - đánh giá, Nghị định số 08 vừa tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn vừa xác định lộ trình xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch, bền vững và trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng của nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn khi thanh toán trái phiếu đến hạn.
Theo ông Châu, Nghị định số 08 là căn cứ pháp luật để doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với nhà đầu tư trái phiếu về kéo dài kỳ hạn của trái phiếu trong thời gian tối đa không quá 2 năm hoặc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và bảo vệ quyền lựa chọn của trái chủ.
“Quy định việc đàm phán sẽ tốn nhiều thời gian để doanh nghiệp đạt được thỏa thuận với các trái chủ. Tuy nhiên, việc đàm phán nếu được cả hai bên thực hiện với sự thiện chí và tinh thần hợp tác sẽ là phương thức tối ưu, như những người đang cùng nhau chèo chống trên cùng một con thuyền để vượt qua phong ba bão táp”, ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA cũng nói rằng, Nghị định số 08 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023 đối với việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành, hoặc quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu là rất cần thiết, góp phần củng cố niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tháo gỡ được ách tắc về đầu vào - đầu ra của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Do đó, doanh nghiệp bất động sản phải rất nỗ lực để tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển các phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, có tính thanh khoản cao như nhà ở giá vừa túi tiền, đi đôi với việc thực hiện khuyến mãi, tăng chiết khấu, giảm giá bán nhà theo phương châm chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ để có dòng tiền, có thanh khoản trong tình hình rất khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay.
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong 2 năm 2023 - 2024 rất lớn, khoảng 230.000 tỷ đồng. Trong đó năm 2023 khoảng 119.000 tỷ đồng, năm 2024 khoảng 111.000 tỷ đồng nên Nghị định số 08 sẽ tác động rất tích cực và hiệu quả đến việc xử lý 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm 2023. Nhưng việc xử lý trái phiếu đến hạn phải được sự đồng thuận của các trái chủ với doanh nghiệp thông qua đàm phán thỏa thuận nên mất rất nhiều thời gian, mà hiện nay chỉ còn gần 9 tháng để thực hiện Nghị định số 08.
“HoREA đề nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 08 vào khoảng đầu quý IV/2023 để tiếp tục xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch và bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo”, ông Châu kiến nghị.
"Ánh sáng ở cuối đường hầm"
Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam - cho rằng, Nghị định 08 vừa ban hành gần như tháo gỡ hoàn toàn những nút thắt mà Nghị định 65 ban hành trước đây gây ra một số khó khăn thực tế cho doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư mua trái phiếu.
“Chúng ta thấy, với doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc, giai đoạn này họ gặp khó khăn do bị kẹt về dòng tiền, không phải là doanh nghiệp thiếu tiền hay làm điều sai trái. Cùng lúc họ bị khó khăn không xoay được tiền, nếu siết bắt doanh nghiệp trả bằng được, doanh nghiệp có thể đi đến phá sản do không đáp ứng tiêu chí thanh toán trái phiếu. Đây là yếu tố then chốt giãn nợ cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu”, ông Phương nói.
Ông Phương cũng khẳng định, với doanh nghiệp bất động sản, việc Nghị định 08 được ban hành giúp họ đã có "ánh sáng ở cuối đường hầm" có khả năng sống lại. Nếu không, khả năng nhiều doanh nghiệp bất động sản phá sản trong tương lai.
Với nghị định này, các doanh nghiệp sẽ áp dụng ngay, cụ thể sẽ thương lượng với trái chủ. Những trái chủ, thay vì vướng vào tình huống không biết làm sao xử lý với doanh nghiệp, giờ có giải pháp anh sống tôi sống, trái chủ sẽ hợp tác với doanh nghiệp cùng giải quyết vấn đề, dòng tiền tới hạn, đáo hạn trái phiếu không còn căng như trước.
Với nhà đầu tư, thời gian qua họ quan ngại, lo lắng, thậm chí nghe tin đồn thất thiệt, không mạnh dạn giải ngân nhưng có những giải pháp trên thì những tin đồn sẽ không còn, trả lại niềm tin cho nhà đầu tư. Họ mạnh dạn giải ngân vào thị trường, dòng tiền sẽ được kích hoạt quay lại thị trường chứng khoán.
Nghị định 08 được ban hành giúp cho doanh nghiệp bất động sản đã có "ánh sáng ở cuối đường hầm", có khả năng sống lại.
Tương tự, ông Hoàng Anh Tuấn - chuyên viên tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân cao cấp, Công ty Chứng khoán MB - nhận định, Chính phủ đã kịp thời đưa ra nghị định mới giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ, giảm xác suất thị trường trái phiếu bị bán tháo.
Ngoài ra, quy định tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp giúp cho các nhà đầu tư không chuyên nghiệp vẫn có thể mua được trái phiếu doanh nghiệp, thay vì trước đó phải đáp ứng các điều kiện khá phức tạp. Đây chính là tăng lượng cầu mua vào trái phiếu doanh nghiệp, điều này có thể giúp đỡ cho thị trường trái phiếu không bị mất thanh khoản và không gây ra tình trạng sụp đổ trong ngắn hạn.
“Chính phủ đã tận lực cứu chữa cho thị trường trái phiếu, tôi hy vọng các doanh nghiệp có thể tận dụng chính sách và tồn tại qua giai đoạn khó khăn này”, ông Tuấn nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận